Ảnh minh hoạ. ITN
Tại Việt Nam, số liệu điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho thấy, tổng tài nguyên dự báo nước dưới đất của cả nước khoảng 91 tỷ m3/năm (250,7 triệu m3/ngày), trong đó nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm (189,3 triệu m3/ngày). Trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỷ m3/năm (9,9 triệu m3/ngày), còn có thể khai thác là 22,3 tỷ m3/năm (61,2 triệu m3/ngày).
Các thành phố và thị xã đang khai thác chủ yếu là nước dưới đất là: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Đông, Sơn Tây, Hưng Yên, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Số còn lại đều sử dụng nước mặt kết hợp với nước dưới đất.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, khoảng 40% tổng lượng nước cấp cho các đô thị hiện nay là khai thác từ nguồn nước ngầm. Đa số các đô thị khai thác nguồn nước dưới đất với công suất nhỏ (từ 5.000-15.000 m3/ngày đến từ 20.000-40.000 m3/ngày). Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có tổng công suất khai thác lớn hơn (Hà Nội là khoảng 1,3 triệu m3/ngày, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 600 ngàn m3/ngày). Khoảng 62% người dân nông thôn được cấp nước sạch, hầu hết nguồn cấp nước sinh hoạt nông thôn chủ yếu là nước dưới đất.
Tỉ lệ sử dụng nước ngầm cho công nghiệp tương đối lớn, riêng thành phố Hồ Chí Minh có 57% số doanh nghiệp sử dụng nước ngầm. Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ - Tây Nguyên là những khu vực có tỷ lệ khai thác nước ngầm nhiều nhất, vì đây là những vùng tập trung dân cư và kinh tế phát triển nhất trên toàn quốc.
Nhìn vào các số liệu nói trên, có thể thấy nước ngầm đang đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy vậy, nguồn nước ngầm hiện nay đang phải đối mặt với nhiều sức ép từ sự suy giảm mực nước, cạn kiệt tầng chứa nước; ô nhiễm môi trường, nhiễm mặn các tầng chứa nước, sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình và biến đổi khí hậu.
Việt Nam cần có những giải pháp kịp thời, hiệu quả để bảo vệ nguồn nước ngầm, bởi vì khi nước dưới đất đã bị ô nhiễm thì việc khắc phục rất khó khăn và phức tạp, tốn kém kinh phí và đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài.
-------------------------------------
Ngày Nước Thế giới là ngày quốc tế tôn vinh tài nguyên nước, đặc biệt là tài nguyên nước ngọt. Ngày Nước thế giới đầu tiên được khởi xướng tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) năm 1992 tại Rio, Brazil. Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã lấy 22/3/1993 là ngày Nước thế giới đầu tiên. Và từ đó, ngày Nước thế giới được kỷ niệm hàng năm trên toàn cầu.
Ngày Nước Thế giới năm 2022 với chủ đề là Groundwater (Nước ngầm) nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thông điệp bao trùm của chiến dịch là khám phá, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm sẽ là việc làm trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.
Hải Thanh