Nhà máy nước xã Hữu Bằng, Thạch Thất.
Người dân và chính quyền địa phương cùng kiến nghị
Người dân 2 xã Hữu Bằng, Phùng Xá đã nhiều lần đề xuất được sử dụng nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà thay vì phải dùng nước ngầm như hiện nay nhưng chưa được đáp ứng nguyện vọng mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cam kết thực hiện.
Theo UBND huyện Thạch Thất, xã Hữu Bằng và xã Phùng Xá đều có trạm cấp nước sạch sử dụng nguồn nước ngầm tại địa phương từ nhiều năm nay. Trạm cấp nước sạch xã Hữu Bằng do Công ty TNHH thương mại Bình Dương là nhà đầu tư vào tiếp quản từ năm 2008, thực hiện quản lý và vận hành khai thác từ năm 2010, đang có hơn 4.000 hộ dân trong xã đấu nối và sử dụng nước (đạt tỷ lệ 100% hộ dân trong xã); Trạm cấp nước sạch xã Phùng Xá do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng nước sạch và môi trường THT (Công ty THT) là nhà đầu tư vào tiếp quản từ năm 2014, thực hiện quản lý và vận hành khai thác từ năm 2016, đang có hơn 2.760 hộ dân sử dụng nước (đạt tỷ lệ hơn 63% hộ dân trong xã).
Tuy nhiên, từ khi có nguồn nước mặt sông Đà về đến địa bàn huyện Thạch Thất, người dân hai xã đã kiến nghị được sử dụng nguồn nước này nguyên do là nước sạch từ trạm cấp nước tại địa phương không đảm bảo chất lượng khiến người dân lo lắng, bất an. Hiện nay, hầu hết người dân ở cả hai xã Hữu Bằng và Phùng Xá đều sử dụng từ 2-3 hệ thống lọc nước để sử dụng cho sinh hoạt và ăn uống. Tức là nước từ nhà máy cấp nước được chảy vào bể ngầm qua một hệ thống lọc, sau đó được bơm lên một hệ thống lọc thứ 2 trên nóc nhà để dùng cho sinh hoạt, nước để ăn phải tiếp tục chạy qua một hệ thống lọc khác nữa ở trong nhà.
Theo ông Phùng Ngọc Nam – Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, nhà đầu tư cấp nước sạch trên địa bàn xã là Công ty THT đã hứa sẽ thay thế sử dụng nước sạch từ nguồn nước ngầm bằng nguồn nước mặt sông Đà nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện, trong khi chất lượng nước không đảm bảo mà chính quyền cấp xã không có thẩm quyền yêu cầu nhà máy dừng sản xuất.
Trong báo cáo gửi tới HĐND Thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội vào cuối tháng 10/2020, UBND huyện Thạch Thất cũng đề xuất, kiến nghị thay thế khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm tại địa phương bằng nguồn nước mặt sông Đà do chất lượng nước thành phẩm chưa đảm bảo.
Kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (ngoại kiểm) của Trạm cấp nước Hữu Bằng do CDC Hà Nội thực hiện.
Chỉ số Pecmanganat cao hơn giới hạn 1-1,5 lần
Trên Cổng thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội (CDC) thông báo kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (ngoại kiểm) của các nhà máy nước trên địa bàn, trong đó có kết quả của Trạm cấp nước Hữu Bằng và Nhà máy nước Phùng Xá do Công ty TNHH thương mại Bình Dương và Công ty THT là nhà đầu tư cho thấy, mẫu nước thành phẩm của cả hai đơn vị cấp nước này đều không đạt và nhận được khuyến cáo "khi chưa khắc phục được các chỉ tiêu không đạt thì khách hàng không sử dụng nước cho ăn uống”.
Theo đó, việc ngoại kiểm (mỗi đơn vị cấp nước phải được ngoại kiểm định kỳ 01 lần/01 năm) cũng như xét nghiệm 15 chỉ tiêu mức độ giám sát A (Màu sắc, mùi vị, độ đục, pH, độ cứng, hàm lượng Clorua, hàm lượng sắt tổng số, hàm lượng Mangan tổng số, hàm lượng Nitrat, hàm lượng Nitrit, hàm lượng Sunphát, hàm lượng Pecmanganat) của CDC là thực hiện theo quy định của Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt và QCVN01:2009/BYT của Bộ Y tế về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống.
Cụ thể, kết quả kiểm tra của Trạm cấp nước Hữu Bằng có 1 chỉ tiêu không đạt là chỉ số hàm lượng Pecmanganat: 3,3mg/l cao hơn 1,5 lần giới hạn cho phép. Còn kết quả kiểm tra của Nhà máy nước Phùng Xá có 2 chỉ tiêu không đạt là màu sắc: màu vàng và chỉ số hàm lượng Pecmanganat: 2,9mg/l cao hơn gần 1 lần giới hạn cho phép. Giới hạn tối đa cho phép đối với chỉ số Pecmanganat theo QCVN01:2009/BYT là 2mg/l.
Tại Tọa đàm chuyên đề khoa học về ô nhiễm nguồn nước do Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức, các nhà khoa học đã chỉ ra những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Theo các chuyên gia và cơ quan nghiên cứu về sức khỏe và môi trường, chỉ số Pecmanganat vượt ngưỡng 2 theo QCQG 01:2009/BYT là dấu hiệu cho thấy nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ ở mức độ nguy hiểm. Nước sạch có chỉ số Pecmanganat cao sẽ nhanh chóng tạo rêu, tảo trong bể chứa, là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật độc hại phát triển trong nước.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Theo Nhật Minh – Thanh Nga/ Báo Xây Dựng