Chất thải rắn nguy hại được đổ thẳng ra lề đường, bờ mương và cánh đồng ở Bình Yên - Nam Thành - Nam Định
Để kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam định đã đặt các trạm quan trắc. Kết quả quan trắc hiện trạng môi trường nước thải tại 13 vị trí, môi trường không khí và tiếng ồn tại 10 vị trí, tập trung chủ yếu đối với các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh Nam Định năm 2019, nước thải của các làng nghề có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số COD, BOD5, Coliform, Amoni, Tổng Nitơ, Tổng P, Sunfua, Độ màu, SS; môi trường không khí chưa có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số bụi lơ lửng, CO, SO2, NO2; thông số tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép (QCVN26:2010/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn) nhưng ở mức thấp tại một số làng nghề cơ khí, đồ gỗ.
Qua kết quả kiểm tra, rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường, cho thấy: Nhận thức, ý thức của người dân về BVMT còn nhiều hạn chế, nguồn vốn ít nên việc đầu tư cho BVMT trong quá trình sản xuất hầu hết chưa được quan tâm. Các hộ sản xuất xen lẫn trong khu dân cư do vậy khó thực hiện việc xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về BVMT.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay vẫn còn một số xã có làng nghề của huyện Hải Hậu chưa lập phương án BVMT theo quy định. Một số cơ sở sản xuất trong làng nghề thuộc địa bàn các huyện Ý Yên, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định chưa có hồ sơ, thủ tục về BVMT theo quy định. Kinh phí đầu tư và xử lý nước thải của các làng nghề lớn trong khi nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực xử lý ô nhiễm còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn.
Hầu hết các làng nghề tại Nam Định chưa tách riêng hệ thống thu gom nước thải sản xuất và nước mưa; chưa có biện pháp xử lý nước thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường. Các làng nghề chưa có khu thu gom, xử lý chất thải rắn riêng mà vẫn thu gom, xử lý chung tại khu xử lý rác thải của địa phương. Việc quy hoạch bảo vệ môi trường nông thôn chưa được thực hiện, phát sinh thêm một số làng có nghề có hoạt động sản xuất gây ô nhiễm trong khu vực dân cư nông thôn; vẫn còn hiện tượng thành lập mới các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thuộc danh mục ngành nghề không được khuyến khích phát triển tại làng nghề.
Mặt khác Bộ máy nhân sự làm công tác quản lý về môi trường ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu so với thực tế tại địa phương. Đối với cấp xã, đặc biệt là các xã có làng nghề, nguồn nhân lực làm công tác BVMT hiện nay đang rất thiếu, chưa đủ khả năng vận hành các công trình xử lý nước thải đã được bàn giao.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề, Sở TN&MT tỉnh Nam Định đã tham mưu cho UBND tỉnh và chủ động ban hành nhiều văn bản về bảo vệ môi trường làng nghề như: Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 10-10-2013 về việc triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Thực hiện Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT, Sở TN&MT đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã có làng nghề lập phương án bảo vệ môi trường làng nghề; đôn đốc hướng dẫn các xã có làng nghề lập phương án bảo vệ môi trường trình UBND huyện phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, đã có 45 làng nghề lập phương án bảo vệ môi trường được UBND huyện phê duyệt. Mặt khác, các làng nghề đã thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề, kết hợp với việc thành lập tổ, đội thu gom xử lý rác thải. Hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề đã có hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường. Đối với các làng nghề có mức độ ô nhiễm cao, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và nguồn kinh phí khác, UBND tỉnh đã và đang hỗ trợ các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý, Sở TN&MT cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các hộ sản xuất trong làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, hoạt động không liên tục, sản xuất theo thời vụ; ý thức, nhận thức bảo vệ môi trường của các hộ sản xuất còn hạn chế. Nhiều làng nghề chưa có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa; chưa có biện pháp xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Việc chuyển đổi, di dời của các cơ sở sản xuất trong làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào các CCN làng nghề còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, kinh phí và quỹ đất quy hoạch CCN. Trong khi đó, chính quyền địa phương, nhất là UBND cấp xã chưa quyết liệt trong vấn đề chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 142 làng nghề đang hoạt động với tổng số hộ làm nghề khoảng 16.000 hộ. Trong đó chủ yếu là các làng nghề sản xuất sơn mài, thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ gỗ, những làng nghề này luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.
Đồng Xuân (t/h)