Nhiều bất cập từ dịch vụ rửa xe vỉa hè

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/5/2021 | 9:52:51 AM

Dịch vụ rửa xe đang là một trong những ngành nghề khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, loại hình này cũng tồn tại nhiều bất cập, gây mất vệ sinh môi trường cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Nhiều bất cập từ dịch vụ rửa xe vỉa hè
Rửa xe vỉa hè gây hư hỏng mặt đường và ảnh hưởng tới ATGT cho người đi bộ. Ảnh: Phương Thảo

Nhếch nhác, bẩn phố

Những cửa hàng kinh doanh dịch vụ rửa xe nhỏ, lẻ là một trong nhiều dịch vụ khá phổ biến hiện nay. Đi dọc một số tuyến phố như Minh Khai, Võ Thị Sáu, Đội Cấn, Trần Quốc Hoàn, Ngô Thì Nhậm... có hàng chục điểm rửa xe nằm ở ngay mặt đường, phố.

Mới đây, người dân sinh sống trên phố Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) đã có phản ánh về việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ rửa ô tô, xe máy tại đây xả nước thải, bùn đất gây hư hỏng mặt đường, ảnh hưởng tới an toàn của người tham gia giao thông. Theo quan sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tại dọc tuyến phố trên chỉ khoảng 100m có tới 12 quán rửa xe san sát nhau, đặc biệt tại vị trí số nhà 19 (phía bên Công viên Tuổi trẻ), các cơ sở kinh doanh dịch vụ rửa ô tô, xe máy đã tiến hành đắp bục bệ lên xuống để thuận tiện cho việc đưa xe vào gara. Bên cạnh đó, trong quá trình rửa xe, nhân viên xả nước thải và bùn đất bừa bãi ra vỉa hè. Tình trạng này khiến hệ thống rãnh thoát nước tại đây bị tắc, mặt đường bị hư hỏng.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (30 tuổi, trú tại Thanh Nhàn) cho biết: "Tuyến phố này có mật độ phương tiện giao thông khá cao, đặc biệt là vào giờ cao điểm nên các quán rửa xe này không những gây mất an toàn cho người đi đường mà còn khiến đường phố trở nên nhếch nhác". Không chỉ có ở địa điểm trên, tại nhiều tuyến đường, phố khác ở các quận nội thành cũng xuất hiện những quán rửa xe lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ.

Cần quản lý chặt chẽ hơn

Dịch vụ rửa xe là nghề thu được lợi nhuận không nhỏ. Một phần từ việc vốn đầu tư trang thiết bị không nhiều, mỗi chiếc xe máy được rửa có giá là 20.000 đồng và 50.000 đồng đối với xe ô tô, do đó, hộ kinh doanh có thể nhanh chóng kiếm lời. Tuy nhiên, điểm chung của các quán rửa xe máy, ô tô này vì mục đích lợi nhuận nên ngang nhiên chiếm dụng diện tích vỉa hè; lòng đường làm nơi rửa, dựng xe. Đi kèm với đó là lênh láng nước thải xả ra, gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông cho người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông.

Theo ông Lê Xuân Bách, chủ một gara chăm sóc xe trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ), các dịch vụ rửa xe trên vỉa hè vì tính tiện lợi, giá cả tương đối bình dân nên nhiều người đã chọn loại hình dịch vụ này thay vì đến các trung tâm lớn, được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh môi trường. "Với thu nhập tốt, thi thoảng bị "nhắc nhở" nên mô hình rửa xe trên vỉa hè này mọc lên ngày một nhiều. Ngoài vấn đề gây mất an toàn giao thông, việc đọng nước thải không những gây mất vệ sinh môi trường, mà còn làm hư hỏng mặt đường" - ông Bách cho biết.

Bàn về vấn đề quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng, để quản lý tốt loại hình dịch vụ này, ngoài việc tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần siết chặt hoạt động của dịch vụ rửa xe, quy định rõ về điều kiện kinh doanh nhằm hạn chế tối đa các điểm rửa xe tự phát được mở ra ngày một nhiều.

Theo điểm b, khoản 5 Điều 12 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Trong đó quy định phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị hè phố.

Theo Kinh tế đô thị



Tags Rửa xe Rửa xe vỉa hè Ô nhiễm môi trường An toàn giao thông

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục