Lò than không phép hoạt động ngày đêm
Tại huyện Chư Sê, theo phản ánh của người dân, PV được chỉ dẫn đến khu vực thôn Chư Ruồi, xã Kông Htok. Tại đây, trên bãi đất rộng, cách khu vực dân cư khoảng 800m, có 12 lò than thủ công được xây dựng kiên cố và đang hoạt động, lò nóng rực, thải khói nghi ngút ra môi trường xung quanh. Cả chục lò than tại đây đa phần sử dụng thân cây cà phê già cỗi để xẻ, đốt. Khối lượng nguyên liệu làm than được tập kết tại khu vực này còn lại rất lớn.
Cụm 12 lò than thủ công được xây dựng kiên cố tại thôn Chư Ruồi, xã Kông Htok, huyện Chư Sê hoạt động liên tục trong nhiều năm qua.
Được biết, 12 lò than này do vài hộ dân cùng góp lại để đốt và hoạt động từ nhiều năm qua. Tình trạng khói thải từ lò than bay đến khu dân cư liên tục được người dân phản ánh, nhưng không được xử lý dứt điểm. Khói từ lò than vẫn cứ bay đến khu dân cư gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của nhiều hộ dân.
Tương tự, cách khu vực 12 lò than nêu trên không xa, có 8 lò than khác nằm trên địa bàn xã Al Bá cùng hoạt động sản xuất than củi. Các lò than này được xây dựng trên đất nông nghiệp, không giấy phép xây dựng, không đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường và ngày đêm hoạt động gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đến cụm dân cư cách đó khoảng 400m.
6 lò đốt than chuyên sản xuất loại than trắng đang hoạt động tại xã Al Bá, huyện Chư Sê được xây dựng kiên cố với mái che tôn và sắt.
Tìm hiểu tại khu vực sản xuất của ông Tuất, nơi có 6 lò đốt than đang hoạt động, những lò than này chuyên sản xuất loại than trắng để phục vụ các nhà hàng lớn hoạt nhu cầu xuất khẩu. Dù được xây dựng quy mô với mái che tôn, sắt, nhưng khi hỏi về các điều kiện cần thiết để hoạt động đốt than này thì không ai cung cấp thông tin nào. Ngoài ra, tại đây có máy cưa công nghiệp được lắp đặt để cửa xẻ cây làm than củi.
Cùng trên địa bàn xã Al Bá, nằm gần khu dân cư hơn so với cụm 6 lò than của ông Tuất là 2 lò đốt than củi khác do ông Điệp đứng ra xây dựng và thu mua củi, cây khô về đốt rồi bán cho thương lái.
Nguyên liệu là cây cà phê tái canh được mua với số lượng lớn tại khu vực lò than xã Ia Pal, huyện Chư Sê.
Qua ghi nhận tại 20 lò than củi đang hoạt động trên địa bàn 2 xã Kông Htok và Al Bá, phần lớn chủ cơ sở không cung cấp giấy tờ nào liên quan đến hoạt động xây dựng, sản xuất, xả thải môi trường trong quá trình đốt củi lấy than. Đáng quan tâm hơn, hoạt động xả thải môi trường trong suốt nhiều năm qua gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân trong vùng là vậy, nhưng phía chính quyền địa phương dường như không hề hay biết?
Cụm lò than có quy mô lớn trên địa bàn xã Ia Băng, huyện Chư Prông.
Cùng trên địa bàn huyện Chư Sê, tại địa bàn các xã Bờ Ngoong, Ia Pal có 8 lò đang hoạt động. Trong đó, tại khu vực cạnh bãi rác xã Ia Pal có 6 lò đốt than với quy mô rất lớn, sau 1 tháng đốt, mỗi lò sẽ cho ra khoảng 10 tấn than củi. Cụm 6 lò này do 2 người có tên là Đạt và Thanh đứng ra quản lý và vận chuyển đi các tỉnh quanh vùng để bán. Riêng tại xã Bờ Ngoong có 2 lò do 1 người tên Trọng là chủ lò than.
Khu vực lò than tại xã Ia Me hoạt động cạnh khu dân cư, gần UBND xã nhưng không được kiểm tra, xử lý về tình trạng ô nhiễm môi trường và xây dựng trái phép.
Được biết, tất cả số lò nêu trên đều hoạt động quy mô lớn và kéo dài suốt nhiều năm qua. Có nơi khói từ lò than âm ỉ cháy cùng với mùi hôi bốc ra từ nhựa cây đã tác động rất lớn đến cuộc sống, sức khỏe của người dân.
Sau khi ghi nhận về tình trạng sản xuất than không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường tại các lò than, ngày 14/2, PV đến làm việc tại UBND xã Kông Htok, lúc này hơn 13 giờ 30 phút, nhưng không thấy ai làm việc tại trụ sở.
Ngay sau đó, PV có liên hệ với ông Phạm Ngọc Thanh – Chủ tịch UBND xã Kon Htok, tuy nhiên ông cho biết đang học tại Hà Nội, Xã ghi nhận sự việc, sẽ kiểm tra, xử lý và thông tin lại sau.
Với các thông tin và hình ảnh ghi nhận, PV đã cung cấp đến Phòng Tài nguyên môi trường huyện Chư Sê để kiểm tra, xử lý.
Vô số cây rừng được cưa, xẻ chuẩn bị đốt thành than được ghi nhận tại xã Hòa Phú, huyện Chư Pah.
Cây rừng thành than củi
Chỉ tính riêng địa bàn 4 xã của huyện Chư Sê đã có gần 30 lò than trái phép liên tục đỏ lửa, thải khỏi vào khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Vậy còn bao nhiêu lò than trái phép đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai?
Theo phản ánh từ những người buôn bán than, PV tìm đến một vài nơi trong số những điểm được cho là đang hoạt động rầm rộ nhất tỉnh Gia Lai. Trong đó, có những lò hoạt động ngay trong khu dân cư, cạnh UBND xã…
Lò than vừa hoàn tất quá trình đốt củi tại xã Hòa Phú, huyện Chư Pah.
Trong số các địa phương có nhiều lò than trái phép đang hoạt động rầm rộ và có cả những lò chuyên sử dụng củi, gỗ từ rừng để phục vụ nhu cầu đốt lấy than của mình. Đứng đầu là huyện Chư Prông với gần 100 lò đang hoạt động, nổi bật nhất là cụm lò than của ông Sơn tại xã Ia Ga với 10 lò, xã Ia Vê có ông Tú hoạt động 8 lò, xã Ia Băng có 8 lò, xã Ia Me có 6 lò…
Các lò than này hoạt động ra sao, có được cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, đảm bảo các quy định môi trường hay không?
Khói thải độc hại từ lò than bay khắp vùng tại xã Ia Găng, huyện Ia Grai.
Theo ghi nhận của PV, trong các ngày 14- 16/3, khi ghi nhận thực tế tại các lò than nêu trên, tất cả các lò than này đều không cung cấp giấy phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở, đất xây dựng khác. Ngoài ra, có lò than hoạt động ngay trên khu vực đất được quy hoạch sử dụng làm nghĩa trang.
Có chủ lò, khi được hỏi về thủ tục pháp lý để hoạt động lò than, thì họ cho rằng có giấy phép và đưa ra Giấy đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính kế hoạch của huyện Chư Prông ký, cấp với nội dung ngành nghề kinh doanh: Sản xuất than củi từ cây cà phê, keo, muồng, bạch đàn, mít, xoài, điều (có nguồn gốc hợp pháp) và không có thêm một giấy tờ nào khác liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng lò than… Cũng chính tờ Giấy đăng ký kinh doanh này, nhiều chủ lò than đăng ký, xin cấp và cho rằng đó là "giấy phép” để được hoạt động mua bán, đốt củi lấy than trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Xưởng cưa công nghiệp nằm cạnh khu vực lò than không phép tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông.
Sau khi ghi nhận tại gần 100 lò than đang hoạt động trên địa bàn huyện Chư Prông, PV có ghi nhận tại cụm 10 lò gần ngã 3 PleiMe, thuộc xã Ia Ga do ông Sơn làm chủ và xã Ia Vê của ông Tú có 8 lò đang trữ nhiều loại cây có nguồn gốc từ rừng tự nhiên.
Tuy nhiên, qua trao đổi với ông Nguyễn Xuân Phùng – Chủ tịch xã Ia Vê cho rằng: Xã đã chỉ đạo lực lượng kết hợp cùng kiểm lâm, công an vào kiểm tra. Theo báo cáo thì tại lò than này đang sử dụng gỗ cà phê, gỗ muồng, gỗ xoài được mua từ rẫy nhà dân. Xã đã có báo cáo cụ thể về Huyện.
Lò than rực lửa, thải khói nguy hại ra môi trường suốt hơn 1 tháng ròng để hoàn thành quy trình đốt củi thành than.
Tương tự, tại khu vực vườn cao su xã Hòa Phú, huyện Chư Pah, cụm các lò than này cách quốc lộ 14 và khu dân cư khoảng 500m, cách trụ sở UBND xã Hòa Phú chưa đầy 1,5km. Tại thời điểm ghi nhận, 3 cụm gồm 12 lò than có vô số cây rừng đã được cắt, xẻ chuẩn bị đưa vào lò đốt, có số cây đã được đốt thành than chuẩn bị xuất đi.
Việc sử dụng gỗ rừng làm than củi và tình trạng xây dựng, hoạt động sản xuất than củi gây ô nhiễm môi trường diễn ra rầm rộ đến bao giờ? Cơ quan nào quản lý? Còn bao nhiêu lò than hoạt động trái phép tại Gia Lai?
PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguyễn Giác - Duy Khải - Minh Chỉnh