Hố móng trạm bơm nước thô thuộc Dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại km 46+160 mặt đê Hữu Hồng (đoạn thuộc xã Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội) bằng mắt thường có thể quan sát được tình trạng nứt gãy. Sự cố xảy ra do nhà thầu thi công trạm bơm nước thô tại khu vực này. Khe nứt gãy có chiều hướng ngày càng mở rộng gây nguy hiểm và mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông qua đây.
Theo báo cáo nhanh của Hạt quản lý đê Đan Phượng, ngày 30/4, đơn vị đã tiến hành kiểm tra phát hiện sự cố nứt dọc mặt đê, mặt đường hành lang. Nứt dọc hành lang cơ đê phía thượng lưu dài 25,8m, chiều rộng vết nứt từ 0,5- 4cm. Nứt dọc mặt đê dài 27m, chiều rộng vết nứt 1- 3cm.
Theo Hạt Quản lý đê, sơ bộ nguyên nhân là khu vực xảy ra sự cố trên do Công ty CP nước mặt sông Hồng đang triển khai thi công hố móng trạm bơm nước thô thuộc Dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng. Việc thi công móng đã làm mất ổn định của mái đê, thân đê đoạn này, đặc biệt là phía thượng lưu, cùng với việc ảnh hưởng của những trận mưa nên đã xảy ra sự cố nứt, gãy.
Ngoài ra, báo cáo của Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 1 gửi Chi cục Phòng, Chống thiên tai Hà Nội khẳng định: Do bể nước chứa nằm sát cạnh hành lang thượng lưu và mặt đê, việc thi công đào móng bể chứa nước đã tạo nên các cung trượt sâu tại mặt đê và đường hành lang, gây nên gãy dọc đường hành lang thượng lưu với chiều dài từ 15m đến 20m và gãy dọc mặt đê từ 20m đến 25m tại khu vực thi công.
Hiện tại điểm gãy nứt đã được đặt biển báo sự cố, tổ chức phân luồng giao thông không cho xe cơ giới đi vào khu vực này và đề nghị Cty CP nước mặt sông Hồng dừng thi công trạm bơm nước thô.
300 tỷ đồng vừa nâng cấp đê đã nứt gãy
Được biết, cuối năm 2017, Bộ NN&PTNT có Quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Nâng cấp đê, kè hữu sông Hồng từ K26+580 đến K32+000 và từ K40+350 đến K47+980 thành phố Hà Nội, tại huyện Đan Phượng và thị xã Sơn Tây; diện tích sử dụng đất 26,324ha. Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017- 2020 do Bộ NN&PTNT quản lý.
Thời gian thực hiện dự án nêu trên trong giai đoạn 2017 - 2021 nhằm nâng cấp đê hữu Hồng đoạn từ K40+350 đến K47+980 đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống lụt bão; bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chống lấn chiếm hành lang đê; tạo cảnh quan môi trường; kết nối giao thông trên đê hữu Hồng với mạng lưới giao thông theo quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đại diện UBND huyện Đan Phượng cho biết, dự án nhà máy nước mặt sông Hồng là dự án thuộc quản lý của thành phố Hà Nội. Ngay khi xảy ra sự việc, huyện đã có báo cáo gửi các sở ngành để có phương án xử lý. UBND huyện đã cử cán bộ làm việc với UBND xã, xã sẽ phải lập điếm canh gác để hạn chế xe qua lại, cử người trông coi và đặt biển cảnh báo.
Đại diện lãnh đạo Công ty nước mặt sông Hồng thừa nhận, điểm nứt mặt đê hiện nay do Cty đang thi công trạm bơm nước thô. Tuy nhiên, mới chỉ làm giai đoạn đóng cọc cừ cố định khu vực thi công, sắp tới sẽ có đường ống dẫn nước xuyên qua đê để lấy nước từ sông Hồng vào nhà máy. Về việc sự cố nứt đê, đơn vị đang phối hợp với chủ đầu tư và các sở ngành có phương hướng khắc phục. Tiến độ dự án đang được chủ đầu tư đề xuất với UBND thành phố Hà Nội giãn đến quý II/2022.
Theo các chuyên gia xây dựng thủy lợi, việc thi công với tuyến đê cấp 1 trọng yếu phải đảm bảo nhiều yếu tố an toàn trong phương án thiết kế lẫn thi công, ở đây Công ty nước mặt sông Hồng đã sử dụng nước xói đất để đặt cọc cừ, việc này chắc chắn sẽ làm sạt lở chân đê, dẫn đến sụt lún bề mặt đê. "Đơn vị này cần có phương án khắc phục ngay đặc biệt khi mùa mưa bão đang đến gần", vị chuyên gia nhận định.
Trước đó, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã nhiều lần đề xuất thay thế chủ đầu tư nhà máy nước mặt sông Hồng do đơn vị này liên tục chậm tiến độ đề ra, một phần nguyên nhân khiến hàng nghìn hộ dân tại các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ... nhiều năm qua chưa được tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn.
Trần Hoàng/Báo Tiền Phong