Tiếng kêu cứu của chim trời Cát Bà: Nỗi đau ai thấu?

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/12/2020 | 4:29:24 PM

QLMT - Theo tiết lộ của người dân chuyên đi bẫy bắt chim di cư ở đảo Cát Bà, muốn tồn tại được với nghề "tận diệt" chim trời, họ phải có "quan hệ" với kiểm lâm và phải biết cách "tránh gây chú ý"...


Thiết bị loa phát ra tiếng chim hót ầm ĩ như xé toang màn đêm được đặt ở khắp nơi trên đảo Cát Bà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bài 2: Hành trình xuyên đêm thâm nhập vào "lãnh địa tận diệt chim trời”

Từ những tiết lộ gây sốc của "ông trùm” chuyên thu mua, buôn bán chim hoang dã trên khắp huyện đảo Cát Hải (thành phố Hải Phòng) về "đường bay” của chim di cư từ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà tới bàn nhậu, những ngày giữa tháng 11/2020, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã thâm nhập vào thực tế tại vùng "lãnh địa bẫy bắt chim trời” ở các xã vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Bà.

Tại đây, người viết đã chứng kiến cảnh hàng trăm chiếc bẫy lưới bắt chim trời được giăng trắng trên khắp các khu vực đảo. Đằng sau đó là cả những "câu chuyện quan hệ” dính líu đến lực lượng kiểm lâm và "nồi cơm chung” của vùng...

Lạc vào "ma trận” loa, bẫy lưới tàng hình

Hành trình thâm nhập thực tế vào "lãnh địa bẫy bắt chim trời” của chúng tôi bắt đầu từ lúc 2 giờ 30 sáng, khi Mặt trời còn ẩn sau những khối mây đen khổng lồ.

Để đi đến "điểm nóng,” chúng tôi chọn phương án di chuyển bằng xe ôtô nhằm thuận tiện cho việc tìm hiểu. Địa điểm mà chúng tôi lựa chọn vẫn là xã Xuân Đám - một trong số những xã vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Bà, đây cũng là khu vực xuất hiện nhiều bẫy lưới bắt chim và tiếng loa "nhái” tiếng chim ầm ĩ nhất vùng.

Ngay sau khi xe vừa lăn bánh khỏi khách sạn nằm giữa lòng thị trấn Cát Bà khoảng 1 kilômét, chúng tôi đã nghe rõ "bản đồng ca” của những loài chim kêu như xé toang màn đêm. Nếu chỉ thoạt nghe qua, nhiều người sẽ nghĩ rằng đó là những âm thanh yên bình của sự sống, những tiếng "nhạc” của thiên nhiên…

Nhưng tiếc thay, âm thanh đó lại phát ra từ hàng chục chiếc loa nhằm đánh lừa những chú chim sa vào bẫy, như chính cái cách mà thứ âm thanh ấy đã đánh lừa chúng tôi khi mới đặt chân tới vùng đảo này.


Cứ thế, quanh các vùng đảo rộng lớn đã được găng trắng bẫy tàng hình lưới cước (mỗi chiếc bẫy lưới có chiều dài khoảng 100-200m, chiều cao 3-4m căng lên các chiếc sào tre, dựng đứng trên khắp các cánh đồng, ven rừng và dọc bờ biển), từng chú chim đang tự do bay lượn trên bầu trời, với niềm hy vọng tìm được nơi trú ngụ ấm áp trước khi giá rét kịp kéo đến sẽ bị những "tiếng gọi bầy đàn” kéo xuống.

Chỉ cần bất cẩn lao đến những bẫy lưới lớn nhỏ, lập tức những chú chim đáng thương sẽ bị mắc lại, càng vùng vẫy cố thoát ra, những mắt lưới tàng hình lại càng thắt chặt. Để rồi, 1 con, 2 con rồi cả trăm chú chim dính bẫy…

Hé lộ mối quan hệ tiếp tay, mờ mắt vì lợi nhuận

Để tiện cho việc ghi lại hoạt động bẫy bắt chim trời, cũng như "chiêu trò” mà những người đi bẫy lưới thường đối phó với lực lượng chức năng, thông qua mối quen biết, chúng tôi đã tiếp cận người đàn ông tên Thuấn - đang sử dụng hơn 30 bẫy lưới tàng hình để bắt chim hoang dã, chim di cư ở trên địa bàn xã Xuân Đám.

Qua vài câu chuyện xã giao và ngỏ ý cần mua chim tự nhiên đưa về Hà Nội làm mồi nhậu cho "bữa đại tiệc,” chúng tôi được ông Thuấn cho theo chân đi "thu chiến lợi phẩm” là những chú chim dẽ, lele đang mắc trên những bẫy lưới tàng hình.

Trong quãng thời gian hơn 2 giờ "tận mục sở thị,” người viết đã được ông Thuấn tiết lộ về "mối quan hệ” dính líu đến cán bộ kiểm lâm, cũng như "nồi cơm chung” của vùng khi lợi nhuận thu được từ việc bẫy chim lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ông Thuấn kể rằng để có thể làm được cái nghề bẫy lưới này, trước tiên là phải có quan hệ với kiểm lâm. "Như nhà tôi, nhờ có người quen làm ở kiểm lâm nên cứ lúc nào đoàn đi kiểm tra lại được báo trước để dỡ bẫy lưới xuống,” ông Thuấn chia sẻ.

Bên cạnh "mối quan hệ tiếp tay,” ông Thuấn cũng khẳng định hoạt động bẫy bắt chim hoang dã trên địa bàn là "không có gì phải lo” bởi "nếu họ phát hiện, thu đốt bẫy lưới thì chúng tôi lại mua bẫy lưới mới, xong mọi chuyện cũng đâu vào đấy.”


Bẫy lưới tàng hình săn bắt chim được giăng trắng khắp xã Cát Hải, thị trấn Cát Bà. (Ảnh:PV/Vietnam+)

Theo ông Thuấn, thông thường một chiếc bẫy lưới tàng hình dài 100m, có giá 1,2 triệu đồng. Một chiếc lưới như vậy sẽ sử dụng được 2 năm. Hơn nữa, trên mạng cũng rao bán rất nhiều, chỉ cần alo sẽ có người mang "hàng” đến bàn giao tận nơi.

"Trong khi đó, một con chim có giá 60.000-80.000 đồng, mỗi đêm người đi bẫy bắt chim cũng thu được tiền triệu. Có nhà, mỗi mùa chim di cư thu được 200-300 triệu đồng. Như tôi, trung bình mỗi đêm kiếm được 1 triệu đồng, tính ra cả mùa chim cũng thu được gần trăm triệu,” ông Thuấn chia sẻ và nói rằng "thế nên cứ cho đốt thoải mãi.”

Với những con số vô cùng hấp dẫn trên, nghề bẫy bắt chim trời ở Cát Bà đã thu hút đông đảo người dân tham gia vào hành vi săn bắt, buôn bán chim trái pháp luật.

Theo ông Thuấn, chỉ riêng một khu làng ở trung tâm xã Xuân Đám - nơi ông đang sinh sống, hiện nay có gần 40 hộ dân làm nghề đi bẫy bắt chim. "Con số này đã giảm đi nhiều, chứ trước đây cả làng tôi làm nghề bẫy chim,” ông Thuấn nói thêm.

Cứ thế, sau một đêm đi bẫy bắt, từng bao lưới đựng đầy chim lại được người dân bán cho "ông trùm” tên Viễn - đầu mối thu mua chính. Ngoài ra, một số người còn mang ra đường bán trực tiếp cho khách du lịch, hoặc đăng trên mạng xã hội như facebook với giá bán giao động từ 50.000-190.000 đồng, tùy từng loại chim.


Chim trời sau khi dính lưới được ông Thuấn vặt lông, bẻ cánh ngay tại chỗ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cá biệt có một số loài chim như sâm cầm được bán với giá trên dưới 1 triệu đồng/con. Dù bị cấm, nhưng những cá thể chim này bằng nhiều cách khác nhau vẫn được con buôn đưa tới các nhà hàng để "hóa kiếp” thành món ăn trên bàn nhậu.

Điều đáng nói là, với ông Thuấn hay hầu hết những người dân ở xã Xuấn Đám mà chúng tôi tiếp cận hỏi chuyện, họ đều khẳng định biết rõ từng loại chim, loại nào bị cấm, loại nào không, nhưng tất cả dường như vẫn cố tình đi bẫy bắt, vi phạm.

Và cũng vì hiểu luật, nắm rõ "cơ chế” hoạt động nên mỗi sáng mai - khi đã thu "chiến lợi phẩm,” ông Thuấn và người dân đi bẫy bắt chim trời lại nhanh chóng dỡ toàn bộ bẫy lưới đã giăng lên từ chiều hôm trước. Đó cũng là cách để tránh gây sự chú ý của chính quyền, lực lượng chức năng và cả người đi đường../.

Sau nhiều ngày hóa trang thâm nhập thực tế, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có buổi làm việc với người đứng đầu Hạt Kiểm lâm khu vực Cát Hải, Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng. Tại đây, một lần nữa, những khoảng tối "có vấn đề” trong công tác kiểm tra, quản lý, bảo vệ "chim trời,” chim hoang dã di cư ở trên quần đảo Cát Bà lại được hé lộ…

Mời độc giả đón đọc Bài 3: Vấn nạn ‘tận diệt chim trời’: Dẹp bỏ chỉ như bắt cóc bỏ đĩa?


Sau một buổi tối đặt bẫy, hàng trắm cá thể chim đã bị người dân Cát Bà bắt đưa về làm thịt. (Ảnh: PV/Vietnam+)
 

Theo Mai Mạnh - Trang Hà (Vietnam+)

Tags Cát Bà chim trời chim di cư tận diệt chim di cư

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục