Thành phố Nha Trang về đêm. Ảnh TL
Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải (Dự án CCSEP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đã hoàn thành giai đoạn I và đang triển khai giai đoạn II.
Ngày 17/5/2021, ông Nguyễn Anh Tuấn ,Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với đại diện WB tại Việt Nam về tiến độ thực hiện dự án Môi trường Bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang.
Tại cuộc họp, các thành viên của WB đánh giá khối lượng thực hiện công việc liên quan tới Tiểu dự án Nha Trang đang chậm hơn so với thời gian cam kết, trong đó chậm nhất là tiến độ giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn đã thống nhất với kiến nghị của WB về việc cho triển khai các gói thầu khi đã giải phóng mặt bằng đến mức độ phù hợp. Đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của WB trong quá trình thực hiện các hạng mục của dự án, nhất là hạng mục liên quan đến Nhà máy xử lý nước thải phía Bắc (Nguồn : Tiến độ thực hiện dự án CCSEP còn chậm - Báo Khánh Hòa điện tử (baokhanhhoa.vn) – ngày 17/5/2021.
Trước nguy cơ "vỡ” cam kết tiến độ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn khẩn đề nghị nhà tài trợ - Ngân hàng Thế giới (WB) gia hạn thực hiện Tiểu dự án.
Theo cam kết với WB, Tiểu dự án phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Trong khi đó, giai đoạn đầu của Tiểu dự án (trong khoảng thời gian 18 tháng) đến nay chưa hoàn tất thi công.
Giai đoạn này gồm 5 gói thầu xây lắp, tương ứng thi công hơn 86 km tuyến cống cấp 3 và cống thoát nước thải, lắp đặt hơn 8.000 hố ga thu nước nhà dân, hơn 600 hố ga ngăn mùi, xây dựng hơn 4,5 km cống thoát nước mưa, hoàn thành 3 trạm bơm, 3 giếng tách và 3 nhà vệ sinh trường học trên địa bàn các phường tại TP. Nha Trang. Việc triển khai giai đoạn còn lại cũng rất chậm so với kế hoạch đã cam kết. (Nguồn: Dự án Môi trường tại Nha Trang: Chậm tiến độ, xin gia hạn 12 tháng (baodauthau.vn) – Ngày 14/06/2021).
Bộ Xây dựng cũng đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để dự án có thể triển khai nhanh bằng việc đã ủy quyền cho Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thẩm tra hồ sơ kỹ thuật của các gói thầu.
Tuy nhiên, từ sau cuộc họp tháng 5 đến bây giờ là tháng 10 đã hơn 5 tháng trôi qua mà các gói thầu vẫn chưa được trao thầu và đơn cử như gói thầu NT-1.7 Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải phía Bắc; Cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ khí cho các trạm bơm nước thải vẫn chưa có kết quả chấm thầu cho dù đã gần bốn tháng kể từ khi gói thầu này được đóng thầu (thời điểm đóng thầu là ngày 07/6/2021).
Việc chậm chễ trong quá trình chấm thầu và trao hợp đồng cũng là một trong những nguyên nhân làm dự án tiếp tục chậm tiến độ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1082 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021. Tuy nhiên, với tiến độ hiện tại thì dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang khó có thể hoàn thành kế hoạch giải ngân.
Sau khi Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đăng tải bài viết "Khánh Hòa: Cạnh tranh, minh bạch gói thầu NT-1.7 XD NM xử lý nước thải”, Ban biên tập đã nhận được nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi về bài báo, trong đó có những ý kiến tỏ ra quan ngại về tính minh bạch trong đấu thầu.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu lâu như vậy có thể do chủ đầu tư phải trình kết quả đánh giá lên nhiều cấp thẩm quyền.
Để giải đáp thắc mắc của quý bạn đọc, chúng tôi cũng đã liên hệ với ông Lê Duy Hưng - Chủ nhiệm dự án CCSEP của Ngân hàng thế giới và UBND tỉnh Khánh Hòa. Chúng tôi đang đợi phản hồi chính thức từ các quý cơ quan.
Qua trao đổi với các chuyên gia thì nhận thấy thực chất việc giá chào thầu chênh nhau nhiều giữa các nhà thầu là phản ánh đúng bản chất của việc đấu thầu. Trong thực tế, khi xây dựng giá chào thầu, các nhà thầu chỉ căn cứ vào giá đầu vào của họ và cộng thêm phần quản lý phí và lợi nhuận của họ để tạo nên giá dự thầu.
Đó là bản chất của việc xây dựng giá chào thầu. Vì vậy, việc giá dự thầu chênh lệch nhiều với dự toán gói thầu là điều hết sức bình thường. Điều bất thường có thể chỉ xảy ra khi mà giá dự thầu của một nhà thầu nào đó quá sát với giá dự toán của gói thầu (Ví dụ như một gói thầu có giá dự toán 300 - 400 tỷ mà giá dự thầu chỉ thấp hơn chỉ khoảng 1 tỷ đổng).
Cũng trong khuôn khổ dự án này tại tiểu dự án thành phố Quy Nhơn - Bình Định, thì Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Định đã trao thầu cho nhà thầu là Công ty cổ phần Kỹ thuật SEEN có giá trúng thầu là 168.814.721.589 VNĐ, thấp hơn 38.601.897.261 VNĐ so với dự toán gói thầu được công bố trước đó là 207.416.618.850 VNĐ. Các chuyên gia cho rằng, các nhà thầu không bao giờ chào thầu với giá lỗ vốn cả mà ở đây các nhà thầu đấu thầu "xanh chín” thường có giá dự thầu rất hợp lý và với giá đề xuất thì họ hoàn toàn có thể hoàn thành việc thi công xây dựng nhà máy theo đúng tiến độ, có chất lượng cao và có lợi nhuận cho công ty. Đây chính là nét ưu việt của việc đấu thầu qua mạng khi mà hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu đều được lưu giữ trên Hệ thống đầu thầu điện tử Quốc gia, tạo ra tính minh bạch cao.
Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến đấu thầu, ngày 1/8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (đơn vị được đặt hàng), Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam (đơn vị tư vấn, thẩm định giá) và một số cá nhân có hành vi thông đồng nâng khống giá trị cây, hợp thức hồ sơ dự toán để phê duyệt đặt hàng làm căn cứ thanh quyết toán trái quy định pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh với không chỉ Chủ đầu tư mà còn các đơn vị Tư vấn trong quá trình lập dự toán, hồ sơ kỹ thuật và trong quá trình đấu thầu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin thêm cho quý độc giả sau khi có câu trả lời từ UBND tỉnh Khánh Hòa về dự án CCSEP -Tiểu dự án TP Nha Trang./.
Bắc Lãm