Cam Lâm thiếu nơi tập kết xử lý rác

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/9/2021 | 3:08:01 PM

Hiện nay, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vẫn chưa có bãi tập kết rác tập trung. Trong khi đó, quỹ đất sử dụng cho các bãi chôn lấp rác của các xã, thị trấn không còn nhiều, gây nên tình trạng rác dồn ứ, quá tải và có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Các bãi rác quá tải
 
Từ khi xảy ra vụ cháy bãi rác của huyện tại xã Cam An Nam vào tháng 5-2020, bãi rác Dốc Đỏ không còn tiếp nhận rác xử lý. Vì thế, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý rác của địa phương mình. 
 
Tại xã Suối Tân, bãi rác cũ tại thôn Dầu Sơn được tận dụng để xử lý rác tạm thời. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6-2021, bãi rác đã đầy, không thể tiếp tục tập kết và xử lý rác. Trong thời gian này, bãi rác bốc mùi, ảnh hưởng đến Khu Công nghiệp Suối Dầu và một số hộ dân sống lân cận. Người dân đã ngăn chặn không cho xe đưa rác vào bãi rác này. Hiện nay, trên địa bàn xã, rác bị ứ đọng không có bãi tập kết. Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, UBND xã đã rà soát tất cả các thửa đất công do xã quản lý để làm bãi rác. Tuy nhiên, các phần đất có khả năng lại nằm trong khu quy hoạch tỷ lệ 1/500 hoặc gần khu dân cư nên không phù hợp để làm bãi rác. UBND xã đã xin chủ trương của Đảng ủy xã về việc hoán đổi đất của dân để làm bãi rác, đồng thời báo cáo UBND huyện Cam Lâm để xin ý kiến chỉ đạo.
 
Tại xã Suối Cát, hiện nay, bãi rác Suối Lau 2 là nơi tập kết rác của 7 thôn trên địa bàn. Xã thuê một công ty gom và xử lý rác thải bằng việc đốt và sử dụng hóa chất. Bà Nguyễn Thị Yến - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn xã rất lớn, trung bình 6,9 tấn/ngày. Do đó, việc tập kết xử lý rác hiện tại ở bãi rác Suối Lau 2 chỉ là tạm thời trong thời gian chờ Nhà máy xử lý rác thải ở thôn Khánh Thành Nam (xã Suối Cát) xây dựng hoàn thành.
 
cam-lam-thieu-noi-tap-ket-xu-ly-rac
Bãi rác Suối Lau 2 (xã Suối Cát).
 
Còn ông Võ Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cam Đức cho biết, hiện nay, khu vực bãi xử lý rác của thị trấn quá nhỏ, có khả năng đến tháng 10-2021 không còn chỗ để xử lý chôn lấp. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, UBND huyện đã giao UBND thị trấn lập dự toán chi phí sửa chữa, vận chuyển lò đốt rác từ bãi rác Dốc Đỏ (đang bỏ hoang, không sử dụng) về thị trấn Cam Đức và lên chi phí xử lý rác thải bằng lò đốt để trình UBND huyện thẩm định.
 
Kiến nghị đầu tư bãi rác tập trung
 
Bà Lê Phạm Thùy Ngân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, các bãi rác quá tải là vấn đề khó khăn của địa phương suốt nhiều năm qua. Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện đã trình UBND tỉnh cho phép chủ trương đầu tư bãi rác ở thôn Khánh Thành Nam (xã Suối Cát).
 
Trước mắt, vì bãi rác tại thôn Khánh Thành Nam chưa có đơn vị nào nhận đầu tư xây dựng nên UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tìm vị trí đất phù hợp để xử lý chôn lấp rác thải tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, quỹ đất sử dụng cho bãi chôn lấp của các xã, thị trấn không còn nhiều, một số địa phương đã quá tải. Bên cạnh đó, Khu Công nghiệp Suối Dầu cũng gặp khó khăn trong việc tìm nơi xử lý rác.
 
"UBND huyện đã khảo sát vị trí xử lý chất thải rắn theo quy hoạch tại xã Cam Tân để làm khu xử lý chất thải (theo quy hoạch là trạm trung chuyển chất thải rắn) và trình UBND tỉnh cho phép đầu tư bãi rác để tập trung rác thải xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước khi bãi rác tại thôn Khánh Thành Nam được đầu tư xây dựng. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục kiến nghị các sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác”, bà Ngân nói.

Thái Thịnh
baokhanhhoa.vn

Tags Cam Lâm bãi tập kết rác tập trung ô nhiễm môi trường bãi chôn lấp rác bãi rác quá tải

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục