Ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/11/2020 | 10:33:50 AM

QLMT - Đại diện Sở TN-MT cho biết, hầu hết các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN), Khu Công nghệ cao và cụm công nghiệp trên địa bàn TPHCM đã hoàn tất và đưa vào vận hành ổn định hệ thống xử lý nước thải tập trung. Riêng về chất thải rắn công nghiệp, sinh hoạt và nguy hại cũng đang được giám sát chặt chẽ.


Khu xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh). 
Chồng chéo kết quả kiểm tra vi phạm môi trường

Theo Sở TN-MT TPHCM, công tác hậu kiểm hoạt động chuyển giao và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất của 1.200 doanh nghiệp đang hoạt động tại 17 KCX-KCN, Khu Công nghệ cao và 2/6 cụm công nghiệp đang hoạt động (Lê Minh Xuân và Nhị Xuân) diễn biến khá phức tạp. Tính đến nay, cơ bản chủ đầu tư hạ tầng các nơi này đã hoàn tất việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các họng xả, đồng thời kết nối dữ liệu quan trắc với sở. Chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, sinh hoạt cũng được các doanh nghiệp chuyển giao cho đơn vị chức năng thu gom, xử lý. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp cố tình xả thải vượt chuẩn hoặc không tuân thủ quy định chuyển giao, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại. Ông Nguyễn Thanh Trực, Phó Trưởng ban quản lý KCX-KCN (Hepza), cho biết trong năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện 19 trường hợp doanh nghiệp chuyển giao chất thải không đúng quy định dù vẫn có hợp đồng chuyển giao chất thải với đơn vị có chức năng thu gom. 

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Đoàn Văn Vui, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường Công an TPHCM, cho biết thêm đang có sự bất nhất trong kết quả quan trắc chất lượng môi trường giữa doanh nghiệp với cơ quan chức năng. Có trường hợp cảnh sát môi trường phát hiện doanh nghiệp xả thải vượt chuẩn vài chục lần nhưng kết quả báo cáo của Sở TN-MT thì lại đạt tiêu chuẩn môi trường.

Ở góc độ địa phương, đại diện UBND quận Bình Tân cho biết trên địa bàn quận có 3 KCN là Lê Minh Xuân 1, 2 và Tân Tạo. Ngoài ra, có hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất xen cài trong khu dân cư. Tình trạng vi phạm môi trường trên địa bàn diễn biến khá phức tạp. UBND quận cũng tiếp nhận rất nhiều đơn thư phản ánh của người dân. Vừa qua, KCN Tân Tạo xử phạt trường hợp nặng nhất là trên 2 tỷ đồng.

Tháo nút thắt trong quản lý

Liên quan đến tình trạng vi phạm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, đại diện nhiều cơ quan chức năng cho rằng đang có những kẽ hở trong hoạt động quản lý và xử phạt hành vi vi phạm môi trường. Ông Đoàn Văn Vui khẳng định, trước tiên là sự bất cập trong công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Đơn cử, cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra đột xuất một số doanh nghiệp có khả năng vi phạm môi trường nhưng các quận huyện không phối hợp, hoặc phối hợp nhưng lại yêu cầu phải có kế hoạch trước. Như vậy, sẽ không thể thực hiện kiểm tra đột xuất cũng như phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm môi trường của doanh nghiệp. Còn quận huyện quản lý địa bàn, nắm sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhưng không có thẩm quyền xử phạt doanh nghiệp vi phạm, mà phải phối hợp với các đơn vị có thẩm quyền cao hơn là Thanh tra Sở TN-MT hoặc Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường để kiểm tra và xử phạt. 

Riêng Hepza, ông Nguyễn Thanh Trực cho biết thêm, việc cưỡng chế thực hiện các quyết định vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa có hướng dẫn chi tiết. Một số trường hợp vi phạm nhưng chây ỳ không chịu nộp phạt, nhưng thiếu biện pháp cưỡng chế hiệu quả. Mặt khác, kinh phí sự nghiệp môi trường phụ thuộc vào tiến độ giải quyết của Sở TN-MT. Và thông thường tiến độ giải ngân nguồn kinh phí này rất chậm trễ, dẫn đến tình trạng trong quá trình giải quyết khiếu nại của người dân và các doanh nghiệp trong khu, ban quản lý không có kinh phí để đo đạc, lấy mẫu đối với các trường hợp có phát sinh khí thải, nước thải. 

Trên thực tế, tình trạng vi phạm môi trường vẫn còn và gia tăng theo mỗi năm. Cụ thể, năm 2016 là 6 trường hợp. Đến năm 2017, số doanh nghiệp vi phạm bị phát hiện và xử lý là 9 trường hợp. Riêng trong năm 2018, Sở TN-MT đã quyết định xử phạt 23 doanh nghiệp với số tiền phạt hơn 3,8 tỷ đồng. Thêm nữa, nguồn thải ô nhiễm từ khí thải lại có chiều hướng gia tăng. Hành vi vi phạm môi trường phổ biến của doanh nghiệp là chuyển giao xử lý chất thải không đúng quy định, xả bụi thải, khí thải vượt quy chuẩn, không vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, nước thải xử lý cục bộ không đạt chuẩn nhưng lại cho thải vào hệ thống, gây khó cho chủ đầu tư hạ tầng… 

Để cải thiện tình trạng vi phạm môi trường, cần thiết phải điều chỉnh quy định quản lý môi trường đang còn bất cập. Cụ thể, sớm có thông tư quy định về quản lý chất thải rắn thông thường, tái sử dụng các loại chất thải phát sinh. Ban hành quy định hướng dẫn việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường cho những doanh nghiệp đi vào hoạt động trước năm 2015. Đặc biệt, Thông tư 36/2015 của Bộ TN-MT (về quản lý chất thải nguy hại) quy định bùn thải một số ngành mặc định là chất thải nguy hại mà không cần xác định hàm lượng chất thải nguy hại có vượt chuẩn hay không. Trên cơ sở đó, buộc các doanh nghiệp chuyển giao xử lý như là chất thải nguy hại. Nội dung này được xác định là trái với Nghị định 38/2015/NĐ-CP, quy định về thoát nước đô thị và khu công nghiệp là quản lý chất thải nguy hại phải theo ngưỡng nguy hại. Điều này đã và đang gây thiệt hại kinh tế cho nhiều doanh nghiệp.

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhận định so với tổng số 1.200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố, thì kinh phí sự nghiệp môi trường dành cho Hepza chỉ ở mức trên 2 tỷ đồng/năm và nhân sự quản lý chỉ có hơn 10 người là quá ít. Cần thiết phải gia tăng kinh phí và nhân lực cho hoạt động quản lý môi trường. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động xử lý chất thải của doanh nghiệp, để tránh tình trạng doanh nghiệp thường xuyên lén lút thải bỏ chất thải vào môi trường, nhất là vào ban đêm. Thanh tra Sở TN-MT đề nghị sớm có biện pháp chế tài bằng cách phong tỏa tài khoản những doanh nghiệp vi phạm môi trường nhưng chây ỳ không nộp phạt. 


Hoàng Lan/Sài Gòn Giải Phóng

Tags ô nhiễm môi trường sản xuất sở tài nguyên môi trường TP.HCM

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục