Dân khổ vì ô nhiễm
Đi vào hoạt động từ tháng 11/2013 với diện tích gần 30ha, bãi rác Đông Nam tại Thung Chim-núi Vàng (huyện Đông Sơn) được quy hoạch đến năm 2020 là nơi tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt cho toàn bộ khu vực TP Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và 4 xã thuộc huyện Quảng Xương. Ban đầu, nơi đây được bố trí với sức chứa từ 240-250 tấn rác/ngày đêm nhưng đến nay, lượng rác thải được thu gom, tập kết đã lên tới 390 tấn/ngày đêm.
Từ khi bãi rác này hình thành, người dân xã Đông Nam lâm cảnh khốn đốn vì ô nhiễm, mất đất sản xuất. Người dân cho biết, rác thải đưa về đây không được chôn lấp vệ sinh mà chủ yếu đổ lộ thiên, ô nhiễm nặng nề. Cùng với ô nhiễm không khí, mỗi khi mưa xuống, nước thải đen ngòm chảy lênh láng từ bãi rác ra môi trường, ngấm dần xuống đất, gây nguy cơ đầu độc nguồn nước, gieo rắc mầm bệnh.
Hiện tại, các ô rác số 1,2,3,4 đã đóng cửa hơn 2 tháng nay, hiện chỉ có ô số 5 đưa vào hoạt động từ ngày 5/6. Theo quy hoạch, ô rác này cũng chỉ đủ chứa rác trong thời gian 1 năm. Ngoài bãi rác Đông Nam, bãi rác Núi Voi, phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) hiện cũng đang trong tình trạng quá tải và ô nhiễm trầm trọng. Đi vào hoạt động từ những năm 2000, nhưng do rác thải đổ về đây quá nhiều nên năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp bãi chôn lấp rác Núi Voi lên gần 3 ha. Với thiết kế thể tích chứa ban đầu vào khoảng 16.000 m3 nhưng tới nay, bãi rác này đã vượt ngưỡng 80.000 m3 rác thải.
Nằm cách bãi rác núi Voi chưa đầy 100m, hộ bà Mai Thị Ký (60 tuổi, trú phố Sơn Tây) bị ảnh hưởng nặng nề. Bà Ký cho biết: "Gia đình có trên 2ha cây ăn quả nhưng nhiều năm qua không thể thu hoạch do nước thải từ bãi rác đã ngấm xuống lòng đất, ảnh hưởng tới việc sinh trưởng của cây trồng. Ở đây, cứ mùa hè là phải mắc màn ăn cơm vì ruồi nhặng và mùi hôi thối bay ra từ bãi rác, đến mùa mưa thì nước thải lại rỉ ra, chảy thẳng vào vườn và nhà”.
Dự án… trên giấy
Được biết, ngày 18/12/2017, Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty TNHH Năng lượng môi trường Tianyu Thanh Hóa (DN Tianyu Thanh Hóa) làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích hơn 10ha, công suất xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm. Tổng vốn đầu tư khoảng 90 triệu USD, thời gian hoạt động là 50 năm. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ khởi công vào tháng 5/2018 và đi vào hoạt động vào tháng 9/2019. Tuy nhiên, gần 4 năm trôi qua, dự án này vẫn chỉ nằm… trên giấy. Sau nhiều lần xin gia hạn, DN Tianyu Thanh Hóa được UBND tỉnh 3 lần chấp thuận tại Công văn 1291/UBND-NN ngày 17/10/2018; Công văn 12569/UBND-NN ngày 10/9/2020 và gần đây nhất tại Văn bản số 12669/UBND-THKT ngày 19/8/2021.
Theo nội dung văn bản mới đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho gia hạn lần cuối để hoàn thành hồ sơ, thủ tục dự án vào ngày 31/12/2021. Đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam (huyện Đông Sơn), UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ môi trường (DN Ecotech) vào ngày 5/10/2016. Theo thiết kế, dự án này được thực hiện trên diện tích đất khoảng 20ha, công suất xử lý rác thải sinh hoạt 500 tấn/ngày. Tổng vốn dự kiến của dự án là 647 tỷ đồng. Được khởi công vào tháng 12/2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2017 nhưng đã gần 5 năm, dự án này vẫn ỳ ạch, chưa thể hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Trao đổi với PV, ông Lê Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Đông Nam cho biết, theo thiết kế, rác thải được đổ tại bãi Đông Nam chỉ được phép cao 2m nhưng Công ty Môi trường và Đô thị Thanh Hóa đã "chất” cao lên tới 20m. Cũng theo ông Thắng, đối với việc xây dựng nhà máy xử lý rác, từ năm 2016 đến nay, DN Ecotech chỉ mới xây tường rào. Mới đây, DN này lại tiếp tục xin gia hạn tiến độ hoàn thành đến tháng 12/2021. "Hiện tại, chúng tôi chỉ còn mong và trông chờ dự án sớm hoàn thành để người dân ở đây bớt khổ”, ông Thắng chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Chinh, Chủ tịch UBND phường Đông Sơn khẳng định, có việc người dân phản ánh mùi hôi và nước thải rỉ ra từ bãi rác Núi Voi suốt hàng chục năm qua. "Nhiều năm, người dân không thể sản xuất bởi nguồn nước thải rỉ ra từ bãi rác gây ô nhiễm hàng chục ha đất sản xuất. Chúng tôi đã báo cáo lên trên, tuy nhiên việc xử lý thì không thuộc thẩm quyền của mình”- ông Chinh nói.
Đình Minh
daidoanket.vn