Sụt lún xảy ra ngày càng nhiều tại khu vực ĐBSCL có liên quan đến khai thác nước ngầm. Ảnh: ITN
Với 7 tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố nước ngầm từ vài chục mét đến 500 - 600 mét, ĐBSCL có tiềm năng nước ngầm lớn nhất ở nước ta. Các khu vực tiềm năng nguồn nước ngọt lớn phân bố ở các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ. Trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngọt khoảng 22,5 triệu m3/ngày, trữ lượng tiềm năng nước lợ, mặn khoảng 39 triệu m3/ngày. Trong đó, trữ lượng khai thác an toàn nước ngọt toàn vùng khoảng 4,5 triệu m3/ngày.
Theo thông tin từ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nước ngầm trong các tầng chứa nước ở khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng hạ thấp sâu và xâm nhập mặn vào mùa khô. Ở nhiều địa phương, mực nước ngầm có tốc độ hạ thấp mạnh hơn từ 0,3-0,5m/năm như thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau... Thậm chí, một số địa phương tốc độ hạ thấp đến 0,55m/năm như ở thị trấn Tân Trụ - tỉnh Long An, 0,92m/năm ở thị trấn Lai Vung - tỉnh Đồng Tháp.
Số liệu báo cáo từ Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, biến đổi khí hậu, thiên tai tại ĐBSCL ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn. Chỉ tính riêng trong mùa khô năm 2019 - 2020, trên 160 công trình cấp nước tập trung ở ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn khiến khoảng 430.000 người dân trong vùng gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
Không chỉ tồn tại những nguy cơ về suy giảm mực nước, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất, ĐBSCL hiện đang đối diện với nguy cơ hạ thấp bề mặt địa hình với tốc độ lún trung bình 20-40 mm/năm. Các khu vực lún nhanh nhất là bán đảo Cà Mau, TP. Cần Thơ. Theo Bộ TN&MT, việc khai thác nước ngầm quá mức chính là một trong những nguyên nhân gây sụt lún ở ĐBSCL.
Năm 2020, toàn vùng ĐBSCL vào có khoảng 9.650 giếng khai thác nước ngầm tập trung quy mô trên 10m3/ngày, với tổng lưu lượng khoảng 1,97 triệu m3/ngày. Ngoài ra, còn khoảng trên 1 triệu giếng khai thác lẻ quy mô hộ gia đình, với lưu lượng khai thác khoảng 840 nghìn m3/ngày… Ở những vùng nông thôn của ĐBSCL, hầu như gia đình nào cũng có 1 giếng khoan, có hộ 3-4 giếng. Nguồn nước ngầm không chỉ sử dụng sinh hoạt của người dân ĐBSCL mà còn phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các nhà máy cấp nước được cấp phép hoạt động khai thác nước ngầm tại khu vực ĐBSCL ngày càng nhiều, không có sự thống nhất giữa các tỉnh thành. Công ty cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang đang khai thác 20 giếng khoan ở độ sâu từ 160 - 350 mét; Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang khai thác nước ngầm trữ lượng trung bình 50 m3/giờ; Công ty cổ phần Cấp nước Cà Mau khai thác 63 giếng, độ sâu từ 180 - 240m...
PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, cứ mỗi m3 nước ngọt được khai thác từ các tầng chứa nước thì có 13 m3 nước ngọt dự trữ bị mất đi do xâm nhập mặn tự nhiên và bị hòa lẫn nước lợ ngầm.Việc khai thác nước ngầm quá mức ở ĐBSCL cũng là tác nhân quan trọng gây ra hiện tượng sụt, lún ở khu vực này trong những năm qua. Nguyên nhân do tầng đất mặt dưới sâu của khu vực ĐBSCL chủ yếu là lớp cát, còn nền đất thì 80% là đất yếu. Khi nước ngầm bị khai thác tràn lan dẫn tới cốt nền bị rỗng, đất bề mặt không đủ sức liên kết trước dòng chảy mạnh của các con sông.
Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực trên, đồng thời bảo vệ nguồn nước ngầm tại ĐBSCL cần có các biện pháp quản lý kiểm soát việc khai thác và sử dụng nước ngầm hiệu quả. Vì nước ngầm chính là nguồn tài nguyên dữ trữ quan trọng đối với an ninh nguồn nước.
Tú Anh