Hoạt động khai thác trái phép khoáng sản, nhất là khai thác than, cát sỏi lòng sông, cửa biển vẫn diễn ra tại nhiều địa phương tiếp tục là vấn đề nóng được dư luận quan tâm nhất là trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, An Giang, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bến Tre… Vi phạm chủ yếu của các đối tượng bị bắt là khai thác khoáng sản không phép, khai thác khi giấy phép đã hết hạn, khai thác sai vị trí được cấp phép, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc khoáng sản; lợi dụng hợp đồng vận chuyển cho các dự án, lợi dụng các địa bàn giáp ranh để khai thác trái phép.
Cán bộ chiến sĩ phòng Phòng chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và đa dạng sinh học/C05 thực hiện chuyên án 720-C về khai thác cát trái phép trên sông Hồng (đoạn từ huyện Đan Phượng đến huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) bắt giữ 11 tàu khai thác cát và sáu đối tượng liên quan, C05 đã hoàn thiện hồ sơ chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội khởi tố vụ án hình sự (Quyết định 02/PC02 ngày 19-12-2020); PC05 Công an tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, bắt quả tang hai tàu vỏ xi-măng không số hiệu khai thác trái phép (tại vùng giáp ranh giữa xã Hải Đông và phường Hải Yên, thành phố Móng Cái), đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Lực lượng công an kiểm tra lán trại của nhóm người bảo kê cho cát tặc trong chuyên án 720-C. Ảnh: GIANG LONG/TTO
Tình trạng huỷ hoại rừng, khai thác trái phép lâm sản diễn ra tại nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh miền Trung - Tây nguyên, "Lâm tặc” lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ để khai thác trái phép tại một số khu rừng phòng hộ; vận chuyển tàng trữ gỗ không có hồ sơ xác định nguồn gốc. Diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đang bị giảm sút, thay vào đó là gia tăng diện tích rừng sản xuất do việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, khai thác rừng quá mức và chặt phá rừng bừa bãi.
Công an huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) phá chuyên án R620, bắt quả tang sáu đối tượng sử dụng trâu kéo chín hộp gỗ Pơ-mu (hơn 7m3) tại khu vực Núi Voi kéo, thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông). PC05 Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra cơ sở gỗ Bắc Việt (TX Dĩ An), phát hiện 22,826m3 gỗ Pơ mu không có hồ sơ xác định nguồn gốc. Vụ chặt phá hơn 7000 m2 diện tích rừng tái sinh tại tiểu khu 231, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà; Vụ chặt phá hơn 3600 m2 rừng phòng hộ tại tiểu khu 158B, xã Tà Nung, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hang dã, quý hiếm diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu; nổi lên là hoạt động mua bán, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) và sản phẩm ĐVHD; nuôi nhốt trái phép ĐVHD.
Đinh Nhật Nghệ và cá thể hổ bị phát hiện. Ảnh: CAND
Phòng Phòng chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và đa dạng sinh học/C05 đã phát hiện đối tượng Ngô Hoài Nam (tỉnh Bình Dương) nuôi nhốt trái phép 311 cá thể động vật hoang dã (gồm kỳ nhông, gà lôi trắng, rùa, kỳ đà); Kiểm tra lô hàng lưu trữ tại kho của Công ty dịch vụ hàng hoá Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), cảnh sát môi trường phát hiện 51 khúc sừng nghi là sừng tê giác (tổng trọng lượng 93,98 kg), hiện đang gửi Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để trưng cầu giám định; Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra nhà của ông Định Nhật Nghệ (huyện Hương Sơn), phát hiện một cá thể hổ (đã chết) nặng 250kg, đối tượng khai nhận mua cá thể hổ trên tại tỉnh Nghệ An về nấu cao; PC05 công an thành phố Hải Phòng phát hiện xe ô tô BKS 29H-06073 vận chuyển 15 cá thể Cầy vòi hương (tổng trọng lượng 37,2kg) và tám cá thể Don (tổng trọng lượng 27kg) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
CHUYÊN TRANG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG