Ninh Bình: Xử phạt hành chính 112 trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/7/2021 | 10:26:39 AM

Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chủ yếu là: thực hiện không đúng một số nội dung trong báo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép; không có thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường; giám sát chất thải định kỳ không đúng quy định…

UBND tỉnh Ninh Bình vừa tổng kết thi hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP (Nghị định 155) ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, từ 1/2/2017 đến hết ngày 31/12/2020, toàn tỉnh đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 112 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt là hơn 11,4 tỷ đồng.
Còn nhiều vướng mắc

Theo UBND tỉnh Ninh Bình, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành và triển khai thực hiện đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường đối với người dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã có ý thức khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm, đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải và vận hành thường xuyên công trình xử lý chất thải nhằm đảm bảo chất thải luôn được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép trước khi xả thải; công tác thu gom, quản lý, xử lý chất thải được trú trọng,…

Bên cạnh đó, ý thức về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được nâng lên, chất lượng môi trường môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh từng bước được cải thiện. Nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ môi trường được nâng cao đã góp phần trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu đô thị, khu dân cư và nơi công cộng.

Ninh Bình: Xử phạt hành chính 112 trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
Ảnh minh hoạ

Mặc dù vậy, việc triển khai thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn một số khó khăn, vướng mắc.

Từ thực tế địa phương cho thấy, tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm các quy định về thực hiện đề án bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản chỉ có Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (trường hợp được ủy quyền) có thẩm quyền xác nhận, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện không có thẩm quyền xác nhận đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

Hay tại Điểm c Khoản 3 Điều 10 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định: "Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, trừ trường hợp giám sát môi trường và trường hợp quy định tại các điểm a, c và e khoản này”. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều này không có điểm e và quy định loại trừ tại các điểm a, c như vậy tự loại trừ điểm c tại quy định này. Nghị định quy định như vậy gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn.

Nghị định 155 không quy định đình chỉ cơ sở không có kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc đối tượng cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chưa quy định cụ thể các trường hợp bị áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; không quy định xử phạt đối với hành vi xả bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép đối với các bến, cảng,… vì các đơn vị chỉ hoạt động, kinh doanh bốc xếp hàng hóa, không thực hiện sản xuất nên không có lưu lượng khí thải dẫn đến không có căn cứ xử phạt.
Nghị định 155 cũng chưa quy định khung tiền phạt đối với hành vi không ký hợp đồng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại; đối tượng xử phạt là chi nhánh, là cơ quan quản lý nhà nước nhưng được giao nhiệm vụ đầu tư dịch vụ công,… Không quy định hành vi xử phạt về chuyển giao, cho, bán, chôn, lấp, đổ, thải các loại chất rắn thông thường đặc thù (như chất thải rắn thông thường phát sinh từ cơ sở y tế, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng,…); chưa quy định cụ thể về biện pháp cưỡng chế đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không chấp hành quyết định áp dụng hình thức tạm thời đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động…

Theo UBND tỉnh Ninh Bình, Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định hình thức phạt cảnh cáo đối với hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường là chưa phù hợp. Bởi thực tế có nhiều cơ sở chăn nuôi gần khu dân cư, trong quá trình hoạt động làm sinh mùi gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của nhân dân khu vực xung quanh.

Mặt khác, hiện nay, công tác xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cấp xã còn gặp khó khăn, do thiếu cán bộ chuyên trách về môi trường.

Khẩn trương tháo gỡ

Từ những bất cập tại các quy định trên, để việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bảo đảm thống nhất, hiệu quả, UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập của Nghị định 155/2016/NĐ-CP trong quá trình xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị bổ sung hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cơ sở không có kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc đối tượng cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tại Khoản 7 Điều 12: đề nghị bổ sung hành vi vi phạm không thực giám sát chất thải định kỳ đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền xác nhận bản kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Ban Quản lý các Khu công nghiệp và đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đồng thời, đề nghị quy định hình thức phạt tiền đối với hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường; quy định cụ thể các trường hợp bị áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Bổ sung khung hình phạt đối với hành vi xả bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép đối với các bến, cảng; hành vi không ký hợp đồng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp theo quy định; hành vi về chuyển giao, cho, bán, chôn, lấp, đổ, thải các loại chất rắn thông thường đặc thù (như chất thải rắn thông thường phát sinh từ cơ sở y tế, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng…).

Ngoài ra, để công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, hướng dẫn các địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là đối với cấp huyện. Cùng với đó, sớm ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để địa phương triển khai thực hiện.

Theo báo TN&MT

Tags Ninh Bình Xử phạt vi phạm pháp luật vi phạm bảo vệ môi trường

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục