Sau cơn bão số 9 năm 2020, các loại cây đước, mắm, bần trong rừng ngập mặn ở xã Tam Giang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có biểu hiện khô héo và chết không rõ nguyên nhân. Ảnh: L.K.
Huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) có khoảng 55ha rừng tự nhiên ngập mặn, phân bố dọc bãi bồi, bờ đê của các con sông. Trong đó xã Tam Giang là địa phương có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất của huyện này với trên 25ha. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại thủy, hải sản, chim chóc.
Hàng trăm năm qua, rừng ngập mặn Tam Giang có vai trò rất lớn trong việc giữ đất, chắn sóng gió cho những hộ dân trong vùng trước thiên tai. Đây còn là nơi trú ngụ an toàn cho tàu bè của ngư dân mỗi khi bão đến. Ngoài ra, hệ sinh thái đa dạng của những cánh rừng này còn mang lại một nguồn lợi thủy sản tương đối dồi dào.
Thế nhưng, hiện nay diện tích rừng ngập mặn ở đây đang đứng trước nguy cơ xóa sổ khi gần 1 năm qua, hàng loạt cây rừng gồm các loại chủ yếu như mắm, đước, bần bất ngờ chết khô.
Theo thống kê, có khoảng 10ha rừng ngập mặn tự nhiên và 25ha rừng trồng bị chết. Ảnh: L.K.
Đi dọc tuyến đường ven sông Trường Giang đoạn qua thôn Đông Xuân (xã Tam Giang) hình ảnh một màu xanh bạt ngàn trước đây đã không còn nữa. Thay vào đó là những thân cây chỉ trơ trọi lại gốc và cành với một màu xám xịt. Chỉ cần một cơn gió, những cành cây này sẽ gãy đổ xuống mặt nước bên dưới.
Người dân địa phương cho biết, hiện tượng các loại cây trong rừng ngập mặn Tam Giang chết bắt đầu xảy ra từ sau cơn bão số 9 năm 2020. Sau bão, toàn bộ rừng cây đều rụng hết lá. Lúc đầu, hầu hết mọi người đều nghĩ đó chỉ là quá trình thay lá bình thường. Thế nhưng, một thời gian sau chỉ có 1 vài cây đâm chồi trở lại còn đa số đều khô héo dần rồi chết.
Ông Nguyễn Văn Phúc (58 tuổi, trú thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) cho biết, rừng ngập mặn này đã có ở đây từ rất lâu, đến hơn 100 năm. Có những cây độ tuổi không dưới 150 năm. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên người dân địa phương chứng kiến hiện tượng cây rừng chết hàng loạt kể cả những cây được gọi là cổ thụ như thế.
Hiện tượng rừng ngập mặn chết ở xã Tam Giang vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: L.K.
"Khu rừng này được xem là lá chắn của làng khi nó ngăn được sóng gió, bảo vệ cho tuyến đê phía trong mỗi khi mưa bão. Năm ngoái, do nhiều cây bị khô héo, không chắn được gió bão nên lồng bè nuôi cá phía trong của một số hộ bị đánh hư hỏng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Không những vậy, trước đây khi rừng ngập mặn vẫn còn sinh trưởng, phát triển tốt, khu vực này còn là nơi khai thác thủy, hải sản, giúp nhiều gia đình có thu nhập đáng kể. Thế nhưng, rừng chết, tôm cá cũng còn rất ít. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục chứ nếu mất rừng này thì mùa mưa bão tới chắc vùng này bị gió đánh tan tành mất”, ông Phúc chia sẻ.
Nguyễn Ngọc Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, vừa qua, UBND xã đã có báo cáo cho UBND huyện sau đó cùng với các phòng ban chuyên môn đi đánh giá hiện tượng các loại cây trong rừng ngập mặn bị chết. Qua kiểm tra, diện tích rừng tự ngập mặn tự nhiên chết khoảng 10ha (chiếm 40%). Riêng rừng trồng bổ sung trong 5 năm trở lại đây cũng chết đến 25 ha (chiếm 95%).
"Đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân cây rừng bị chết. Bên cạnh đó, hiện tượng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Rừng ngập mặn này có vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, đặc biệt là bảo vệ tuyến đê có chiều dài 2km phía Đông của xã. Do đó, chúng tôi cũng đề nghị, bằng mọi nguồn lực phải trồng bổ sung trong đó có nguồn lực từ chương trình 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ”, ông Vinh nói.
Ông Lê Văn Hiệp, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Núi Thành cho biết: "Tại huyện Núi Thành, ngoài xã Tam Giang thì một số diện tích rừng ngập mặn ở các xã khác như Tam Hòa, Tam Hải cũng bị chết. Huyện đang làm công văn đề nghị gửi Sở NN-PTNT và Sở Tài nguyên – Môi trường về khảo sát, lấy mẫu kiểm tra để xác định nguyên nhân. Sau khi xác định được sẽ tính phương án trồng bổ sung”.
Theo Lê Khánh/ Báo Nông nghiệp