Thực trạng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/12/2020 | 10:51:32 AM

QLMT - Cùng với sự gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đang gia tăng cả về khối lượng và chủng loại. Ở Việt Nam, công tác quản lý CTRSH còn nhiều bất cập như tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn còn chưa cao; CTRSH chưa được phân loại tại nguồn; tỷ lệ tái chế còn thấp; phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh… Những bất cập này đã trở thành vấn đề nổi cộm, bức xúc ở nhiều địa phương thời gian qua.

 
Nguồn phát sinh và thành phần chất thải rắn sinh hoạt

Các nguồn phát sinh CTRSH bao gồm: Hộ gia đình; Khu thương mại, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ…); Công sở (cơ quan, trường học, trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện…); Khu công cộng (nhà ga, bến tàu, bến xe, sân bay, công viên, khu vui chơi giải trí, đường phố…); Dịch vụ vệ sinh (quét đường, cắt tỉa cây xanh…); Các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất.

Thành phần CTRSH khác nhau tùy thuộc vào từng địa phương, điều kiện kinh tế và nhiều yếu tố khác.

Các loại chất thải rắn đặc trưng từ nguồn thải sinh hoạt




CTRSH của Việt Nam có đặc trưng là độ ẩm cao (dao động trong khoảng 65 - 95%), độ tro khoảng 25 - 30% (khối lượng khô), tổng hàm lượng chất rắn bay hơi (TVS - Total Volatile Solid) dao động trong khoảng 70 - 75% (khối lượng khô), nhiệt lượng thấp (dao động trong khoảng 900 - 1.100 Kcal/kg khối lượng ướt). Thành phần chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (thực phẩm thải) trong CTRSH của hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao hơn các thành phần khác và thành phần này đang thay đổi theo chiều hướng giảm dần. Từ năm 1995, thành phần chất thải thực phẩm chiếm tỷ lệ rất cao (80 - 96%) nhưng đến năm 2017 thành phần này giảm xuống còn khoảng 50 - 70%; điều này thể hiện sự thay đổi lối sống của cư dân đô thị là nhanh và tiện lợi.

Thành phần giấy và kim loại trong CTRSH thay đổi tùy thuộc vào nguồn phát sinh và có xu hướng tăng dần. Nhiều thành phần khó xử lý và khó tái chế như vải, da, cao su có tỉ lệ thấp, tuy nhiên các thành phần này đang có chiều hướng tăng qua các năm. Ngoài ra sự gia tăng chất thải nhựa trong thành phần CTRSH là một trong những vấn nạn đối với xử lý CTRSH của Việt Nam.

Số liệu thống kê thành phần CTRSH của Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2009 đến 2017 cho thấy thành phần thực phẩm của hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao hơn các thành phần khác và thành phần này đang thay đổi theo chiều hướng giảm dần từ 74,3% (năm 2009) xuống 59,2% (năm 2017). Trong khi đó thành phần nhựa tăng từ 5,5% trong năm 2009 lên 13,9% trong năm 2017, điều này phù hợp với xu hướng tăng tỷ lệ tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam từ 33 kg/năm (2010) lên 41 kg/năm (2015) vì sự tiện ích và giá thành rẻ của các sản phẩm nhựa.

Tỷ lệ chất thải nhựa trong các cơ sở xử lý CTRSH tại Thành phố Hồ Chí Minh

Hiện nay một số loại nhựa thải không được thu mua và tái chế do giá trị kinh tế thấp và điều này được thể hiện qua thành phần nhựa có tỷ lệ cao trong các bãi chôn lấp (16,0 - 16,4%) và nhà máy compost (13,7%).

(Nguồn: CENTEMA, 2015)

Thành phần chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình tại một số địa phương

(Đơn vị: % trọng lượng ướt)
 





(Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2015; APN, 2017b; Hoàng Minh Giang và cộng sự, 2017; CENTEMA, 2017; Ngân hàng Thế giới, 2018)

Thành phần chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, trường học, chợ, bãi chôn lấp

hợp vệ sinh và nhà máy chế biến compost tại Thành phố Hồ Chí Minh

(Đơn vị: % trọng lượng ướt)



Ghi chú: (-) không phát hiện

(Nguồn: Sở TNMT Thành phố Hồ Chí Minh, 2010; CENTEMA, 2015 & 2017)


Tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc năm 2019 là khoảng 64.658 tấn/ngày.

Khối lượng phát sinh

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc là khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2019, con số này là 64.658 tấn/ngày (khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày), tăng 46% so với năm 2010. Các địa phương có khối lượng CTRSH phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25% (trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phát sinh trên 6.000 tấn/ngày).

Khối lượng CTRSH tăng đáng kể ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao và du lịch như Thành phố Hồ Chí Minh (9.400 tấn/ ngày), thủ đô Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hoá (2.175 tấn/ngày), Hải Phòng (1.982 tấn/ngày), Bình Dương (2.661 tấn/ngày), Đồng Nai (1.885 tấn/ngày), Quảng Ninh (1.539 tấn/ngày), Đà Nẵng (1.080 tấn/ ngày) và Bình Thuận (1.486 tấn/ngày).

Khối lượng phát sinh, chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt bình quân trên đầu người của các địa phương (2010 - 2019)










   
Ghi chú: CTRSH bao gồm cả khu vực đô thị và vùng nông thôn (-) Thiếu số liệu thống kê.

(Nguồn: Bộ TNMT, 2012, 2015 & 2019a)

Khối lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị phụ thuộc vào quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa của đô thị và đang có xu thế ngày càng tăng. Tổng khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày (13.002.592 tấn/năm), chiếm 55% khối lượng CTRSH phát sinh của cả nước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có khối lượng phát sinh lớn nhất cả nước và kế đến là Hà Nội. Chỉ tính riêng 2 đô thị này, tổng lượng CTRSH đô thị phát sinh tới 12.000 tấn/ngày chiếm 33,6% tổng lượng CTRSH đô thị phát sinh trên cả nước. Khối lượng CTRSH phát sinh tại 5 đô thị đặc biệt/loại 1 là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ chiếm khoảng 40% tổng lượng CTRSH phát sinh từ tất cả các đô thị trong cả nước. Tại một số đô thị nhỏ (từ loại II trở xuống), mức độ gia tăng khối lượng CTRSH phát sinh không cao do mức sống thấp và tốc độ đô thị hóa không cao.

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị (theo vùng, 2019)



(Nguồn: Bộ TNMT, 2019a)


So sánh tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị giữa các vùng (2019)

(Nguồn: Bộ TNMT, 2019a)

Tính theo vùng phát triển KT-XH thì các đô thị vùng Đông Nam Bộ có lượng CTRSH phát sinh lớn nhất với 4.613.290 tấn/năm (chiếm 35% tổng lượng phát sinh CTRSH đô thị cả nước), tiếp đến là các đô thị vùng ĐBSH với lượng phát sinh CTRSH là 3.089.926 tấn/năm (chiếm 24%). Các đô thị vùng Tây Nguyên có lượng CTRSH phát sinh thấp nhất 542.098 tấn/năm (chiếm 4%).

Thành phần chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại Việt Nam



Ghi chú: (-) Không có số liệu

(Nguồn: Ngân hàng Thế giới, 2018)

CTRSH nông thôn phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, nhà kho, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính... CTRSH nông thôn chủ yếu bao gồm thành phần hữu cơ dễ phân hủy (thực phẩm thải, chất thải vườn) với độ ẩm thường trên 60%; tuy nhiên, chất hữu cơ khó phân hủy, chất vô cơ (chủ yếu là các loại phế thải thủy tinh, sành sứ, kim loại, giấy, nhựa, đồ điện gia dụng hỏng...) và đặc biệt là túi ni lông xuất hiện ngày càng nhiều. Hầu hết CTRSH không được phân loại tại nguồn; vì vậy, tỷ lệ thu hồi chất thải có khả năng tái chế và tái sử dụng như giấy vụn, kim loại, nhựa... còn thấp và chủ yếu là tự phát.Theo số liệu thống kê, khối lượng phát sinh CTRSH nông thôn hiện nay là 28.394 tấn/ngày (tương đương 10.363.868 tấn/năm). Vùng ĐBSH có lượng phát sinh CTRSH nông thôn lớn nhất với 2.784.494 tấn/ năm (chiếm 27%); tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và DHMT với 2.690.517 tấn/năm (chiếm 26%); vùng ĐBSCL phát sinh 2.135.925 tấn/năm (chiếm 21%); vùng Tây Nguyên có lượng phát sinh nhỏ nhất, chỉ 526.586 tấn/năm (chiếm 5%).

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn (theo vùng, 2019)



(Nguồn: Bộ TNMT, 2019a)


So sánh tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn giữa các vùng (2019)

(Nguồn: Bộ TNMT, 2019a)

Chỉ số phát sinh CTRSH đô thị bình quân trên đầu người tại vùng TDMNPB là cao nhất với 1,20 kg/người/ngày; tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và DHMT với 1,17 kg/người/ngày; thấp nhất là vùng ĐBSCL với 0,82 kg/người/ngày.

Đối với chỉ số phát sinh CTRSH nông thôn thì vùng ĐBSH là cao nhất với 0,52 kg/người/ngày, tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và DHMT với 0,51 kg/người/ngày; thấp nhất là vùng TDMNPB với 0,29 kg/người/ngày.

Chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị và nông thôn (theo vùng, 2019)




 
(Nguồn: Bộ TNMT, 2019a)


Chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt bình quân trên đầu người tại khu vực đô thị và nông thôn

(Nguồn: Bộ TNMT, 2019a)

Tổng hợp từ Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019


Theo Công Nghiệp Môi Trường

Tags Việt Nam chất thải rắn sinh hoạt phân loại rác tại nguồn công tác quản lý CTRSH

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục