Phương thức xử lý CTRSH chủ yếu vẫn là chôn lấp.
Những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc
Kết quả điều tra, khảo sát thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) năm 2019 của Bộ Tài nguyên & Môi trường cho thấy, mặc dù việc triển khai các giải pháp quản lý CTRSH đã đạt kết quả nhất định, tuy nhiên để có thể quản lý CTRSH đồng bộ, hiệu quả và an toàn, cần phải giải quyết nhiều vấn đề tồn tại, như: 1) Việc quản lý CTRSH chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu trong sinh hoạt; 2) Việc triển khai thực hiện các quy hoạch CTR gặp nhiều khó khăn do các quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tế, một số quy định về khoảng cách an toàn môi trường từ khu xử lý chất thải đến khu dân cư không phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương; 3) Chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; các chương trình phân loại tại các địa phương còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hóa; cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ; 4) Hoạt động tái chế CTRSH còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi khu vực phi chính thức ở các làng nghề, gây ô nhiễm môi trường, còn thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp; 5) Phương thức xử lý CTRSH chủ yếu vẫn là chôn lấp, các bãi chôn lấp chủ yếu tồn tại từ lâu, tiêu tốn quỹ đất; tỷ lệ chất thải được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng còn thấp. Nhiều cơ sở xử lý CTRSH đã được xây dựng và vận hành nhưng chưa đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Nguyên nhân
Nhận thức, ý thức trách nhiệm về quản lý CTRSH của chính quyền, người dân và doanh nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu. Chính quyền ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm về quản lý CTRSH theo quy định. Nhận thức của người dân trong thu gom, phân loại CTRSH còn nhiều hạn chế. CTRSH chưa được coi là tài nguyên, chưa được phân loại, tận dụng phần có ích để tái chế. Nhiều nơi, người dân chưa tích cực tham gia vào các hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH, chưa đóng phí vệ sinh môi trường đầy đủ. Ý thức của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý CTRSH còn hạn chế, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển, xử lý.
Năng lực quản lý CTRSH của nhiều địa phương còn yếu kém. Cơ sở hạ tầng, nguồn kinh phí và nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý CTRSH. Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý ở nhiều nơi còn mang tính chất tự phát nên chưa thúc đẩy được tính chuyên nghiệp của các tổ dịch vụ, hợp tác xã, công ty dịch vụ môi trường. Việc thực thi các quy hoạch quản lý CTRSH còn yếu kém, đặc biệt là các quy hoạch cấp vùng, lưu vực sông. Hầu hết công nghệ lò đốt CTR nhập khẩu không phù hợp với thực tế CTR ở Việt Nam do chất thải chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của CTRSH thấp, độ ẩm không khí cao, thiết bị xử lý bụi, khí thải đi kèm không đảm bảo.
Việc huy động các nguồn lực cho quản lý CTRSH còn hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ban hành giá, phí vệ sinh chưa theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền”, mức phí thu gom CTRSH từ các hộ gia đình còn quá thấp so với chi phí quản lý CTRSH. Việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp ngoài Nhà nước để đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý CTRSH còn gặp nhiều khó khăn. Giá thành xử lý của cùng một công nghệ xử lý được áp dụng tại các địa phương khác nhau nên không khuyến khích việc đầu tư, nhân rộng các mô hình tốt.
Hệ thống chính sách, các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý CTRSH còn chưa hoàn thiện. Hiện nay còn thiếu các hướng dẫn lựa chọn công nghệ, thiếu hướng dẫn kỹ thuật phù hợp về thu gom, lưu giữ, xử lý CTRSH; thiếu các quy định bắt buộc về phân loại rác thải tại nguồn; thiếu chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong quản lý CTRSH; các địa phương còn gặp khó khăn trong việc lựa chọn mô hình công nghệ xử lý phù hợp dẫn đến việc lúng túng trong lựa chọn chủ đầu tư. Chưa thống nhất trong một số quy định về khoảng cách an toàn môi trường của cơ sở xử lý CTRSH, dẫn đến việc lúng túng và gặp khó khăn do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân trong lựa chọn vị trí xây dựng cơ sở xử lý CTRSH (bãi chôn lấp) tại các địa phương. Việc bổ sung các nhà máy đốt rác phát điện vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia gặp khó khăn; chưa có văn bản hướng dẫn về các công trình cần điều chỉnh vào quy hoạch điện lực theo quy định của Luật Quy hoạch, nên tiến độ triển khai các dự án điện rác chậm so với kế hoạch và yêu cầu thực tiễn.
Còn nhiều bất cập trong tổ chức bộ máy về quản lý CTRSH. Việc giao thoa, chồng chéo về chức năng quản lý Nhà nước tại Trung ương trong lĩnh vực CTRSH đã gây khó khăn trong công tác quản lý. Hơn nữa, việc không thống nhất đối với các cơ quan chuyên môn giúp việc UBND cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý CTRSH ở địa phương cũng làm cho công tác quản lý không thống nhất, bất cập.
Trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý CTRSH. Phân công chức năng nhiệm vụ về quản lý CTR tại địa phương còn chưa rõ ràng, công tác phối hợp thực hiện quản lý Nhà nước về quản lý CTR giữa Sở Xây dựng, Sở Y tế và Sở Tài nguyên & Môi trường, các cơ quan có liên quan khác đôi lúc còn chưa chặt chẽ và kịp thời. Công tác lập và thực hiện quy hoạch về CTR một số tỉnh, thành phố chưa hợp lý, chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; một số quy hoạch đã lập từ lâu, lạc hậu so với tình hình thực tế nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời. Quy định về phí xử lý CTR của nhiều địa phương còn thấp, không đủ chi phí cho công tác xử lý CTR, chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả thực hiện các quy định trong việc quản lý CTR của tỉnh chưa cao, nên các địa phương vẫn đang thụ động trong việc quản lý, xử lý. Công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý CTR mặc dù đã được quan tâm để triển khai thường xuyên nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm về quản lý CTR tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là tình trạng lưu giữ, chuyển giao CTR chưa đúng quy định, đặc biệt tại các cơ sở công ích.
Theo Công Nghiệp Môi Trường