Gần nửa triệu hộ "đói nước"
Với vai trò Chủ tịch Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam đã đề xuất và chủ trì kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Ông có thể thông tin về cuộc kiểm toán này?
Đây là lần đầu tiên tại Đại hội ASOSAI, một tuyên bố chung được đưa ra - Tuyên bố Hà Nội, trong đó chú trọng phát triển kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững. Sáng kiến kiểm toán quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông được chúng tôi đưa ra trong bối cảnh vùng đất thuộc hạ nguồn sông đang đứng trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước, với tình trạng gia tăng hạn hán, ngập mặn, sạt lở đất, và triều cường.
Trong bối cảnh đó, KTNN Việt Nam đã chủ động thực hiện vai trò chủ trì, phối hợp với KTNN hai nước Thái Lan và Myanma. Đến nay, kế hoạch triển khai cuộc kiểm toán đã được thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Chúng tôi đã phát hành báo cáo kiểm toán cuộc kiểm toán. Nội dung này cũng được KTNN Việt Nam trình bày, chia sẻ tại Đại hội ASOSAI 15 được tổ chức trong các ngày 6-8/9 bằng hình thức trực tuyến.
Ông có thể cho biết kết quả kiểm toán cũng như mức độ ảnh hưởng tới vùng hạ lưu sông Mê Kông, đặc biệt với ĐBSCL?
Có thể nói, đây là cuộc kiểm toán có mức độ phức tạp, độ khó cao do tài nguyên nước là lĩnh vực còn rất mới, phạm vi rộng và liên quan đến nhiều lĩnh vực, đầu mối. Qua đổi mới nội dung, cách thức kiểm toán, chúng tôi đã tăng cường kiểm toán thực địa thông qua quan sát hiện trường tại các khu vực ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún...
Kết quả kiểm toán cho thấy, công tác quy hoạch tài nguyên nước của nhiều địa phương còn hạn chế. Có trường hợp chỉ đạt hơn 10% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2015-2020. Không chỉ thiếu năng lực kiểm soát việc khai thác tài nguyên nước, mà ước tính còn tới 77% nguồn nước xả thải cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ tại các địa phương được kiểm toán. Việc gia tăng khai thác sử dụng nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông đã và đang tác động tiêu cực tới Việt Nam.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, lượng nước từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL giảm 22 tỷ m3 chỉ trong 1 năm, dẫn tới 486.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt; Lượng phù sa bùn cát từ thượng nguồn giảm tới 37% chỉ sau 3 năm. Bên cạnh đó, hơn 1,5 triệu ha đất bị suy thoái chất lượng do giảm độ phì và có 2.158 vụ sạt lở ước tính thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Hoạ
"Kiểm toán môi trường là một trong những nội dung được KTNN chú trọng, vớicác chủ đề được chọn đều là nhữngvấn đề "nóng”, đang được Quốc hội và người dân quan tâm. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2018 - 2021, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng, ban hành, sửa đổi và bổ sung trên 35 văn bản không phù hợp với thực tiễn, nhằm bịt các lỗ hổng trong cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường…”, Phó Tổng KTNN Vũ Văn Hoạ.
|
Kết luận của KTNN cũng thẳng thắn chỉ ra các nút thắt trong khâu phối hợp giữa các nước cùng khai thác sông Mê Kông để từng bước xây dựng cơ chế hiệu quả để hợp tác, giám sát lẫn nhau cùng gìn giữ tài nguyên nước. Trong đó có việc thiếu các văn bản pháp lý làm cơ sở điều tiết các hoạt động, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Một số thủ tục, văn bản chưa có sự ràng buộc, hướng dẫn cụ thể, thiếu các điều khoản giải quyết tranh chấp đối với bất đồng của các thành viên…
Thuỷ điện tràn lan, phù sa giảm sút
Vậy còn kết quả kiểm toán của hai nước cùng tham gia thì sao, thưa ông?
Báo cáo của KTNN Thái Lan cũng đưa ra phân tích, cho thấy việc xây dựng đập thuỷ điện tràn lan ở thượng nguồn đã khiến lượng phù sa của sông Mê Kông chảy qua Thái Lan giảm sút đáng kể, hay còn gọi là hiện tượng "đói nước”, dù khiến mặt nước nhìn trong và đẹp hơn, nhưng đang để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như hiện tượng sạt lở đôi bờ sông.
Cùng với đó, số ngày trong năm có lưu lượng nước giảm xuống mức báo động đang có xu hướng gia tăng. Hậu quả cuối cùng, theo khảo sát thực địa của kiểm toán viên Thái Lan, có tới 79% người dân sống ven bờ sông cho biết thu nhập của họ đã bị ảnh hưởng do sự xuống cấp của chất lượng dòng sông những năm qua. Kiểm toán Nhà nước Thái Lan cũng đã gửi văn bản tới Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia đề nghị tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về hiệu ứng "đói nước” để có đánh giá cụ thể hơn.
Dự kiến ngay trong tháng 9 này, KTNN Myanmar cũng sẽ hoàn tất cuộc kiểm toán tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông. Như vậy, dù có nhiều khó khăn phát sinh từ dịch bệnh COVID-19, cả ba cơ quan kiểm toán vẫn rất nỗ lực thực hiện cuộc kiểm toán về quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Chúng tôi kỳ vọng kết quả từ cuộc kiểm toán tại lưu vực sông Mê Kông sẽ là cơ sở vững chắc để các quốc gia thành viên cùng cải thiện việc quản lý tài nguyên nước tại khu vực này, hướng tới các cam kết quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!