Ô nhiễm môi trường làm gia tăng người mắc bệnh phổi kẽ

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/5/2021 | 5:59:59 PM

QLMT - Với sự phát triển của Y học hiện đại, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã được dự phòng, điều trị hiệu quả như bệnh đậu mùa, dịch hạch, tả lỵ, thương hàn, bệnh lao… Nhưng trong thế giới đương đại đã và đang xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm mới nguy hiểm như HIV, SARS, MERS, Ebola và COVID-19 hiện nay với sự lây lan nhanh trong cộng đồng và tác động vô cùng bất lợi đối với phát triển kinh tế, xã hội.

o-nhiem-moi-truong-lam-gia-tang-nguoi-mac-benh-phoi-ke-1
Ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại các vùng nông thôn. Ảnh TL

Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu cũng làm cho tỷ lệ mắc, tàn phế và tử vong do các bệnh không lây nhiễm cũng tăng nhanh không những ở các nước phát triển mà cả ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về bệnh lý tim mạch, bệnh ác tính, các bệnh rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở Việt Nam trong những thập niên vừa qua. Những bệnh tật này đang là gánh nặng lớn về kinh tế, xã hội. Tương tự như vậy, trong vài năm gần đây, một nhóm bệnh trước đây rất ít gặp ở Việt Nam, nhưng đang gia tăng nhanh chóng về số người mắc cũng như tử vong, đó là bệnh phổi kẽ, trong đó thể bệnh xơ phổi vô căn là nguy hiểm nhất. 

Bệnh phổi kẽ là một nhóm hơn 200 bệnh khác nhau nhưng có một số đặc điểm chung nổi bật là triệu chứng khó thở ngày càng nặng dần lên; Quá trình viêm và xơ hóa phổi ngày càng làm phổi mất dần chức năng, trong đó ảnh hưởng sớm, nguy hiểm nhất là giảm dần các thể tích, dung tích phổi và quá trình vận chuyển ô xy từ phổi vào máu. Cuối cùng, bệnh dẫn đến suy hô hấp, suy tim và tử vong. Đặc biệt, bệnh tiến triển khá nhanh, từ khi bệnh nhân được chẩn đoán đến khi tử vong trung bình chỉ có 3 năm. Bệnh phổi kẽ nói chung, bệnh xơ phổi vô căn nói riêng là nhóm bệnh chẩn đoán khó, đòi hỏi các phương tiện hiện đại (chụp cắt lớp vi tính có độ phân giải cao, sinh thiết phổi, đo phế thân ký, xét nghiệm miễn dịch,…) với sự phối hợp của các nhiều chuyên ngành sâu (Hô hấp, cơ xương khớp, miễn dịch, chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán chức năng,  nội soi phế quản, phẫu thuật lồng ngực, xét nghiệm, giải phẫu bệnh, …). Chẩn đoán đã khó, điều trị lại càng khó hơn. Có rất nhiều phương pháp điều trị đã được ứng dụng nhưng hiệu quả còn hạn chế. Những năm gần đây, các thuốc chống xơ đã được nghiên cứu, áp dụng cho thấy hiệu quả nhưng giá thành điều trị còn cao.

o-nhiem-moi-truong-lam-gia-tang-nguoi-mac-benh-phoi-ke-2
Bệnh viêm phổi kẽ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Ảnh TL

Bệnh phổi kẽ có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đáng kể nhất là các yếu tố độc hại liên quan tới nghề nghiệp, môi trường lao động. 

Trong nông nghiệp, những người lao động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản, chế biến gỗ (ngũ cốc, nấm ăn, sản xuất hoặc tiếp xúc phân bón vô cơ hoặc hữu cơ, bảo quản và chế biến các loại hạt, nấm, củ, quả, …). 

Trong chăn nuôi và chế biến thịt, những người sản xuất và tiếp xúc với thức ăn cho cá hoặc gia súc, giết mổ động vật, chế biến da, lông động vật. Người nuôi gia cầm, chim. 

Người lao động trong ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất, chế biến kim loại, đá, than, bông, vải). Những người tiếp xúc với hóa chất (Công nhân hóa chất, nhân viên phòng thí nghiệm), chất phóng xạ, Một số loại thuốc Tây cũng là nguyên nhân gây bệnh phổi kẽ. 

Nghiện thuốc lá, thuốc lào cũng là yếu tố nguy cơ cao của xơ phổi kẽ vô căn. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, có xu hướng tăng lên theo tuổi. Tùy theo mỗi bệnh cụ thể, tỷ lệ mắc có thể cao hơn ở nam giới hoặc nữ giới. Các yếu tố môi trường, khí hậu cực đoan đóng vai trò quan trọng trong sự phát sinh và phát triển căn bệnh này. 

Đất nước chúng ta đang ở giai đoạn công nghiệp hóa mạnh mẽ. Số lao động trong các ngành nghề liên quan tới nguyên nhân bệnh phổi kẽ ngày càng tăng. Số bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh phổi kẽ ngày càng nhiều. Bệnh viện phổi Trung ương hiện đang quản lý hàng trăm người mắc bệnh phổi kẽ. Hầu hết bệnh nhân do tuyến dưới chuyển đến với những chẩn đoán ban đầu là hen phế quản, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi,… Điều đó cho thấy căn bệnh này đang là thách thức lớn đối với các thày thuốc các tuyến cả về chẩn đoán, quản lý, điều trị. 

o-nhiem-moi-truong-lam-gia-tang-nguoi-mac-benh-phoi-ke-3
Bệnh sẽ phát triển mạnh hơn khi gặp các yếu tố bao gồm các bệnh về miễn dịch, tiếp xúc với các tác nhân hữu cơ và vô cơ.  Ảnh TL

Tuy là loại bệnh nặng, nan y, nhưng nhiều loại bệnh phổi kẽ có thể dự phòng hiệu quả. Đây là phương pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa căn bệnh này ở nước ta cũng như các nước phát triển và đang phát triển khác. Nhiều loại bệnh phổi kẽ liên quan đến môi trường lao động. Những bệnh này có thể dự phòng rất hiệu quả khi người lao động và các nhà quản lý có nhận thức đầy đủ về các yếu tố độc hại nghề nghiệp, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tác hại của môi trường lao động. 

Chẩn đoán sớm và điều trị sớm cũng là biện pháp rất quan trọng. Truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao ý thức của nhân dân và người lao động để họ chủ động phòng bệnh theo hướng dẫn của Y tế. 

Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả hơn. Bệnh viện phổi Trung ương đã thành lập nhóm gia đa chuyên ngành từ nhiều cơ sở y tế lớn có nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn, hội chẩn, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh mắc bệnh phổi kẽ. Nhóm chuyên gia cũng có nhiệm vụ xác định tỷ lệ mắc bệnh phổi kẽ, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu y học hiện đại trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị căn bệnh này phù hợp với điều kiện của đất nước chúng ta.

Là cơ sở y tế chuyên sâu về bệnh hô hấp, Bệnh viện phổi Trung ương với đội ngũ thầy thuốc giỏi, với sự hợp tác chặt chẽ của nhiều chuyên gia y tế, có đầy đủ các phương tiện hiện đại giúp xác định chính xác các loại bệnh phổi kẽ khác nhau để có phương hướng quản lý, điều trị hiệu quả nhất bệnh phổi kẽ. 

Số tiếp theo: Gánh nặng Y tế, kinh tế xã hội của bệnh phổi kẽ trên thế giới và ở Việt Nam.


PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung,
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương,
Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia.
Và Nhóm Chuyên gia bệnh phổi kẽ, 
Bệnh viện Phổi Trung ương

Tags Ô nhiễm môi trường bệnh phổi kẽ COVID-19 bệnh truyền nhiễm bệnh viện phổi trung ương Nguyễn Viết Nhung phổi kẽ

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục