Người đến thăm Pháo đài Đỏ vào một buổi sáng sương mù ở khu phố cổ Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Hơn 400 thành phố lớn với tổng dân số 1,5 tỷ người trên thế giới đang đứng trước nguy cơ cao hoặc rất cao do vấn đề ô nhiễm làm giảm tuổi thọ, cạn kiệt nguồn nước, sóng nhiệt nguy hiểm, thiên tai và biến đổi khí hậu. Siêu đô thị Jakarta (Indonesia) đứng đầu danh sách này, với tình trạng ô nhiễm, lũ lụt và sóng nhiệt nghiêm trọng.
Tuy vậy, Ấn Độ, nước có đến 13 trong số 20 thành phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ môi trường nhất thế giới, có thể phải đối mặt với tương lai đáng lo ngại nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Theo bảng xếp hạng do Công ty Quản lý rủi ro Verisk Maplecroft tổng hợp, bao gồm 576 thành phố toàn cầu, thành phố Delhi đứng thứ 2. Tiếp theo đó vẫn là các thành phố ở Ấn Độ gồm: Chennai (thứ 3), Agra (thứ 6), Kanpur (thứ 10), Jaipur (thứ 22) và Lucknow (thứ 24). Thành phố Mumbai và khoảng 12,5 triệu dân được xếp ở vị trí thứ 27.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra hơn 7 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới mỗi năm, trong đó, có đến 1 triệu người ở Ấn Độ. 20 thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất trên thế giới trong số các khu vực đô thị có ít nhất 1 triệu dân cũng đều nằm ở Ấn Độ.
Trao đổi với Hãng Thông tấn AFP, ông Will Nichols, tác giả chính của báo cáo cho biết: "Các thành phố trên thế giới là nơi sinh sống của hơn 50% dân số thế giới và là động lực chính của sự giàu có nhưng đang phải chịu áp lực lớn do chất lượng không khí tồi tệ, khan hiếm nước và các hiểm họa tự nhiên”.
Cũng theo báo cáo, 35 trong số 50 thành phố trên toàn thế giới đối mặt cao nhất với ô nhiễm nước đều nằm ở Trung Quốc.
Ngoài ra, báo cáo đề cập đến tác động của sự nóng lên toàn cầu thể hiện rõ rệt tại khu vực châu Phi cận Sahara, nơi có 40 trong số 45 thành phố dễ bị tổn thương về khí hậu nhất trên hành tinh. Lục địa châu Phi ít chịu trách nhiệm nhất cho tình trạng gia tăng của nhiệt độ toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không chỉ do hạn hán, sóng nhiệt, bão và lũ lụt tồi tệ hơn, mà còn vì lục địa này không được trang bị đủ để ứng phó với vấn đề này.
"2 thành phố đông dân nhất của châu Phi là Lagos và Kinshasa là những thành phố có nguy cơ cao nhất. Các thành phố đặc biệt dễ bị tổn thương khác bao gồm: Monrovia, Brazzaville, Freetown, Kigali, Abidjan, và Mombasa”, báo cáo chỉ rõ.
Ngoài châu Á, các khu vực Trung Đông và Bắc Phi có tỷ lệ các thành phố có nguy cơ cao nhất trước tất cả các hiểm họa môi trường cộng lại. Lima ở Peru là thành phố duy nhất trong top 100 nói trên không phải ở châu Á.
Theo Báo TN&MT