Qua ý kiến trình bày của chính quyền địa phương và kết quả khảo sát thực tế, Đoàn kiểm tra bước đầu nhận định, tình trạng nước hồ tại khu vực cầu Đông Hưng có màu xanh, nổi váng là do dư thừa các chất dinh dưỡng hay còn gọi là hiện tượng "phú dưỡng hóa” kết hợp với điều kiện nhiệt độ trong nước tăng lên do ánh nắng mặt trời đã làm cho tảo lam phát triển đột biến và bị phân hủy làm đổi màu nước. Đây còn gọi là hiện tượng "tảo nở hoa”.
Vừa qua, một số cơ quan báo chí phải ánh tình trạng lòng hồ Ya Ly (huyện Sa Thầy) bị ô nhiễm. Ngày 21/1, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã có Báo cáo số 38/BC-STNMT về việc kiểm tra, xác minh thông tin tình trạng trên.
Qua kiểm tra bằng mắt thường, Đoàn kiểm tra nhận thấy nước suối Đăk Sia tại các vị trí xả thải của các nhà máy và nước suối Đăk Sia chảy về khu vực thị trấn Sa Thầy trước khi đổ ra lòng hồ Ya Ly không có màu sắc khác thường. Đoàn cũng đi thực địa dọc lòng hồ thủy điện Ya Ly từ thượng nguồn về đến xã Ya Ly (khu vực có phản ánh của báo chí) và nhận thấy nước hồ có màu sắc bình thường, không có mùi hôi.
Tại vị trí xung quanh cầu Đông Hưng (thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) xuất hiện nước có màu xanh đậm, nổi váng, đặc biệt là vùng nước gần bờ. Khảo sát khu vực xung quanh cầu Đông Hưng xác định không có các nguồn thải công nghiệp thải vào nguồn nước hồ Ya Ly.
Kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra nhận định bước đầu tại lưu vực suối Đăk Sia, huyện Sa Thầy (nguồn tiếp nhận nước thải của các nhà máy trên địa bàn huyện) không phát hiện nước suối có màu khác thường; khu vực xung quanh cầu Đông Hưng (thuộc thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) nước có màu xanh lục, đặc biệt tại các khu vực gần bờ có nổi váng thành từng mảng nhỏ, có màu xanh đậm, mùi hơi tanh của rêu. Hiện, có khoảng 6 lồng nuôi cá của người dân dọc khu vực này và không có hiện tượng cá chết, các hoạt động khai thác thủy sản trên lòng hồ vẫn diễn ra bình thường.
Đặc biệt, tại khu vực bán ngập thuộc lòng hồ Ya Ly (thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) còn sót lại lượng lớn cành cây mỳ chưa phân hủy hết đang được người dân thu dọn để trồng mỳ vụ mới; khu vực xung quanh hồ không có các nguồn nước thải công nghiệp đổ vào. Qua ý kiến trình bày của chính quyền địa phương và kết quả khảo sát thực tế, Đoàn kiểm tra bước đầu nhận định, tình trạng nước hồ tại khu vực cầu Đông Hưng có màu xanh, nổi váng là do dư thừa các chất dinh dưỡng hay còn gọi là hiện tượng "phú dưỡng hóa” kết hợp với điều kiện nhiệt độ trong nước tăng lên do ánh nắng mặt trời đã làm cho tảo lam phát triển đột biến và bị phân hủy làm đổi màu nước. Đây còn gọi là hiện tượng "tảo nở hoa”.
Hiện, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã tiến hành lấy 2 mẫu nước tại hồ Ya Ly để kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm và sẽ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum khi có kết quả giám định và thông tin đến người dân.