QTTNN không còn mới đối với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam đây là nội dung mà nhiều nhà quản lý và thực thi chính sách tài nguyên nước đang hướng tới. Nếu thực hiện QTTNN tốt, chúng ta sẽ giải quyết được các khó khăn đang gặp phải và hỗ trợ tốt nhất để tổng lực thực hiện "mục tiêu kép” đem lại nhiều công ăn việc làm, tăng nguồn lực tài chính và đặc biệt là phát huy giá trị mà vốn dĩ các nguồn nước đang nắm giữ.
Ông Nguyễn Chí Nghĩa, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường dịp Xuân Tân Sửu xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Chí Nghĩa, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc cho biết: Đây là vấn đề không mới với quốc tế, nhưng mới với Việt Nam, với mong muốn cùng chung tay thực hiện "mục tiêu kép” của Chính phủ nên đây là lúc nêu ra để bàn luận, trao đổi và thực hiện.
PV: Thưa ông, trước hết xin ông cho biết đôi nét về tài nguyên nước ở nước ta hiện nay?
Ông Nguyễn Chí Nghĩa: Chúng ta chưa thực hiện kiểm kê tài nguyên nước, theo kết quả điều tra tài nguyên nước của Liên đoàn và con số thống kê các khu vực điều tra trong hệ thống cho thấy nước ta có 108 lưu vực sông, trong đó có 9 hệ thống sông lớn gồm: Hồng - Thái Bình, Bằng Giang, Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long. Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830-840 tỷ m3, trong đó chỉ có gần 40% tương đương 310-320 tỷ m3 nước nội địa còn lại đến từ nước ngoài.
Có khoảng trên 20 đơn vị chứa nước chính phân bố trên toàn quốc, các tầng chứa nước có trữ lượng lớn chủ yếu gặp ở hai đồng bằng lớn là Bắc Bộ và Nam Bộ. Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất được đánh giá khoảng 63 tỷ m3/năm. Nếu nhìn vào số liệu trên chúng ta khó thể ước tính Việt Nam nằm trong khu vực giàu hay nghèo nước.
Trên thế giới, tổng nguồn cung cấp nước thường xuyên trung bình trên đầu người là 7.400 m3, ở Việt Nam, nếu tính cả lượng nước từ bên ngoài chảy vào chúng ta có bình quân trên 9000m3, tuy nhiên lượng nước này hiện khó kiểm soát và trên thực tế đối với nguồn nước nội địa chúng ta chỉ có khoảng 4.000 m3/người, năm. Con số này cho thấy chúng ta phải sớm nâng cao năng lực để quản trị tốt tổng thể tài nguyên nước quốc gia. Vì vậy, hệ thống quản trị tài nguyên nước tiên tiến cần phải sớm được thiệt lập nhằm quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước.
PV: Thưa ông, với quan hệ quốc tế của mình về lĩnh vực, ông có thể chia sẻ thông tin về quản trị tài nguyên nước của các nước phát triển?
Ông Nguyễn Chí Nghĩa: Qua nghiên cứu và thực tế thăm, làm việc với một số đối tác quốc tế tôi thấy hầu hết các nước phát triển đều đã phát triển công nghiệp nước và mô hình quản trị tài nguyên nước của họ cũng đã được áp dụng rộng rãi, ở khu vực châu á thì mô hình quản trị tài nguyên nước của Nhật Bản và Hàn Quốc được đánh giá là tương đối phù hợp với Việt Nam. Cách của nhiều nước đang làm đó là sử dụng chính chuỗi giá trị dọc theo các dòng sông, các nguồn nước do quản trị tốt mang lại như là nguồn lực để phát triển các nguồn nước đó. Cách làm này vừa giảm phụ thuộc của lĩnh vực vào ngân sách nhà nước đến từ các nguồn khác mà còn đóng góp lớn cho phát triển kinh tế đất nước.
Đoàn đại biểu Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc tham dự Đại hội Đảng bộ TNNQG lần thứ III
Vấn đề ở đây là tại sao lại là quản trị tài nguyên nước? Như bạn thấy, ở hình thức quản lý nước thông thường, chủ thể quản lý đưa ra các quy định quản lý theo hướng tiếp cận từ trên xuống. Còn quản trị, người ta ban hành các quyết định theo hướng tiếp cận dựa trên nhu cầu từ dưới lên, kết hợp thực tiễn từ các nhóm địa phương hoặc theo lưu vực sông để từ đó ban hành thể chế áp dụng tương ứng, phù hợp. Theo hướng này thì đến một ngày chúng ta sẽ có Luật quản lý lưu vực sông Hồng – Thái Bình… chẳng hạn.
Bên cạnh đó, khi quản lý thông thường, chúng ta tập chung chủ yếu đến vận hành hệ thống chính sách trong lĩnh vực, trong khi thực tế cho thấy, nhiều chính sách bên ngoài ngành nước lại có ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực nước (ví dụ: chính sách nông nghiệp, thương mại và năng lượng). Tiếp cận theo hướng quản trị chúng ta sẽ khắc phục được các hạn chế này. Khi đó, việc đối thoại với các bên liên quan để có những điều chỉnh hệ thống thể chế chung cho phù hợp, hiệu quả hơn sẽ được thực hiện thường xuyên; các kênh chia sẻ thông tin tài nguyên nước theo chiều dọc và chiều ngang giữa các bên liên quan được nâng cấp giúp giải quyết thấu đáo các xung đột liên quan đến nước ở nhiều quy mô, cấp độ khác nhau; kế hoạch, tầm nhìn chung về tài nguyên nước cũng được xây dựng và vận hành có tính bao quát hơn, tạo hiệu quả cao hơn cho các bên liên quan.
PV: Theo ông khi có bàn tay của quản trị, các vấn đề về tài nguyên nước sẽ được giải quyết như thế nào và cách triển khai ra sao?
Ông Nguyễn Chí Nghĩa: Như trên tôi đã nói, các vấn đề, xung đột có liên quan hiện có sẽ dần được giải quyết khi thực hiện QTTNN. Có nhiều cách triển khai, tùy theo tiếp cận và mức độ quan tâm. Tôi nhận thấy chúng ta nên tiếp cận theo hướng ứng dụng công nghệ để chuyển biến các dữ liệu, số liệu đã có về dạng số, tiếp đến là xây dựng mô hình thí điểm cho một lưu vực sông liên tỉnh có quy mô vừa (dưới 10.000km2) sau đó đánh giá và áp dụng rộng rãi. Như vậy thì các lưu vực, hoặc một phần lưu vực sông như Vu Gia – Thu Bồn, lưu vực sông dọc các tỉnh trung Bộ và lưu vực sông Sê San – Srêpok ở Tây Nguyên có thể tổ chức thí điểm quản trị tài nguyên nước trước.
PV: Vậy những thuận lợi và khó khăn khi triển khai QTTNN là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Chí Nghĩa: Về thuận lợi, hầu hết các nhà quản lý và đại đa số hộ sử dụng nước hoặc có liên quan đến tài nguyên nước đều phần nào cảm nhận được các vấn đề đã và đang xảy ra có ảnh hưởng đến mình ở các cấp, mức độ khác nhau. Do vậy, khi thực hiện QTTNN, ví như một cuộc cải cách về quản lý thì chắc hẳn sẽ có sự đồng thuận cao, và đây chính là sự thuận lợi lớn nhất. Tiếp đến, chúng ta đã có kinh nghiệm, lý luận và thực tiễn hơn 20 năm quản lý tài nguyên nước (kể từ khi Luật tài nguyên nước 1998 ra đời), đây sẽ là hành trang quý để phát triển trình độ quản lý lên một mức cao hơn.
Về khó khăn, ở nước ta, mặc dù đã có sự phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành về quản lý tài nguyên nước, song còn nhiều đan xen. Ví dụ trong lập quy hoạch, rất cần phải có sự thống nhất, làm rõ và xuất phát từ nhu cầu để có sự phân bổ khoa học giữa các bộ ngành và địa phương.
Việc phối hợp không tốt giữa các ngành, địa phương ở nhiều thời điểm đã dẫn đến những xung đột trong khai thác sử dụng nước, làm gia tăng nguy cơ thiếu nước và ô nhiễm môi trường nước mặt. Các mâu thuẫn về lợi ích liên quan đến tài nguyên nước liên tục xảy ra như giữa chống lũ với phát điện với cấp nước; giữa tích nước thượng lưu và cấp nước cho hạ du, ...
Chính vì vậy, khó khăn lớn khi triển khai quản trị tài nguyên nước là vượt qua sự xung đột trong quản lý giữa các Bộ, ngành và địa phương.
PV: Về phía đơn vị sự nghiệp, theo ông cần triển khai những nội dung gì để tham mưu cho các cấp quản lý Nhà nước?
Ông Nguyễn Chí Nghĩa: Là đơn vị làm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước, chúng tôi đã xác định cần phải sớm cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực để thay đổi tư duy, hành động để tạo ra các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của ngành, lĩnh vực. Vì vậy, việc cơ bản các đơn vị sự nghiệp lĩnh vực tài nguyên nước cần làm là tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị cấp trên giao; chú trọng trong chuyển đổi số công tác quy hoạch và điều tra TNN; áp dụng công nghệ mới, tiên phong để nâng cao năng lực cung cấp thông tin điều tra, quy hoạch phục vụ quản lý tài nguyên nước cũng như từng bước cung cấp thông tin phục vụ QTTNN như đã nêu ở trên.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông và chúc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc luôn có sự đổi mới và thành công trong tương lai.
Nước đóng một vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, bao gồm cả xóa đói giảm nghèo. Tầm quan trọng của nước đối với xã hội, sức khỏe con người, phát triển kinh tế và hệ sinh thái đã được xác định. Nguồn nước hữu hạn, nhu cầu ngày một cao nên việc nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững là rất cần thiết. Quản trị tài nguyên nước là một hướng tốt mà nhiều nước đã thành công, do vậy chúng ta cần sớm tiếp cận, thực hiện.
Theo Thúy Hằng/ Báo Tài Nguyên & Môi Trường