Hiểm họa mang tên rác thải
Theo thống kê, tổng lượng rác thải tại Việt Nam hiện tại khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó, lượng rác thải tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, nông thôn khoảng 15.000 tấn ngày. Trên 80% lượng rác thải đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Lượng tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện khoảng 15 triệu tấn tro xỉ/năm. Đối với các vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ và nhiều vùng khác do không có đất để chôn lấp rác thải nên một lượng lớn rác thải được đem đốt. Phần lớn nguồn rác là rác thải sinh hoạt, điều này tác động trực tiếp đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước, không khí.
Diện tích đất có giới hạn nhưng dân số đông cho nên quỹ đất dành cho xử lý, chôn lấp rác thải không thể giải quyết thực trạng ô nhiễm.
Tại buổi tọa đàm chia sẻ về chủ đề "Rác thải, môi sinh, sức khỏe: Những công nghệ phân loại, xử lý bền vững” do viện nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức, PGS.TS Vũ Thanh Ca – chuyên gia môi trường đã nhấn mạnh việc xả thải và xử lý rác đang ở mức báo động đặc biệt đối với rác thải sinh hoạt, ông nói: "Rác thải hiện nay được chia làm: Rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng, rác thải y tế và rác thải sinh hoạt, dịch vụ. Trong đó có thể nói rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý kém nhất. Đối với rác thải công nghiệp, y tế được quản lý chặt chẽ từ doanh nghiệp và có kinh phí nhất định. Việc xử lý kém của rác thải sinh hoạt là do địa bàn rộng, chi phí thấp, diện tích đất ít nhưng dân số đông cho nên quỹ đất cho xử lý, chôn lấp rác thải còn ít”.
Không chỉ tác động đến môi trường, nó còn kéo theo sự suy giảm về kinh tế và ảnh hưởng đến xã hội. Nhiều chất thải hữu cơ khó phân hủy, đặc biệt là nhựa, gây ô nhiễm đất, giảm độ phì của đất, làm đất bạc màu. Các chất độc hại, đặc biệt là kim loại nặng trong rác thải làm ô nhiễm môi trường đất, nước gây thiếu ô-xy, động vật thậm chí thực vật thủy sinh chết hàng loạt làm suy thoái các hệ sinh thái. Đặc biệt đốt rác rất nguy hiểm cho con người, thải ra bụi mịn, các khí độc như dioxin, CO, furan, NOx, SOx gây nhiều bệnh hô hấp, thậm chí ung thư ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và tạo môi trường cho ruồi, muỗi, chuột phát triển, gây dịch bệnh.
PGS.TS Vũ Thanh Ca nhận định việc xứ lý rác thải sinh hoạt còn yếu kém.
Mặt khác PGS.TS Vũ Thanh Ca cũng chỉ rõ, chính rác thải là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển. Hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ và ô nhiễm rác thải nhựa đã giết chết nhiều sinh vật biển, tác động rất xấu tới một số ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch.
Chuyển dịch phát triển nền kinh tế tuần hoàn
Nền kinh tế tuần hoàn là một nền kinh tế có mục đích định nghĩa lại sự tăng trưởng kinh tế tập trung vào những lợi ích xã hội sâu rộng với việc tiêu thụ một nguồn tài nguyên hữu hạn và tái chế, tái sử dụng triệt để chất thải để không còn chất thải. Đây là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nền kinh tế tuần hoàn dựa trên 3 nguyên tắc: Không còn chất thải và ô nhiễm môi trường; Tiếp tục sử dụng các sản phẩm và vật liệu; Phục hồi các hệ thống tự nhiên.
Tại Việt Nam, xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những đinh hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại phát biểu tham luận Đại hội XIII cũng nhấn mạnh việc phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trong tài nguyên bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và biến đổi khí hậu diễn biến thất thường.
Trong nông nghiệp có mô hình vườn – ao – chuồng được áp dụng phổ biến nhất.
Áp dụng nền kinh tế tuần hoàn bởi nó đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội. Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh phát triển, đang là một quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế mạnh mẽ, đặt biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hầu hết, các Hiệp định này, đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy Việt Nam tăng tốc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thực tế hiện nay, Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy… Trong nông nghiệp có mô hình vườn – ao – chuồng, vườn – rừng – ao – chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi… Các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ… Nổi bật cho xu hướng trên có thể kể đến Heineken Việt Nam, đơn vị công bố đã có gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế, 4 trên 6 nhà máy bia sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon.
Nền tảng công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng sinh thái
Nằm trong nền kinh tế tuần hoàn, công nghiệp và nông nghiệp đang chiếm tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước cao. Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36% so với năm trước, đóng góp 1,12 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị thêm của toàn nền kinh tế (số liệu từ Tổng cục thống kê). Từ đó dễ nhận thấy mức độ phụ thuộc của nền kinh tế đối với việc khai thác, xả thải, xử lý của các ngành công nghiệp sẽ tăng dần, nếu không có biện pháp phát triển bền vững sẽ rất dễ rơi vào tình trạng khan hiếm tài nguyên.
Giải pháp được đưa ra là, với mỗi loại rác thải, ngành nghề cần có những biện pháp hay mô hình xử lý thích hợp. Theo chuyên gia Vũ Thanh Ca, trong lĩnh vực công nghiệp cần hình thành khu công nghiệp sinh thái ( KCNST) được hiểu là một "cộng đồng” các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích, hướng tới một hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường chất lượng cao, thông qua sự hợp tác trong việc quản lý các vấn đề về môi trường và nguồn tài nguyên. Bằng các hoạt động hợp tác chặt chẽ với nhau, "cộng đồng” KCNST sẽ đạt được một hiệu quả tổng thể lớn hơn nhiều so với tổng các hiệu quả mà từng doanh nghiệp hoạt động riêng lẻ gộp lại. Nó đảm bảo tăng cường hiệu quả của các hoạt động công nghiệp đồng thời cải thiện môi trường như: giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo, giảm thiểu các tác động xấu môi trường và các hệ sinh thái tự nhiên mà các dịch vụ hệ sinh thái của chúng có thể được sử dụng để phục vụ phát triển.
Việt Nam cần hình thành và đẩy mạnh hệ sinh thái nông nghiệp tăng khả năng chống chịu của nông dân và hệ thống sản xuất đối với biến đổi khí hậu, Ông Pascal Lienhard – chuyên gia viên quan hệ quốc tế chia sẻ.
Đối với ngành nông nghiệp hình thành khu công nghiệp sinh thái nông nghiệp (KCNSTNN) là giải pháp hữu hiệu. Bao gồm các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng nhiều năng lượng, nước và biomass để tạo ra các dòng lưu chuyển thuận lợi trong hệ sinh thái công nghiệp và các doanh nghiệp hỗ trợ nông nghiệp bền vững, giúp nhà nông và ngành nông nghiệp thực hiện một số mục tiêu cơ bản: Bảo tồn và duy trì các tập quán nông nghiệp truyền thống mang tính sinh thái; hỗ trợ chuyển đổi từ phương thức nông nghiệp cũ sang nông nghiệp sinh thái; Bảo tồn và giữ gìn quỹ đất nông nghiệp và hệ thống thủy lợi, hạn chế xuống cấp; Bảo vệ, đổi mới môi trường kinh tế và xã hội nông thôn.
Đi sâu vào vấn đề này, ông Pascal Lienhard – chuyên gia viên quan hệ quốc tế nghiên cứu về môi trường cho biết: "Các mô hình sản xuất nông nghiệp (nông lâm kết hợp cây trồng – vật nuôi, nông nghiệp bảo tồn…) là những giải pháp chính để thâm canh sản xuất nông nghiệp về lâu dài, hạn chế việc chuyển đổi rừng sang đất trồng trọt, hạn chế sử dụng đầu vào bên ngoài (phân bón, thuốc trừ sâu), phát thải KNK (khí nhà kính) từ nông nghiệp (đặc biệt từ lúa nước và từ các hệ thống chăn nuôi – thức ăn và đồng cỏ) góp phần làm tăng lượng carbon lưu trữ trong đất (nông nghiệp, đồng cỏ và rừng) tác động đến cân bằng phát thải KNK. Việc chuyển đổi cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực tự đổi mới của nông dân và tăng cường đa dạng sinh học nông nghiệp, nâng cao khả năng chống chịu của nông dân và hệ thống sản xuất đối với biến đổi khí hậu”.
Việt Nam đang nỗ lực phát triền kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển. Việt Nam đang trong quá trình điều chỉnh cơ chế chính sách theo hướng chú trọng tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển bền vữnnhằm ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.
Theo Hà Linh/ baovemoitruong.org.vn