Hành động vì màu xanh của biển

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/9/2021 | 10:54:19 AM

Nhiệm vụ trọng yếu phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền trong tình hình mới vẫn còn nhiều thách thức được đặt ra.

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Tiềm năng nhiều, thách thức lớn

Việt Nam có 28 tỉnh, thành ven biển, với bờ biển dài 3.260 km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các đảo quốc và lãnh thổ trên thế giới. Biển Đông là cầu nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nằm trên ngã tư của tuyến hàng hải và hàng không quốc tế. Trong đó, diện tích biển của Việt Nam chiếm khoảng 29% diện tích của biển Đông (gần 1 triệu km2), rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền.

Biển Đông chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu khí. Nguồn dầu khí đã thăm dò, khảo sát ở nước ta có trữ lượng khoảng 3-4 triệu tấn dầu quy đổi. Bên cạnh nguồn tài nguyên hải sản dồi dào, chúng ta còn có tài nguyên du lịch ven biển, với dọc bờ biển của cả nước có khoảng 125 bãi biển lớn, nhỏ, rất thuận lợi cho phát triển du lịch - nghỉ dưỡng.

Đó là những tiềm năng to lớn để nước ta phát triển kinh tế biển, đặc biệt là các ngành khai thác khoáng sản, nuôi trồng đánh bắt hải sản và phát triển du lịch, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra.

Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng yếu phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền trong tình hình mới vẫn còn nhiều thách thức được đặt ra. Những thách thức đó là các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo đánh giá thì Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới. Bên cạnh đó là những thách thức về ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, việc phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Tiến sĩ Dư Văn Toàn (Viện Nghiên cứu biển và Hải đảo - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) nhận định dải ven biển nước ta có nhiều nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm, hầu hết những chất gây ô nhiễm đều từ đất liền đổ ra sông và theo đường sông đổ ra biển.

Nước ta có tới trên 100 con sông đổ ra biển Đông, trong đó hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm nặng, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Thị Vải… Báo cáo hiện trạng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hằng năm, các con sông thải ra biển 880 km3 nước và 270-300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại khác từ những khu dân cư tập trung, khu công nghiệp và đô thị các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các vùng sản xuất nông nghiệp.

Một trong những thách thức lớn cho phát triển kinh tế biển ở Việt Nam là ô nhiễm môi trường biển
Một trong những thách thức lớn cho phát triển kinh tế biển ở Việt Nam là ô nhiễm môi trường biển Ảnh: Trần Văn

Phải hành động quyết liệt

Trong khi đó, môi trường sinh thái biển Việt Nam tiếp tục suy giảm tính đa dạng sinh học, nhất là vùng ven bờ ngày càng bị đe dọa. Đó là tốc độ đô thị hóa và phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển nhưng thiếu quy hoạch, thiếu hệ thống xử lý nước thải, dẫn đến môi trường sinh thái của hàng trăm ngàn km2 biển ven bờ bị ảnh hưởng. Cùng với đó là ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản một cách bừa bãi; nạn khai thác khoáng sản ồ ạt đã tác động xấu đến môi trường. Thêm vào đó, rừng ngập mặn bị tàn phá nghiêm trọng, 90% rạn san hô bị đe dọa hủy hoại, khoảng 85 loài thủy sản trong tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó có 70 loài được đưa vào sách đỏ.

Những năm gần đây, tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa… đã xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản. Chưa kể ô nhiễm không khí cũng có tác động mạnh tới môi trường sinh thái biển, bởi nồng độ khí C02 trong không khí gia tăng sẽ làm lượng C02 trong nước biển thay đổi dẫn đến môi trường sống của các loài sinh vật biển thay đổi.

Để kinh tế biển thực sự phát triển bền vững, chúng ta phải sớm có hành động quyết liệt nhằm giải quyết những bất cập trên. Phải ngăn chặn cho được tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng tại các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm; đồng thời chú trọng công tác phòng ngừa và kiểm soát môi trường. Một trong những giải pháp đó là xây dựng các trạm kiểm soát môi trường tại những cửa sông đổ ra biển, cùng với phát triển và bảo tồn các khu rừng ngập mặn ven biển.

Trong khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, điều quan trọng là phải hoàn thiện khung thể chế quản lý biển một cách khoa học và phù hợp với thực tiễn. Đó là xây dựng các khu bảo tồn biển kết hợp với giới hạn thời gian khai thác hải sản trong năm, tạo điều kiện cho các loài sinh vật biển phát triển.

Để làm được như vậy cần có sự chung tay của các cơ quan, tổ chức và từng cá nhân trong xã hội. Trong thời gian qua, ở các địa phương, những mô hình nuôi trồng đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ môi trường biển được áp dụng mang lại nhiều tác động tích cực đến bảo vệ môi trường, như mô hình nuôi trồng thủy sản đa canh kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn tại Bến Tre, Trà Vinh; áp dụng chi trả dịch vụ môi trường ở một số tỉnh duyên hải miền Trung; sử dụng đèn led để đánh bắt hải sản ở Ninh Thuận…

nld.com.vn

Tags phát triển bền vững kinh tế biển ô nhiễm suy thoái môi trường biển

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục