1. Tổng quan về tình hình cấp nước tại địa phương:
Bến Tre là một trong 13 tỉnh thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có lượng mưa thuộc loại thấp vùng, nguồn nước chính cho sinh hoạt, sản xuất chủ yếu là các sông rạch, nước giồng cát, nước ngầm. Trữ lượng nước ngầm của tỉnh thấp và có chất lượng trung bình, phần lớn phân bố ở độ sâu trên 200m. Nguồn nước mặt dồi dào, nhưng do ở cuối nguồn, giáp biển nên bị nhiễm mặn vào các tháng mùa khô.
Các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh do nhiều đơn vị trực tiếp quản lý gồm: Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre và các đơn vị tư nhân. Hệ thống cấp nước chưa có tính liên kết giữa các tổ chức, nguồn nước thô chưa ổn định, chất lượng nước của các đơn vị chưa đồng đều.
Hiện Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre quản lý 05 công trình, tổng công suất khoảng 66.800 m3/ng.đ; Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre quản lý 35 công trình, tổng công suất khoảng 52.000 m3/ng.đ. Ngài ra còn có các nhà cung cấp tư nhân quản lý khoảng 27 công trình, tổng công suất khai thác khoảng 80.000 m3/ng.đ chủ yếu tập trung tại các trung tâm xã.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 64 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất khoảng 200.000 m3/ngày đêm, chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 61%.
2. Tình hình hạn mặn và thiệt hại của tỉnh Bến Tre vừa qua
Mùa khô năm 2019-2020, địa bàn tỉnh Bến Tre nước mặn xâm nhập sớm, diễn biến phức tạp, gay gắt, khốc liệt hơn năm 2016. Ngay từ giữa tháng 11/2019 mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chính đến đầu tháng 12/2019 mặn xâm nhập nhanh, rất sâu vào trong các sông chính, xâm nhập mặn bao phủ toàn tỉnh Bến Tre. So với trung bình nhiều năm, mặn xâm nhập sớm hơn khoảng 2 tháng. So với mùa khô năm 2015-2016, độ mặn cao nhất các trạm cao hơn đến 7‰, có những nơi độ mặn lên đến 15‰. Độ mặn cao trên 4‰ xâm nhập cách cửa sông đến 86 km, duy trì liên tục trên các sông chính của tỉnh từ tháng 12/2019 đến tháng 6/2020 làm cho nguồn nước trên sông Hàm Luông, sông Cửa Đại, sông Cổ Chiên không có nước ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương chở nước sinh hoạt hỗ trợ bà con tỉnh Bến Tre mùa hạn mặn
Mặc dù tỉnh Bến Tre đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn cao, khó lường và hết sức khốc liệt, chưa từng xảy ra trong lịch sử đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:
- Lĩnh vực trồng trọt: Hầu hết diện tích các loại cây trồng đều có ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất do hạn, mặn diễn biến gay gắt, xâm nhập sớm và sâu, độ mặn cao hơn năm 2016. Ước giá trị thiệt hại trên lĩnh vực trồng trọt trên 1.500 tỷ đồng.
- Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Tổng diện tích thiệt hại hơn 3.000 ha, ước tổng giá trị thiệt hại trên 200 tỷ đồng.
- Lĩnh vực cấp nước sinh hoạt: Trước tình hình xâm nhập mặn gay gắt và hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được khép kín, lượng nước ngọt dữ trữ trong dân có thể duy trì được khoảng từ 1-2 tháng dẫn đến nguồn cấp tại các nhà máy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều bị nhiễm mặn ở mức trên 4‰ gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân và nguồn nước phục vụ cho các bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, các khu công nghiệp ... thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất, thiết bị vệ sinh, đồ gia dụng hư hỏng phải thay thế gần như hoàn toàn.
- Lĩnh vực công nghiệp: Tình trạng nước cấp bị nhiễm mặn đã gây ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nổi bật ở một số khâu như: nước sinh hoạt cho công nhân, nước vệ sinh nhà xưởng, nước rửa trong khâu sản xuất. Nhất là, đối với một số nhà máy có yêu cầu sử dụng nước cao như sản xuất bia, thực phẩm, nồi hơi, nhuộm vải,… Ngành công nghiệp chế biến trong tỉnh đều sử dụng nước ngọt cho sản xuất, do đó hiện tượng xâm nhập mặn gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tỉnh, việc sử dụng nước nhiễm mặn sẽ làm suy giảm chất lượng sản phẩm, hư hỏng, giảm tuổi thọ các máy móc, thiết bị của doanh nghiệp, trong khi đó nếu sử dụng nước ngọt từ nơi khác vận chuyển đến thì chi phí tăng cao.
- Lĩnh vực thi công xây dựng, đô thị: Tình hình xâm nhập mặn gây ảnh hưởng làm chậm tiến độ triển khai một số công trình do hạn chế nguồn nước ngọt phục vụ thi công; các nguồn nước dự trữ để phục vụ cho cây xanh đô thị (chủ yếu là thành phố Bến Tre) cũng đã cạn kiệt.
Như vậy, tình hình thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra trong mùa khô năm 2019-2020 là rất lớn, tác động trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh và làm sụt giảm về mời gọi đầu tư, khách du lịch, các dịch vụ phục vụ đời sống Nhân dân… những thiệt hại này không thể tính hết được và ảnh hưởng lâu dài.
3. Khó khăn hạn chế
Đa phần các nhà máy nước lấy nguồn tại chỗ để xử lý, khi có hạn mặn sẽ bị động về nguồn nước thô, chất lượng nước qua xử lý chưa ổn định.
Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch còn thấp, hệ thống cấp nước một số địa bàn còn đan xen nhiều chủ đầu tư, chất lượng nước không đảm bảo, làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân cũng như thu hút đầu tư của tỉnh.
Một số dự án trọng điểm theo định hướng giao cho doanh nghiệp triển khai, quy mô dự án lớn trong khi vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, việc huy động vốn khó khăn. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước vẫn còn hạn chế; hoạt động chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh xả nước thải ra môi trường không qua xử lý, vứt rác xuống ao hồ, kênh rạch vẫn tiếp diễn.
Dự báo tình hình cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất tại Bến Tre sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức lớn:
- Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất. Biến đổi khí hậu kéo theo hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai, lượng mưa phân bố không đều trong năm, mùa khô kéo dài và mùa mưa lượng mưa tăng đột ngột, xâm nhập mặn, mực nước biển dâng cao. Nguồn nước bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
- Là vấn đề mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như cho các mục đích sử dụng, nhất là khi khép kín hệ thống thủy lợi, ví dụ như giữa tưới nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt, giữa nguồn tiếp nhận nước thải và nguồn cấp nước thô.
- Khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; thiếu nước còn do nhu cầu sử dụng tăng.
4. Đề xuất giải pháp
Dự báo tình hình xâm nhập mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn, diễn biến phức tạp và khốc liệt hơn trong những năm sắp tới, do lượng nước lũ về hàng năm ngày càng ít. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng dự báo hạn mặn sẽ tiếp tục xảy ra và mức độ ảnh hưởng sẽ không hề thua kém mùa khô năm 2019-2020 vừa qua. để ứng phó với tình hình dự báo trên, tỉnh đã đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất tuyên truyền người dân tiếp tục phát huy truyền thống sử dụng nước mặt và trữ nước mưa, sử dụng tiết kiệm nguồn nước và chủ động tích trữ nước trước khi bắt đầu mùa khô. Thực hiện các giải pháp tích trữ nước cục bộ ứng phó hạn mặn, trong đó các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học, trạm y tế, trụ sở UBND huyện, xã thực hiện bổ sung, nâng dung tích các bể chứa nước.
Thứ hai, giải pháp tạo nguồn trữ nước tại chỗ thông qua hệ thống các công trình thủy lợi. Do đặc thù của hệ thống cấp nước của tỉnh chủ yếu là khai thác từ nguồn nước mặt nên việc hoàn thành các công trình thủy lợi có ý nghĩa rất quan trọng, hiện tỉnh đã hoàn thành hồ chứa nước ngọt kênh Lấp (sức chứa khoảng 1 triệu m3) đang thực hiện dự án hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (sức chứa khoảng 2,3 triệu m3). Ngoài ra, theo dự kiến đến năm 2025, khi các dự án thủy lợi lớn của tỉnh hoàn thành, nhất là Dự án Quản lý nước Bến Tre (Jica3), góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp nước thô cho các nhà máy nước.
Thứ ba là, giải pháp tăng cường năng lực xử lý nước nhiễm mặn của các nhà máy cấp nước trên địa bàn tỉnh. Hiện tại trên địa bàn tỉnh, có rất ít nhà máy có trang bị công nghệ xử lý nước nhiễm mặn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chi phí xử lý nước nhiễm mặn rất cao, dẫn đến giá thành nước sạch vượt mức khung giá theo quy định. Đối với công nghệ xử lý nước nhiễm mặn, hiện nay phổ biến là công nghệ lọc RO, công nghệ này tốn khá nhiều năng lượng điện. Do đó, nếu có cơ chế giá phù hợp đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiết kiệm điện thì các đơn vị cấp nước hoàn toàn có thể đầu tư công nghệ xử lý nước nhiễm mặn, tạo sự chủ động trước diễn biến cực đoan của nguồn nước.
Cuối cùng, Bến Tre xác định việc cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ du lịch, y tế ... là bức xúc và hết sức cần thiết. Không có nước ngọt thì không thể kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch cũng như phục vụ sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân. Do ngồn nước mặt tại tỉnh nhiễm mặn và ô nhiễm ngày càng khốc liệt, rất khó khăn cho xử lý và giá thành cao. Do đó, việc xác định dẫn nước thô từ bên ngoài địa giới hành chính của tỉnh, từ vùng có nguồn nước ngọt, ít ô nhiễm về xử lý là giải pháp được chú trọng nhất trong các giải pháp cung cấp nước ngọt cho Bến Tre trước mắt cũng như lâu dài.
Sở Xây dựng Bến Tre
Nguồn: Tài liệu Hội thảo Giải pháp cấp nước vùng ĐBSCL,
tháng 12/2020 tại TP. Vĩnh Long)