Vào 29/4, tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã phóng thành công module đầu tiên của trạm vũ trụ Thiên Hà bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc xây dựng trạm không gian riêng của nước này. Tuy nhiên, thay vì rơi xuống địa điểm đã định trước trên biển như các tên lửa trước đây, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B lại bắt đầu xoay quanh Trái Đất ở quỹ đạo thấp trong tình trạng mất kiểm soát.
Với trọng lượng khoảng 21 tấn, dài 30m và rộng 5m, bộ phận còn sót lại của tên lửa Trường Chinh 5B đang bay trên quỹ đạo quanh Trái Đất mỗi 90 phút/vòng, với tốc độ 27.600 km/giờ ở độ cao trên 300 km. Kể từ cuối tuần trước cho đến nay, bộ phận còn sót lại này đã giảm độ cao khoảng gần 80km. Theo quan sát của các nhà thiên văn nghiệp dư dưới mặt đất, tên lửa này đang trong tình trạng vô cùng bất ổn.
Một số tính toán cho thấy, tầng trung tâm của tên lửa Trường Chinh 5B sẽ lao vào bầu khí quyển vào ngày 8/5 tới đây. Khi lao qua khí quyển Trái đất, nó có thể bị thiêu cháy, nhưng nhiều khả năng vẫn còn nhiều mảnh lớn tên lửa sót lại và sẽ rơi rải rác trong khu vực rộng 160km.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi vào trạng thái mất kiểm soát trong quá trình hồi quyển. Vào tháng 5/2020, một sự cố tương tự đã xảy ra.
Bắc Kinh dự kiến sẽ có thêm ít nhất 10 lần phóng tương tự, mang theo tất cả các thiết bị bổ sung vào quỹ đạo, trước khi hoàn thành trạm vào năm 2022.
Tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc được phóng lên quỹ đạo vào ngày 29/4 tại bệ phóng Văn Xương, miền nam Trung Quốc.
Trước dự báo của Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ về việc lõi tên lửa Trường Chinh 5B (Long March 5B hay Chang Zheng 5B) có tên là 2021-035B nặng 20 tấn có khả năng rơi xuống Trái Đất một cách không kiểm soát vào ngày 8-9/5 này, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu Nga hay Mỹ có lên kế hoạch dùng tên lửa để bắn hạ tầng lõi tên lửa Trường Chinh 5B, cứu nguy cho công dân hành tinh hay không?
Ngày 6/5, Mỹ cho biết họ đang theo dõi đường đi của vật thể này, nhưng không có kế hoạch bắn hạ nó.
Rác thải vũ trụ
Úc hiện giữ kỷ lục là quốc gia chứa rác thải vũ trụ lớn nhất thế giới. Năm 1979, trạm vũ trụ SkyLab nặng 77 tấn của Mỹ đã tan rã ở Tây Úc , khiến khu vực xung quanh thị trấn ven biển Esperance bị các mảnh vỡ bắn tung tóe.
Mặc dù chưa có trường hợp tử vong hoặc bị thương nghiêm trọng nào được ghi nhận vì bị trúng các mảnh vỡ vũ trụ này, nhưng nó khá nguy hiểm.
Chỉ một năm trước khi SkyLab sụp đổ, một vệ tinh viễn thám của Liên Xô, Cosmos 954, đã rơi xuống một khu vực cằn cỗi thuộc Lãnh thổ Tây Bắc của Canada, phát tán các mảnh vỡ phóng xạ trên vài trăm km vuông.
Khi Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh cao, sự nhạy cảm của công nghệ hạt nhân trên tàu Cosmos 954 đã dẫn đến sự chậm trễ đáng tiếc trong việc xác định vị trí và dọn dẹp xác tàu.
Ai phải trả tiền để dọn dẹp?
Luật pháp quốc tế đặt ra một chế độ bồi thường áp dụng trong nhiều trường hợp thiệt hại trên Trái đất, cũng như khi các vệ tinh va chạm trong không gian . Các quy ước 1972, một hiệp ước của Liên Hiệp Quốc, áp đặt trách nhiệm pháp lý về thiệt hại gây ra bởi các rác thải vũ trụ, trong đó bao gồm một chế độ trách nhiệm tuyệt đối khi chúng rơi xuống Trái đất như mảnh vụn.
Trong trường hợp của Long March 5B, điều này sẽ áp đặt trách nhiệm pháp lý tiềm tàng đối với Trung Quốc. Hiệp ước mới chỉ được viện dẫn một lần trước đây ( đối với sự cố Cosmos 954 ) và do đó có thể không được coi là một biện pháp khuyến khích. Tất nhiên, khung pháp lý này chỉ được áp dụng sau khi thiệt hại xảy ra.
Năm 1978, một vệ tinh của Liên Xô chạy bằng năng lượng hạt nhân đã rơi xuống miền bắc Canada, dẫn đến khoản tiền phạt 3.000.000 USD cho việc dọn sạch phóng xạ vùng lãnh nguyên cho Canada.
Theo Hà Thu/ Tiền Phong