Christina Ripken, nghiên cứu sinh và là tác giả chính của bài báo cho biết: "Dù có rất nhiều nghiên cứu về các mảnh nhựa lớn hơn trong đại dương nhưng các mảnh nhỏ hơn, có kích thước dưới 5mm vẫn chưa được chú ý, vì vậy điều quan trọng là xác định xem chúng có hiện diện hay không và tác động của chúng đối với sinh vật sống."
Okinawa là một nơi thú vị để thực hiện nghiên cứu này. Là một hòn đảo nhỏ, có khí hậu cận nhiệt đới ở miền nam Nhật Bản, bao quanh nơi đây là các rạn san hô viền bờ, đồng nghĩa với việc đại dương xung quanh các bãi biển phụ thuộc vào nước mặt và gió. Okinawa cũng được coi là một "vùng xanh" nơi người dân có tuổi thọ rất cao. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng điều quan trọng là phải theo dõi ô nhiễm đại dương vì nó có thể ảnh hưởng xấu đến những cư dân này.
Christina tiến hành lấy mẫu vào tháng 9/2018. Họ đã chọn 6 địa điểm gần bờ biển của hòn đảo. Để xem xét một loạt các khu vực khác nhau, hai địa điểm trong số này nằm ở phía nam hòn đảo, hai địa điểm khác ở quanh khu trung tâm và hai địa điểm ở phía bắc. Tại Naha, thủ phủ của tỉnh Okinawa, các mẫu được lấy cạnh cảng công nghiệp và sân bay. Dân số của Naha khoảng hơn 300.000 người, chiếm 1/4 dân số hòn đảo. Ngược lại, vùng Cape Hedo ở cực bắc hòn đảo có dân số rất thấp và ít đô thị hóa hơn đáng kể.
Tại mỗi khu vực, vùng nước mặt được chọn kéo dài khoảng 1 km để lọc ra khoảng 800 lít nước và các hạt nhỏ. Các hạt này sau đó được mang đến phân tích ở phòng thí nghiệm tại OIST.
Christina và TS. Domna Kotsifaki, một nhân viên khoa học thuộc bộ phận này, đã kết hợp hai phương pháp - kỹ thuật nhíp quang học và kỹ thuật Raman vi mô - để cung cấp cách phân tích vi hạt mới. Kỹ thuật nhíp quang học sử dụng tia laser để giữ hạt trong chất lỏng, trong khi kỹ thuật Raman vi mô xác định dấu vân tay phân tử duy nhất của mỗi hạt. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu nhìn thấy chính xác những gì hiện diện trong mẫu, dù là vật liệu hữu cơ, vết kim loại hay các loại nhựa khác nhau như polyethylene hoặc polystyrene.
"Phương pháp này khiến nghiên cứu của chúng tôi khác biệt với những nghiên cứu đã có về vi nhựa biển", TS. Kotsifaki cho biết. "Chúng tôi không cần phải lọc nhựa ra trước, vì vậy chúng tôi có thể xem liệu nhựa có dính trong vật liệu hữu cơ hay không, có vết kim loại hay không và mật độ nhựa trong nước biển được lấy mẫu”. Như dự đoán, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy vùng nước phía nam hòn đảo có nhiều nhựa hơn phía bắc. Điều ngạc nhiên là họ phát hiện ra rằng mối tương quan của nhựa với khu vực con người đang sinh sống nhiều hơn là với khu vực công nghiệp. Nhìn chung, các nhà khoa học đã tìm thấy nhựa trong tất cả các mẫu.
Hơn 75% nhựa trong các mẫu là polyetylen. Theo giả thuyết của các nhà nghiên cứu, chúng có thể đến từ ngư cụ hỏng, nắp chai, đồ dùng gia đình, túi nhựa, hộp nhựa và bao bì. "Trong cộng đồng ngư dân, tại các cảng và bãi biển nơi tàu cá cập bến, công nhân sử dụng bao tải dệt từ polyme để chứa và vận chuyển các mặt hàng, bao gồm cá", Christina cho biết. "Đây là ví dụ việc các mảnh nhựa nhỏ có thể đi vào đại dương như thế nào".
Một con đường khác là nhựa đến từ bụi đường. Nghiên cứu gần đây cho thấy hàm lượng vi nhựa cao trong các mẫu bụi lấy từ các con đường ở khu vực đô thị hóa mạnh mẽ của Okinawa, nơi có lượng xe cộ qua lại đáng kể. "Chúng tôi tìm thấy nhiều nhựa quanh khu vực đô thị hóa mạnh ở phía nam hòn đảo hơn là trung tâm công nghiệp hóa hay vùng nông thôn phía bắc, nhưng chúng tôi tìm thấy nhựa ở khắp nơi", Christina cho biết. "Phương pháp này giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về sự phổ biến của vi nhựa xung quanh Okinawa, từ đó có thể đi đến phân tích rủi ro và chính sách ảnh hưởng. Chúng tôi hy vọng nó sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu môi trường".
Theo Thanh An/ Tia Sáng
Nguồn: https://phys.org/news/2020-12-method-reveals-small-microplastics-japan.html
https://www.newsbreak.com/news/2133379042389/novel-method-reveals-small-microplastics-throughout-japans-subtropical-ocean