Trước mắt, TP thống nhất chủ trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu có năng lực để thực hiện vận chuyển và xử lý số lượng tro bay hiện đang lưu trữ tạm tại nhà máy.
Sở TN&MT khẩn trương rà soát, xác định kinh phí và kế hoạch thực hiện lựa chọn nhà thầu vận chuyển và xử lý số lượng tro bay, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. Ảnh: G.Lam
Theo Sở TN&MT Cần Thơ, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Cần Thơ (còn gọi là nhà máy đốt rác phát điện - PV) nằm trong khu xử lý chất thải rắn tại ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, có diện tích 53.531m2. Loại hình hoạt động là xử lý chất thải rắn sinh hoạt để phát điện với công suất phát điện 7,5 MW.
Nhà máy đi vào hoạt động từ ngày 26/11/2018, số lượng công nhân sản xuất là 60 người. Công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt trung bình khoảng 500 tấn/ngày.
Nhà máy đã đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường, trong đó có công trình lưu giữ, ổn định hóa rắn tro bay phát sinh từ hệ thống xử lý khí thải, công suất thiết kế 40 tấn/ngày, khu vực ổn định hóa tro bay có diện tích khoảng 234m2, khu vực lưu chứa tạm thời tro bay có diện tích khoảng 1.221m2.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của nhà máy mỗi ngày phát sinh từ 8 đến 10 tấn tro bay, do đó khu vực lưu chứa tạm thời tro bay đã quá tải từ tháng 5/2019, lưu giữ 1.500 tấn tro bay…
Trước tình hình đó, nhà máy cũng đã xin ý kiến TP để tạm tro bay phát sinh thêm ra khu đất trống cạnh nhà máy trong khi chờ TP bố trí khu chôn lấp chất thải tro bay, với diện tích khoảng 5.000m2 đang lưu giữ 7.571 tấn tro bay, hiện tro bay đang để lộ thiên ngoài trời.
Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ (đơn vị quản lý, vận hành nhà máy - PV) đã đầu tư sử dụng hai lớp lót màng chống thấm và che nắng, che mưa (hay còn gọi là bạt nhựa HDPE) cho hai mặt, mặt đáy và mặt phủ bên trên có diện tích 5.000m2.
Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời, không đúng quy định (vì theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của nhà máy được Bộ TN&MT phê duyệt và xác nhận thì tro bay được xem là chất thải nguy hại).
Một khâu xử lý rác bên trong nhà máy. Ảnh: G.Lam
Theo hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt số 06/2017 ngày 22/6/2017 giữa Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ và TP Cần Thơ (ủy quyền cho Sở Xây dựng ký kết hợp đồng), thì bên TP chịu trách nhiệm tìm và cung cấp cho bên công ty diện tích đất cần thiết làm bãi chôn lấp tro bay sinh ra trong quá trình đốt chất thải tại nhà máy được bên công ty vận chuyển tới, bên TP phải chịu trách nhiệm xử lý chôn lấp tro bay và chi trả các chi phí liên quan đến việc chôn lấp số tro bay đó.
Theo Sở TN&MT Cần Thơ, việc quản lý tro bay không hợp lý, xử lý tro bay không hợp kỹ thuật vệ sinh sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Để đảm bảo môi trường trong mùa mưa, lũ, tránh bị phát tán vào môi trường, Sở TN&MT đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương đấu thầu, lựa chọn các công ty có năng lực vận chuyển và xử lý số lượng tro bay hiện đang để ngoài trời...
Dự án nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ thuộc Công ty Everbright International (Trung Quốc), đơn vị quản lý dự án là Công ty Năng lượng môi trường EB Cần Thơ. Có tổng diện tích 5,3ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.050 tỷ đồng.
Đây là dự án sử dụng kỹ thuật đốt rác phát điện để xử lý rác sinh hoạt đầu tiên ở Việt Nam. Rác thải khi vào nhà máy, sau khi xử lý xong, ngoài việc phát điện còn lại khoảng 5% tro xỉ chôn lấp, chất thải dạng rắn, lỏng, khí sẽ thông qua các thiết bị xử lý đạt tiêu chuẩn thải ra ngoài…
Theo KTĐT