Ảnh minh hoạ
Theo nghiên cứu trên, IFC - Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, chỉ có 33% của 3,9 triệu tấn nhựa các loại sử dụng phổ biến được thải ra hàng năm tại Việt Nam được thu hồi và tái chế. Nghiên cứu ước tính rằng nền kinh tế đã lãng phí 75% giá trị vật liệu của nhựa - tương đương từ 2,2 tỷ đến 2,9 tỷ USD mỗi năm.
Việc quản lý nhựa đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, giúp nhân rộng nỗ lực tái chế cùng các nỗ lực khác nhằm thúc đẩy tuần hoàn nhựa, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Bà Carolyn Turk cho biết, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng đã làm tăng đáng kể mức tiêu thụ các sản phẩm nhựa và bao bì, khiến các thị trường mới nổi trong khu vực trong đó có Việt Nam trở thành điểm nóng về ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, đầu tư vào hạ tầng quản lý rác thải vẫn chưa bắt kịp tốc độ xả thải. Khu vực nhà nước và tư nhân cần hợp tác để giải quyết vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội phức tạp này, đồng thời thúc đẩy các chính sách và tăng cường đầu tư để giúp tận dụng triệt để giá trị của vật liệu nhựa.
Trên phạm vi toàn cầu, tới 50% rác thải nhựa đại dương xuất phát từ bao bì sử dụng một lần hoặc sử dụng ngắn hạn. Đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn do lượng tiêu thụ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn đóng chai nhựa và bao bì đóng gói cho các đơn hàng trực tuyến gia tăng đột biến.
Ô nhiễm nhựa đối với môi trường biển của Việt Nam đang ở mức đặc biệt nghiêm trọng đối với Việt Nam bởi đặc thù đường bờ biển dài. Để ứng phó với tình trạng này, kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 đặt mục tiêu giảm 75% lượng rác thải nhựa đại dương trong 10 năm tới.
Nghiên cứu trên đề xuất các giải pháp ngắn và dài hạn để nâng cao nhu cầu trong nước đối với nhựa tái chế và mở rộng quy mô ngành công nghiệp tái chế nội địa bằng cách cải thiện môi trường thuận lợi cho đầu tư của khu vực tư nhân.
Nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Thế giới sử dụng phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị nhựa để xác định cách thức các loại nhựa phổ biến được sản xuất, sử dụng, và quản lý ở Việt Nam và khuyến khích tăng cường phân loại, thu gom, và tái chế rác thải để tận dụng hết giá trị của vật liệu nhựa.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, một nền kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam để đạt được các mục tiêu tăng trưởng các-bon thấp. Tái chế nhựa không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm các nguồn nguyên vật liệu có giá trị. Nâng cao lợi ích kinh tế của việc tái chế nhựa sẽ giúp huy động đầu tư nhiều hơn của khu vực tư nhân để giải quyết hiểm họa ô nhiễm nhựa, đồng thời hỗ trợ các ngành quan trọng như du lịch, vận tải biển và thủy sản, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Kết luận của nghiên cứu này cho thấy việc tái chế, đặc biệt là đối với nhựa cứng có giá trị cao, là đòn bẩy chính để các cơ hội đầu tư của khu vực tư nhân có tác động và có quy mô lớn giúp chuyển hướng khối lượng lớn chất thải nhựa ra khỏi các bãi thải, bãi chôn lấp, và đường bờ biển dài của Việt Nam.
Ngọc Anh