Có mặt tại cầu Mới, xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng vào ngày 10/9/2021, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận tới hàng tấn chất thải công nghiệp được chia thành nhiều bọc, nằm ngổn ngang trên một bãi đất rộng cả ngàn mét vuông.
Tại khu vực này, có một nhà xưởng rộng chừng 300 mét vuông, một ô tô tải, đường ngập nước, sình lầy. Mùi hôi thối xen lẫn mùi hoá chất (keo dán) đặc trưng của phế liệu ngành giầy da bốc lên nồng nặc, khó chịu. Một vài đống rác thải bị cỏ dại mọc bao phủ, cho thấy, việc tập kết rác thải tại nơi đây đã diễn ra trong một thời gian dài.
Phản ảnh sự việc tới ông Trần Văn Tính – Chủ tịch UBND xã Tự Cường, vị này cho biết, bãi thải mới chỉ tập kết được hơn 10 ngày. Chủ thuê bãi đất là ông Phương, địa chỉ không rõ. Còn người đổ thải là ông Khiêm, bản thân làm gỗ, các chất thải giầy da trên là được thuê về đổ tại đây. Việc ông Khiêm đổ rác thải công nghiệp trái phép, UBND xã chưa kịp lập biên bản xử lý vì đối tượng đang "test” Covid 19 không về được(?!).
Cũng theo thông tin từ ông Trần Văn Tính, mặc dù trước đó chính tại đây, đã có trường hợp hộ ông Thoan đốt rác thải công nghiệp, đã bị chính quyền xã lập biên bản… nhưng khi phóng viên cảnh báo, nếu địa phương không kịp thời xử lý bãi thải trên, các đối tượng trên sẽ tiếp tục đốt để "phi tang”, lúc đó sẽ gây hại khôn lường đến sức khoẻ của người dân địa phương, đầu độc không khí, nguồn nước, nhưng ông Tính lại tự tin chia sẻ: "Làm sao nó đốt được với chúng tôi …”
Không thừa nhận cho sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý tại địa phương khi để xảy ra tình trạng tập kết rác thải trên, vị Chủ tịch UBND xã Tự Cường phàn nàn với phóng viên: "Các anh phải thông cảm cho địa phương, cứ tí tí lại bôi chúng tôi lên thế, tâng bốc lên, làm như địa phương chúng tôi là bãi thải…”
Còn về phía huyện Tiên Lãng cho biết, khu đất trên được UBND huyện cho thuê để sản xuất nông nghiệp.
Vậy là, một khu đất được UBND huyện cho thuê để sản xuất nông nghiệp, đem cho một người khác thuê lại để làm xưởng chế biến gỗ, lại cho "mượn” để đổ chất thải công nghiệp.
Theo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, chất thải trong quá trình sản xuất giày dép chủ yếu là chất thải rắn công nghiệp như : các loại vật liệu sản xuất mũ, lót giày dép, cặp, túi ví, đế giày như da, vải, giả da, cao su, PU, PVC…Các loại rác thải này thuộc loại khó phân hủy trong môi trường tự nhiên và cực kỳ độc hại nếu như không được xử lý đúng cách.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này! Dưới đây là hình ảnh ghi nhận của phóng viên. Đề nghị các cơ quan hữu quan của thành phố Hải Phòng, vào cuộc, xác minh, làm rõ trách nhiệm.
Một nhà xưởng chế biến gỗ rộng chừng 300 mét vuông, ngập lụt, sình lầy, mùi hôi thối và mùi ngai ngái khó chịu đặc trưng của rác thải da giầy ...
Rác thải công nghiệp ngổn ngang lên tới hàng tấn, cả mới lẫn cũ...
Chất thải trong quá trình sản xuất giày dép chủ yếu là chất thải rắn công nghiệp như : các loại vật liệu sản xuất mũ, lót giày dép, cặp, túi ví, đế giày như da, vải, giả da, cao su, PU, PVC
Các loại rác thải này thuộc loại khó phân hủy trong môi trường tự nhiên và cực kỳ độc hại nếu như không được xử lý đúng cách.
Rác thải da giày đã được ép nén thành cục lớn nặng tới hàng tấn ...
Một không gian giộng lớn toàn rác, thách thức dư luận, thách thức chính quyền địa phương...
Đống rác thải này đã được để đây từ lâu, cỏ mọc che phủ...
Khu đất này được UBND huyện Tiên Lãng cho thuê để sản xuất nông nghiệp? trồng cây gì ? nuôi con gì ?
Cả một khu vực rộng lớn ngập tràn rác thải, nhưng vị chủ tịch UBND xã lại sợ phóng viên "làm quá", không thông cảm cho địa phương
baotainguyenmoitruong.vn