Xâm nhập mặn mùa khô đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/10/2021 | 3:16:02 PM

QLMT - Tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô 2021-2022 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm, tác động sâu hơn so với mức trung bình nhiều năm gần đây.

Xâm nhập mặn mùa khô đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm
Nông dân vùng ĐBSCL đào ao trong vườn, trải bạt để tích trữ nước ngọt phục vụ tưới vườn cây mùa hạn mặn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra dựa trên các số liệu mực nước ở các hồ chứa thượng lưu sông Mekong đang thấp, tình hình nguồn nước sông Mekong đặc biệt là dung tích hồ Tonle Sap (Campuchia) cùng diễn biến của thủy triều ở khu vực hạ nguồn. Ở thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng tới 60.000ha lúa ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Tiền Giang 11.900ha, Bến Tre 12.000ha, Trà Vinh 15.000ha, Sóc Trăng 20.000ha. Tuy nhiên, mức độ xâm nhập của nước mặn sẽ không gay gắt như năm 2019-2020, ở một số thời điểm có thể xấp xỉ năm 2015-2016 là các năm xảy ra hạn mặn lịch sử ở khu vực miền Tây.

Dung tích hiệu dụng các hồ chứa ở thượng lưu sông Mekong ước tính khoảng 65 tỷ m3, nhưng tính đến cuối tháng 9/2021, tổng dung tích trữ các hồ mới đạt gần 70%. Đối với tình hình thủy triều mùa khô năm 2021-2022, từ tháng 11 đến 12/2021 có xu thế cao hơn mực nước đỉnh triều trung bình nhiều năm. Từ tháng Một đến Ba năm 2022, mực nước đỉnh triều cường có xu thế giảm dần ở mức tương đương trung bình nhiều năm. 

Các chuyên gia thuỷ văn dự báo các tháng đầu năm 2022 sẽ có 3 đợt triều cường, từ ngày 2 đến 4/1, từ ngày 31/1 đến 3/2 và từ ngày 1/3 đến 6/3, trong đó, đợt triều cường đầu tháng 1 là lớn nhất trong mùa khô năm tới. Gió chướng bắt đầu hoạt động ngay từ đầu mùa khô, góp phần đẩy mặn xâm nhập sâu vào hệ thống kênh, rạch Đồng bằng sông Cửu Long.  Theo Tổng cục Thủy lợi, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 có khả năng ở mức tương đương với năm 2020-2021 và sẽ ảnh hưởng tới hơn 210.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, gồm các diện tích trồng lúa, cây ăn trái và mô hình canh tác lúa-tôm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ở thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng 60.000ha lúa ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Tiền Giang 11.900ha, Bến Tre 12.000ha, Trà Vinh 15.000ha và Sóc Trăng 20.000ha. Đối với vùng cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng gần 43.300 ha; trong đó, Long An 3.100ha, Tiền Giang 21.800ha, Bến Tre 16.000ha và Sóc Trăng 3.400ha. Xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 107.400ha ở vùng canh tác lúa-tôm gồm Kiên Giang 35.800ha, Cà Mau 39.400ha, Sóc Trăng 11.300ha và Bạc Liêu 20.900ha.

Hiện tại, còn khá sớm để dự báo chính xác mức độ xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 do nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc rất lớn vào dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (mưa, khả năng tích trữ nước của các hồ chứa thượng nguồn). Tuy nhiên, trước khả năng lũ nhỏ, dòng chảy các tháng đầu mùa khô thấp có thể làm mặn xâm nhập sớm, Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn phải có giải pháp tổng thể về thủy lợi, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ để né tránh mặn và thực hiện các giải pháp trồng trọt để giảm thiểu thiệt hại đển sản xuất nông nghiệp.

Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang được khuyến cáo hoàn thành xuống giống vụ lúa Đông Xuân ngay trong tháng 10/2021 để né hạn mặn với diện tích khoảng 400.000ha (chiếm 26% diện tích vụ Đông Xuân). Các tỉnh đồng thời tiến hành nạo vét hệ thống kênh mương để trữ nước ngọt và có kế hoạch đóng kín dần các cống từ phía biển lên thượng lưu từ tháng 11 tới.

Hải Thanh

Tags Xâm nhập mặn mùa khô 2021 Đồng bằng sông Cửu Long

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục