Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 19/2, Mỹ đã chính thức tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, động thái cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực đưa nước Mỹ dẫn dắt nỗ lực của cộng đồng quốc tế ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Mỹ - quốc gia có lượng khí phát thải CO2 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đã chính thức rút khỏi hiệp định này vào tháng 11/2020 sau khi Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden kế nhiệm đã từng cam kết đảo ngược quyết định này và trong ngày nhậm chức 20/1 vừa qua đã ký một văn bản xác nhận Mỹ tham gia trở lại hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tổng thống Biden cũng cam kết đưa nội dung xử lý khủng hoảng khí hậu thành vấn đề ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
Ông cũng thông báo kế hoạch sẽ chủ trì một hội nghị cấp cao về khí hậu vào ngày 22/4 tới nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện cam kết quốc gia đầy tham vọng là giảm lượng khí thải gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu.
Ngay lập tức, Nhật Bản đã hoan nghênh việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nói rằng Tokyo muốn tăng cường các nỗ lực hợp tác để giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu.
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi nhấn mạnh việc Mỹ quay trở lại hiệp định là "tin tức tuyệt vời hướng tới việc thực hiện các mục tiêu (của hiệp định)."
Ông lưu ý rằng "việc không có sự hợp tác (với chính quyền của cựu Tổng thống Trump) như tổ chức các cuộc đàm phán hằng tháng khiến rất khó để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu."
Trong khi đó, tại một cuộc họp báo khác, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato tuyên bố Nhật Bản sẽ tập trung vào "nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến, thiết lập các quy tắc quốc tế và hợp tác hướng tới việc thực hiện trung hòa carbon trong các nước Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương."
Ông nói thêm Thủ tướng Suga Yoshihide đang có kế hoạch tham gia hội nghị cấp cao về khí hậu do Tổng thống Biden chủ trì.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015 yêu cầu các quốc gia trên thế giới kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cho đến nay, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn./.
Theo/ TTXVN/Vietnam+