Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp cùng các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất rượu giả nhãn mác nước ngoài ở Hà Nội
Số lượng các vụ việc vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Trong năm 2020, lực lượng cảnh sát PCTP về môi trường đã phát hiện 25.134 vụ vi phạm pháp luật môi trường với 25.854 đối tượng vi phạm.
Không thực hiện đúng và đủ các nội dung trong ĐTM
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát PCTP về môi trường, năm 2020, toàn lực lượng đã phát hiện 25.134 vụ vi phạm trong lĩnh vực pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Các sai phạm chủ yếu là: chủ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), không vận hành hoặc chỉ vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải để đối phó, nhằm xả nước thải chưa qua xử lý hoặc không đạt quy chuẩn ra môi trường. Hằng năm nước ta có khoảng 286 triệu tấn chất thải rắn thông thường, 40 tấn rác thải rắn nguy hại, 11.000 tấn bao gói thực vật từ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Chất thải rắn phát sinh từ các khu công nghiệp ngày càng lớn về số lượng, đa dạng về tính chất độc hại, nhưng tỷ lệ thu gom, phân loại và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh môi trường rất thấp. Hoạt động thu gom, chuyển giao, vận chuyển chất thải nguy hại ở nhiều nơi không đúng quy định; nhiều doanh nghiệp lưu giữ chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại ở ngoài trời, không có mái che gây ô nhiễm môi trường; chuyển giao chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại cho các tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý, chôn lấp.
Qua công tác nắm tình hình và theo dõi trong nhiều ngày, Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện và bắt quả tang tại Công ty TNHH Thép Cường Phát DST (địa chỉ Cụm Công nghiệp Hoàng Mai, huyện Việt Yên) có hành vi chuyển giao, vận chuyển trái quy định khoảng 24.840 kg chất thải lỏng nghi là chất thải nguy hại; PC05 Công an tỉnh Bình Dương phát hiện Công ty Cổ phần giấy Công Thành lưu giữ hai tấn chất thải rắn thông thường và Công ty TNHH Xốp Serim Vina lưu giữ 90 thùng phi sắt loại 200 kg, có dính hoá chất là chất thải nguy hại không đúng quy định. PC05 Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện Công ty HNHH Vận tải Nguyễn Điệp thu gom, xử lý khoảng 62 tấn chất thải rắn công nghiệp không đúng quy định.
Trong quá trình phối hợp thanh tra, kiểm tra, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện nhiều công ty trong các khu công nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, hậu quả là làm cho chất lượng nước mặt tại những vùng chịu tác động của nguồn thải suy thoái nghiêm trọng, kéo dài, nhất là tại các lưu vực sông: Sài Gòn - Đồng Nai, Nhuệ - Đáy, hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Qua kiểm tra C05 đã phát hiện Công ty Cổ phần TM-SX-XD Hưng Thịnh, là chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Đồng An (thị xã Thuận An, Bình Dương) vi phạm về xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với Công ty số tiền 2,450 tỷ đồng. PC05 Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Panko Vina (KCN Mỹ Phước 1, Thị xã Bến Cát) vi phạm về xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, Công an tỉnh Bình Dương đã xử phạt VPHC đối với Công ty số tiền 1,946 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực y tế số bệnh viện có nơi lưu giữ chất thải y tế đúng quy định mới đạt 45.3%, nhiều cơ sở y tế không có hoặc không xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy định, hệ thống xử lý chất thải hư hỏng, xuống cấp nhưng không được cải tạo, nâng cấp do đã xây dựng lâu hoặc hạn chế về kinh phí đầu tư dẫn đến việc đổ lẫn lộn chất thải y tế cùng với chất thải sinh hoạt. Đây là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đại dịch Covid -19 đã và đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và làm giảm nhịp độ phát triển kinh tế của nhiều nước trên thế giới trong đó có nước ta. Lợi dụng tình hình khan hiếm về dụng cụ, thiết bị y tế nhiều doanh nghiệp đã kinh doanh khẩu trang, găng tay cao – su qua sử dụng nhằm thu lợi bất chính, gây ảnh hưởng đến người dân. Qua thanh tra, kiểm tra Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phát hiện Công ty Hải Thịnh (Khu Công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), nhập khẩu 13 triệu găng tay cao - su đã qua sử dụng từ Malaysia được phân loại để đưa ra thị trường tiêu thụ, đơn vị đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội để điều tra, xử lý.
C05 phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra đồng loạt năm địa điểm sản xuất, kinh doanh khẩu trang, găng tay cao - su tại Hà Nội, Hoà Bình, Hưng Yên, phát hiện hơn 50 tấn găng tay cao - su cũ cùng một số lượng lớn khẩu trang, đã chuyển CQĐT Công an TP Hà Nội đề nghị khởi tố đối với một công ty, đang xác minh để xử lý các công ty còn lại; phát hiện Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Hải Nam (Bắc Ninh) lưu giữ số lượng lớn trang thiết bị y tế, dụng cụ bao gói chứa thực phẩm, không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can hai đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả với hành vi tổ chức sản xuất, buôn bán găng tay cao - su giả từ găng tay cao – su kém chất lượng, thu mua trôi nổi trên thị trường. PC05 Công an các địa phương (Nghệ An, Hà Nam, Lạng Sơn) phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều vụ sản xuất, vận chuyển khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Cát tặc tấn công làm một đồng chí công an hy sinh
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát PCTP về môi trường, trong năm 2020, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã phát hiện 6.250 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên. Hình thức vi phạm phổ biến là khai thác tài nguyên ngoài diện tích được cấp phép, vượt mức cho phép, dùng giấy phép hết hạn, sử dụng các loại hoá chất độc hại, không hoàn nguyên môi trường sau khai thác. Điển hình như: PC05 Công an tỉnh Nghệ An đã phá thành công chuyên án 219 Q "Đấu tranh với các hành vi vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”, bắt quả tang ba đối tượng khai thác đất trái phép; PC05 Công an tỉnh Bắc Ninh chuyển khởi tố hai vụ khai thác cát trái phép trên sông Đuống; PC05 Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện một tàu không biển kiểm soát, tải trọng 60 tấn có hành vi khai thác cát trái phép và đưa lên bãi tập kết (Uông Bí, Quảng ninh).
Tình trạng khai thác cát, sỏi diễn ra trên nhiều tuyến sông với thủ đoạn lợi dụng các khu vực giáp ranh địa giới hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ, đêm tối, thuê người cảnh giới để khai thác, khi bị phát hiện, bắt giữ đã chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng. Lợi dụng việc thực hiện các dự án nạo vét luồng đường thuỷ nội địa, luồng hàng hải nhiều đơn vị đã kết hợp tận thu sản phẩm để khai thác cát sỏi trái phép. Nhiều bến bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi hoạt động tự phát, không trong quy hoạch, không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn. Đặc biệt nhóm đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai đã chống trả, tấn công lực lượng chức năng làm đồng chí Phó trưởng Công an xã Thạnh Hội - Thị xã Tân Uyên - tỉnh Bình Dương hy sinh.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết: Vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn xảy ra phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây nguyên (như Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông…) làm suy thoái môi trường, thất thoát tài nguyên, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đối tượng vi phạm sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng như chọn địa điểm xa, hẻo lánh, khu vực giáp ranh nơi công tác quản lý lỏng lẻo, thu gom, tập kết gỗ tại những điểm bí mật rồi hợp pháp hoá hồ sơ, tổ chức vận chuyển đến nơi tiêu thụ, lợi dụng các dự án đầu tư, việc cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để khai thác lâm sản. Một số dự án có dấu hiệu vi phạm trong giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác có liên quan trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Ở các tỉnh Tây Nghuyên xuất hiện thủ đoạn mới lấn chiếm đất rừng như trồng xen cây nông nghiệp, công nghiệp với cây rừng, sau khi cây nông nghiệp, công nghiệp phát triển thì đối tượng khai thác cây rừng và lấn chiếm đất rừng (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông). Các đơn vị chức năng tỉnh Phú Yên phát hiện các đối tượng khai thác gỗ trái phép ở vùng giáp ranh hai huyện Tây Hoà và Sông Hinh, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án để điều tra, xử lý theo quy định. Công an huyện Đắk Tô - Kon Tum khởi tố, bắt giam 14 bị can vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. PC05 Công an tỉnh Gia Lai xác minh, phát hiện hành vi chặt phá khoảng 178.500 m2 rừng thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mor và UBND xã Ia Mor huyện Chư Prông quản lý.
Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm, sản phẩm động vật hoang dã vẫn diễn ra phức tạp, thậm chí giao bán công khai qua mạng Internet. Tuy nhiên, việc đấu tranh xử lý gặp khó khăn do phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, như chỉ bán cho khách quen, khách nước ngoài, lợi dụng hoạt động nuôi sinh trưởng để hợp thức hoá thủ tục giấy tờ che dấu hành vi vận chuyển, buôn bán, giết mổ trái phép động vật hoang dã, sử dụng địa chỉ nhận hàng không có thực, thuê đơn vị vận chuyển, sẵn sàng bỏ hàng hoá khi bị phát hiện. PC05 Hà Nội phát hiện ba vụ tàng trữ ngà voi. Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện ba vụ buôn bán động vật hoang dã, thu giữ 850,6 kg sừng tê giác, 4,2kg tê tê và một số sản phẩm động vật hoang dã khác. PC05 Công an TP HCM phát hiện một đối tượng vận chuyển sừng tê giác trắng từ Doha (Quata) về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất, đơn vị đã chuyển Công an quận Tân Bình khởi tố vụ án và khởi tố bị can theo Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị trong năm 2021 và những năm tiếp theo, đồng chí Thiếu tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng C05 nhấn mạnh: Tội phạm môi trường hoạt động ngày càng phức tạp, liều lĩnh và tinh vi, thậm chí dùng cả công nghệ cao để làm sai số liệu khi cung cấp cho các đơn vị thanh tra, kiểm tra do vậy ngoài việc tiếp tục nâng cao phẩm chất đạo đức chiến sĩ, sĩ quan cảnh sát môi trường, C05 sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị thanh tra của các bộ ngành có liên quan trao đổi thông tin và tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao trong việc thu thập thông tin, điều tra phá các vụ án nghiêm trọng về môi trường; làm tốt việc phối hợp Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường biển, hải đảo; cùng với Tổng cục Thuỷ lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt kế hoạch phối hợp về công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm công trình thuỷ lợi, xả nước thải vào công trình thuỷ lợi. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy chế, kế hoạch đã ký kết với các ngành, đơn vị chức năng.
HÀ HỒNG