Mặn xâm nhập mạnh, hàng ngàn ha lúa ở Quảng Nam ''khát'' nước tưới

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/8/2021 | 11:56:54 AM

Nước biển xâm nhập khiến độ mặn trên các con sông lên cao kỷ lục. Hàng ngàn ha lúa vụ hè thu đứng trước nguy cơ mất trắng vì không đủ nước tưới.

Ông Đinh Đông (trú phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) cho biết, nếu trong 5 ngày tới nếu không có nước về thì toàn bộ 25ha lúa của gia đình xem như mất trắng. Ảnh: L.K.
Ông Đinh Đông (trú phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) cho biết, nếu trong 5 ngày tới nếu không có nước về thì toàn bộ 25ha lúa của gia đình xem như mất trắng. Ảnh: L.K.

Nông dân cầu cứu

Cứ vào thời điểm bắt đầu vụ hè thu, vùng sản xuất lúa ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) lại đối mặt với nỗi lo thiếu nước vì hiện tượng xâm nhập mặn. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nước trên các con sông xuống thấp cùng với độ mặn lên cao kỷ lục so với nhiều năm càng khiến cho người dân địa phương gặp nhiều khó khăn.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, vụ hè thu 2021, toàn thị xã sản xuất 5.400ha lúa. Đến thời điểm này, cây lúa đã được hơn 60 ngày kể từ thời điểm gieo sạ. Hầu hết diện tích đang chuẩn bị bước vào thời kỳ làm đòng nhưng lại không có đủ nước tưới. Hàng trăm ha đất đã nứt nẻ, cây lúa héo vàng.

Đã hơn nửa tháng nay, hầu như ngày nào ông Thân Vũ Hà (trú phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) cũng ra cánh đồng lúa rộng 25ha của gia đình mình để kiểm tra. Thế nhưng, hết lần này đến lần khác, cứ ra đến nơi và chứng kiến những ruộng lúa mênh mông khô khốc nước nhưng đành bất lực, ông Hà lại trở về trong sự thất vọng.

Nhiều diện tích ruộng lúa hè thu ở Quảng Nam sau một thời gian dài không có nước tưới đã khô nứt nẻ. Ảnh: L.K.
Nhiều diện tích ruộng lúa hè thu ở Quảng Nam sau một thời gian dài không có nước tưới đã khô nứt nẻ. Ảnh: L.K.

Công sức, tiền của mà ông Hà bỏ ra đang đứng trước nguy cơ mất trắng nếu như trong những ngày tới, ruộng lúa của ông không thể dẫn được nước vào. "Cứ mỗi sào (500m2) chi phí đầu tư trồng lúa ít nhất cũng 1.200.000 đồng. Tính ra, tôi đã bỏ vào diện tích 25ha này đến cả hàng trăm triệu đồng.

Hiện nay, cây lúa đang chuẩn bị làm đòng rất cần nước để bón phân nhưng cứ đợi mãi vẫn chưa có giọt nước nào. Giờ bỏ tiền đào giếng cũng không thể giải quyết được. Mà để 1 thời gian nữa, cây lúa càng héo vàng dù có nước thì lúc trổ bông cũng bị lép hạt, năng suất thấp. Cứ đợi chờ như thế này chúng tôi sốt ruột lắm”, ông Hà than thở.

Cũng như ông Hà, gia đình ông Đinh Đông  (trú khối 7B, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) cũng có gần 25ha lúa thiếu nước trầm trọng. Vừa lấy xẻng đào sâu xuống đám ruộng hơn 20cm mà đất vẫn khô khốc, ông Đông bảo rằng, trồng lúa thì quan trọng là "nhất nước, nhì phân” nhưng đất đai như vậy lúa làm sao sống nổi.

"Chỉ tầm 5 ngày nữa thôi, nếu như không có nước về thì toàn bộ diện tích ruộng không chỉ của nhà tôi mà của nhiều người dân khu vực này coi như bỏ. Vùng này hơn 80ha lúa mà qua 10 ngày rồi không có nước. Bây giờ để đáp ứng đủ thì phải bơm liên tục tầm 10 ngày.

Trong khi đó, với tình hình mặn xâm nhập như hiện nay không biết có đáp ứng được không. Rất mong các cấp ngành quan tâm giúp đỡ cho người nông dân như chúng tôi. Bởi, cuộc sống của gia đình, thu nhập chủ yếu dựa vào diện tích lúa này”, ông Đông chia sẻ.

Được biết, diện tích lúa của ông Hà, ông Đông chủ yếu dựa vào nguồn nước từ trạm bơm Vĩnh Điện dẫn xuống kênh N3. Nhưng do mặn xâm nhập cao, mỗi ngày nguồn nước bị nhiễm mặn lên đến 14 giờ nên không thể bơm đủ cho toàn bộ diện tích lúa mà từ trước đến nay trạm bơm này vẫn phục vụ.

Dù đã đào sâu xuống đến hơn 20cm nhưng đất lúa vẫn khô khốc. Ảnh: L.K.
Dù đã đào sâu xuống đến hơn 20cm nhưng đất lúa vẫn khô khốc. Ảnh: L.K.

Đại diện Trạm bơm Vĩnh Điện cho biết, chưa năm nào mà tình trạng xâm nhập mặn lại diễn ra nghiêm trọng như năm nay. Những năm trước, vào vụ hè thu tại khu vực lấy nước của trạm bơm này cũng xảy ra nhiễm mặn tuy nhiên không đến mức quá căng thẳng.

"Chẳng hạn như vào vụ hè thu năm 2020, mỗi ngày trạm cũng bơm cung cấp được trên dưới 200.000m3 nước nhưng năm nay cao lắm cũng chỉ tầm 80.000m3. Đây là chúng tôi cũng đã liên tục theo dõi, cứ mặn xuống là chúng tôi mở máy bơm liền. Dù vậy, các máy bơm của trạm cũng không thể hoạt động hết công suất. Mỗi ngày chỉ bơm được từ 8 đến 10 tiếng”, vị đại diện này nói.
Cần thủy điện xả nước cứu lúa
Theo phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, toàn thị xã đang có khoảng trên 3.000ha lúa bị ảnh hưởng bởi tình trạng mặn xâm nhập tập trung ở nhiều địa phương như: phường Điện Ngọc, phường Điện Nam Đông, phường Điện An, phường Điện Nam Trung, phường Vĩnh Điện, xã Điện Minh…

Các kênh dẫn nước tưới về đồng ruộng cũng không có 1 giọt nước nào. Ảnh: L.K.
Các kênh dẫn nước tưới về đồng ruộng cũng không có 1 giọt nước nào. Ảnh: L.K.

Thị xã thường bị xâm nhập mặn từ 2 hướng. Trong đó hướng thứ nhất là nước xâm nhập từ cửa sông Hàn (TP Đà Nẵng) vào sông Vĩnh Điện với nồng độ mặn rất lớn, khoảng 10 phần nghìn, ảnh hưởng đến khoảng 2.000ha.

Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, giải pháp chống hạn, nhiễm mặn ở khu vực này là vào cuối tháng 1/2021 vừa qua UBND thị xã Điện Bàn đã triển khai đắp đập thời vụ ngặn mặn trên sông Vĩnh Điện nhằm khống chế mặn, giữ nước ngọt cho 10 trạm bơm hoạt động phục vụ nước tưới.

Hướng xâm nhập mặn thứ 2 từ Cửa Đại (TP Hội An) lên sông Thu Bồn với diện tích bị ảnh hưởng khoảng 1.500ha. Giải pháp được thị xã đưa ra là đắp đập thời vụ tại xã Điện Phương để ngăn mặn cho khu tưới của duy nhất trạm bơm Triêm Nam. Hàng chục trạm bơm còn lại thì chỉ có bơm lách triều để tưới chứ không thể đắp đập được vì dòng sông Thu Bồn rộng, kinh phí quá lớn.

Mặn xâm nhập mạnh nên các trạm bơm phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam không thể hoạt động hết công suất. Ảnh: L.K.
Mặn xâm nhập mạnh nên các trạm bơm phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam không thể hoạt động hết công suất. Ảnh: L.K.

Qua số liệu quan trắc của Chi nhánh Thủy lợi Điện bàn vào 7h ngày 26/7, độ mặn đo được tại cầu Câu Lâu (cũ) trên sông chính Thu Bồn là 10,9 phần nghìn. Trên sông Vĩnh Điện, mặn xâm nhập sâu vào sông, nồng độ mặn đo được tại trạm bơm Vĩnh Điện là 0,1%, tại vòm Cẩm Đồng là 2,9 phần nghìn.

Theo bảng lịch triều tháng 7/2021 thì đến cuối tháng đỉnh triều trên 1,2m nên khi mực nước Giao thủy xuống thấp thì nước mặn tiếp tục sẽ vượt qua vòm Cẩm Đồng và xâm nhập sâu vào sông Vĩnh Điện trong những ngày sắp đến. Trước diễn biến của tình hình xâm nhập mặn, UBND thị xã Điện Bàn đã có báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp xử lý.

Địa phương đã đề nghị tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Thu Bồn tăng cường công suất phát điện xả nước về hạ du đến kết thúc vụ hè thu 2021 để giảm nguồn nước mặn xâm nhập, đảm bảo nguồn nước tưới chống hạn cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian đến.

Ngày 29/7 UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc vận hành hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 đến ngày 20/8/2021. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Cty thủy điện Sông Tranh 2 mỗi ngày vận hành liên tục 12 giờ với lưu lượng trung bình ngày tối thiểu 62m2/s (kể cả ngày thứ 7 và Chủ nhật).

Tỉnh cũng giao cho UBND thị xã Điện Bàn tập trung chỉ đạo nạo vét khơi thông dòng chảy trên sông La Thọ để hỗ trợ nguồn nước cấp cho các trạm bơm hoạt động phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ hè thu 2021. "Nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước xả qua phát điện, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An và Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình trạm bơm thường xuyên theo dõi, quan trắc độ mặn để vận hành bơm tưới hiệu quả.

Công ty Điện lực Quảng Nam xây dựng kế hoạch ưu tiên nguồn điện cấp cho các trạm bơm trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn hoạt động trong thời gian này. Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm theo dõi tình hình mặn, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp”, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu.
---------------------------------------------------
"So với các năm, tình hình mặn xâm nhập năm nay phức tạp hơn nhiều, ngoài ra mực nước các sông trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn hạ thấp. Do đó ảnh hưởng đến việc vận hành nước tưới của các trạm bơm. Nguyên nhân là các thủy điện đầu nguồn xả về lượng nước thấp”, đại diện phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn thông tin.

Nguồn: nongnghiep.vn

Tags xâm nhập mặn lúa vụ hè thu Quảng Nam vùng sản xuất lúa

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục