Khảo sát của phóng viên trên địa bàn thị trấn Cao Thượng thời gian qua cho thấy, tại các khu vực đông dân cư, xuất hiện một số điểm tồn lưu rác với những túi rác đặt ngay trước cửa nhà.
Người dân tại khu vực cổng chợ Mọc phải tự xử lý rác.
Các khu vực chợ Mọc, Phố Mới... lượng rác thải phát sinh hằng ngày khá nhiều. Do không có người thu gom nên người dân phải tự xử lý rác thải bằng cách phân loại, phơi khô; nhiều hộ không có vườn đã đốt ngay trước cửa. Một số người vứt rác tại những nơi đất trống, lòng kênh...
Ông Lương Thái Long, tổ dân phố Vườn Đình, thị trấn Cao Thượng cho biết: "Bãi rác đóng cửa, việc thu gom rác bị gián đoạn nên người dân phải tự xử lý, phân loại rác. Chỉ cần để mấy hôm là rác bốc mùi xú uế. Chúng tôi biết rất khó khăn nhưng mong chính quyền sớm có điểm tập kết rác thải để giải quyết tình trạng này".
Rác vứt ngổn ngang bên lề đường, đoạn qua khu Đồi Đỏ, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên).
Ông Vũ Ngọc Vân, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Thượng cho biết, hơn một tháng nay, việc thu gom rác thải sinh hoạt tại 26 thôn, tổ dân phố của thị trấn phải tạm dừng. Nguyên nhân do bãi tập kết rác tạm thời của thị trấn trước đây nhờ của khu đô thị An Huy. Đến nay, mật độ dân cư của khu đô thị này đông hơn nên bãi tập kết rác ở đây phải đóng cửa. Trong khi đó, lượng rác thải phát sinh lớn, các bãi tập kết rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện hiện tại đều là tạm thời, quy mô nhỏ, chưa có hệ thống lò đốt, thường xuyên bị quá tải.
Cũng theo ông Vân, thị trấn có khảo sát vị trí xây dựng bãi tập kết, xử lý rác thải tập trung trên địa bàn, đưa người dân tham quan các mô hình, công nghệ lò xử lý rác công nghệ cao, an toàn, hợp vệ sinh, đồng thời tổ chức đối thoại nhiều cuộc... nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chưa đồng thuận.
Xe thu gom, chở rác của thị trấn Cao Thượng dừng hoạt động, phủ bạt.
Hiện tại, UBND thị trấn đã huy động các đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và các tổ trưởng tổ dân phố tích cực tuyên truyền vận động người dân thực hiện tự thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại gia đình, bước đầu được người dân hưởng ứng. Theo đó, các loại rác hữu cơ như: Rau, củ, quả thừa sẽ cho gia súc, gia cầm ăn hoặc ủ làm phân bón cho cây trồng; rác vô cơ được đốt tại vườn sau đó chôn lấp. Thị trấn thuê một đơn vị bên ngoài, chuyên thu gom rác tại một số điểm trọng yếu, nơi có lượng rác phát thải lớn, rồi vận chuyển tới điểm xử lý.
Tuy nhiên, giải pháp trên cũng chỉ là tình thế, do lượng rác vận chuyển đưa đến điểm xử lý ít; việc đốt hoặc chôn lấp sau khi phân loại ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, khó kiểm soát. "Về lâu dài, UBND thị trấn mong người dân hiểu và nâng cao nhận thức, đồng thuận việc quy hoạch khu vực xây dựng bãi tập kết, xử lý rác thải tập trung. Có như vậy, vấn đề thu gom, xử lý rác thải mới được giải quyết dứt điểm", ông Vân nói.
"Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tham mưu cho UBND huyện sớm đưa hệ thống lò đốt rác BD-Anpha, công nghệ mới, an toàn vệ sinh môi trường vào hoạt động điểm. Thông qua đánh giá hiệu quả trong xử lý rác thải làm cơ sở để nhân rộng cho các địa phương, trong đó có thị trấn Cao Thượng”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Yên cho biết.
Được biết, huyện Tân Yên đã ban hành các văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xử lý nghiêm các xã, thị trấn nếu để xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải trong khu dân cư, vứt rác thải bừa bãi... lắp đặt camera giám sát, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân thực hiện phân loại rác tại nguồn để giảm tải cho quá trình thu gom và xử lý rác thải.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên thông tin, do dân cư phân bố rải rác, nếu yêu cầu khoảng cách bãi tập kết, khu xử lý rác bảo đảm cách khu dân cư tối thiểu 500 m thì thị trấn Cao Thượng không có vị trí nào bảo đảm. Vì vậy, cùng với vận động người dân, huyện đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, có giải pháp tháo gỡ để sát với tình hình thực tế tại địa phương.
Việc thị trấn vẫn chưa xây dựng được bãi tập kết, xử lý rác thải không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà còn của mỗi người dân để góp phần tạo môi trường sống trong lành, xanh - sạch - đẹp và văn minh. Địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc tuyên truyền người dân hưởng ứng xây dựng bãi tập kết, xử lý rác thải công nghệ cao tại địa phương, góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Tin, ảnh: Minh Phúc
baobacgiang.com.vn