Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/11/2020 | 12:03:56 PM

QLMT - PV Dân Việt đã nhiều ngày lần mò trong các rừng nghiến khổng lồ, để mắt thấy tay sờ vào những thân nghiến đổ gục, gỗ nghiến được "phù phép" để tuồn ra khỏi rừng.

LTS: Vì sao thiên nhiên nổi giận và tàn sát bao nhiêu con người vô tội của chúng ta trong đợt lũ lụt, lở đất hiện nay ở miền Trung? Nhân tai hay thiên tai? Nhìn rộng ra, rừng - tấm lá chắn bảo vệ sự sống của chúng ta - đang bị tàn sát ra sao?

Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã đến "gặp" những cụ nghiến khổng lồ đã kiên gan và quật cường bám các bộ rễ như đàn mãng xà của mình, gặn chắt từng li từng tí nhựa sống trên núi đá khắc nghiệt, để trụ lại như báu vật cho thiên nhiên nước Việt. Miền núi phía Bắc Việt Nam, từ Thái Nguyên, Bắc Kạn, lên Cao Bằng, sang Tuyên Quang, Hà Giang, vốn là vựa nghiến mênh mông.

Vậy nhưng, dưới các chiêu bài khác nhau, khắp cả vùng rộng lớn, nghiến cổ thụ liên tục bị chặt không thương tiếc. "Con buôn", lấy hóa đơn mua gỗ "quay vòng" làm chiêu bài; để tiếp tục ngụy trang cho hành vi phá và mang gỗ nghiến ra khỏi rừng một cách "có giấy tờ".


Một gốc cây nghiến cổ thụ tại khu Bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (Tuyên Quang) bị cưa đổ. Ảnh chụp tháng 9/2020

Nhóm Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã xâm nhập điều tra, ngõ hầu tìm một câu trả lời tử tế trước khi quá muộn với các đợt "cắn trả" của thiên nhiên bị con người xử ác, khiến cuộc sống của chúng ta cùng… chìm vào thê lương.

Kỳ 1: Tận mục sở thị những cánh rừng bị tàn sát!

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2020 chúng tôi có mặt ở các xã Yên Hoa, Đà Vị khi mà cán bộ và bà con đang hoảng hồn vì ở một trạm kiểm lâm giáp với Bắc Mê của Hà Giang, nhiều đối tượng đã bủa vây, đe dọa, "giam chân" cán bộ suốt nhiều giờ, lực lượng công an phải tiến hành giải cứu.

Theo dấu "máu" rừng

Đường thông từ Mèo Vạc của Hà Giang sang Bảo Lâm của Cao Bằng, rồi Na Hang, Bắc Mê cứ như một giấc mơ của người du sơn du thủy, dẫu đường ổ voi đá hộc thì ô tô cũng đã đi được rồi. Song, cái "được" này là cơ sở để lâm tặc hành hoành tang thương, biến chúng thành các cung đường gỗ lậu tai tiếng.

Qua nhiều lần dắt mối, hò hẹn, cuối cùng nhóm PV hết sức bất ngờ có một người chủ động liên lạc đòi dẫn đường đi tìm sự thật. 


PV Dân Việt bên một khúc gỗ nghiến bị lâm tặc cưa để lấy thớt đem bán

Và chúng tôi đã đi theo anh ta, trong lòng không khỏi hoài nghi, song cũng đoan chắc một điều: dù anh ta có âm mưu gì trong việc tố cáo vụ phá rừng nghiến, thì anh ta vẫn phải dẫn mình đến chỗ rừng bị phá tan hoang thật sự. Thế anh ta mới đạt mục đích chứ. Dù anh ấy là mèo đen hay mèo trắng, thì con chuột phá rừng vẫn bị nhà báo ghi hình và tố cáo.

Sau gần một ngày đi rừng, thêm 1 ngày lái ô tô liên tục trước đó, chúng tôi đã có mặt trong vùng lõi của khu rừng quý hiếm của xã Yên Hoa, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Tất nhiên, không mấy bất ngờ, nửa ngày sau sự thật lòi ra: anh ta được thuê để dẫn chúng tôi đến cánh rừng đó để "chơi lại" các kiểm lâm kiểm soát rừng trên địa bàn. Với rừng đặc dụng, một cây gỗ nghiến bị chặt, đủ để khởi tố hình sự. Vụ phá rừng ở xã kế bên xã Yên Hoa năm trước, khi cụ nghiến đổ xuống, có người đã đi tù tới 12 năm.

Một cán bộ lâu năm công tác ở Na Hang thở dài: nhắc đến cái thuyết âm mưu "thậm chí cả việc chặt cây gỗ bìa rừng, chặt bỏ đó mà không lấy gỗ, chúng tôi điều tra, hóa ra có kẻ mâu thuẫn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với kiểm lâm viên và quyết định ngả gỗ để trả thù". 

Ai sẽ thương xót rừng, gã lâm tặc say rượu nói chí lý: chắc là chỉ rừng mới biết thương chính cụ ấy thôi, anh ạ.


Gỗ nghiến bị cưa làm thớt còn bỏ lại nhiều khúc ngổn ngang trong rừng


Nhiều cây nghiến bị cưa đổ chưa bị xẻ thành thớt đem bán

Còn chuyến tuần rừng bê bết bùn đất, tứa máu chân tay, bạc mặt leo núi đá từ 4 giờ sáng đến lưng lửng chiều của chúng tôi đã dẫn đến một sự thật chua xót: nếu không có các cánh rừng bị phá thế này, thì lấy đâu ra năm bảy cái thớt nghiến trên một xe tải bị bắt ở Lào Cai vừa rồi, một xe khác bị bắt ở Chương Mỹ, Hà Nội vừa rồi.

Người dẫn đường bí ẩn thuê nhà nghỉ cho nhà báo (chúng tôi trả tiền) một cách tuyệt đối bí mật. Anh ta bảo, sợ bị trả thù. Xe chúng tôi cũng phải ngụy trang bằng những cách không tiện kể ra đây. 

4 giờ sáng phải lên đường, xe trườn đi trong sương mờ đỉnh đèo rồi cấm đỗ dọc đường, một người phải lái xe về nhà nghỉ cất giấu. 


Cây gỗ nghiến bị hổng giữa nên lâm tặc bỏ lại. Ảnh chụp tháng 9/2020

Những thủ đoạn phá rừng thời 4.0

Anh ta đã đi khảo sát trước, nên rất thạo đường và đưa thẳng đến các chỗ rừng bị phá. Đi vài tiếng đồng hồ, bộ sưu tập ảnh các cây gỗ tươi rói vừa bị chặt đã nhiều lắm, có cả gỗ chò, cây cổ thụ đổ rạp, vết cưa mới toanh. Và chưa có chữ đánh dấu đã kiểm tra hay dấu búa gì đó biểu hiện là kiểm lâm hay chính quyền đã biết.

Các cây gỗ nghiến, thì có cây, vết cưa xẻ cũ, đường kính hơn 1m vòng gốc. Các cây mới cũng mênh mông bể Sở. Có cây, phần ngọn bị lâm tặc bỏ lại đã cả vòng tay người ôm, còn cái gốc của nó thì chu vi phải vài mét. Chúng tôi quay phim chụp ảnh kĩ, dùng cả la bàn để định vị "lâm phận" mà rừng bị tàn sát.


Những cây gỗ nghiến khổng lồ như thế này đã bị "lâm tặc" chặt phá rất nhiều trong các khu rừng đặc dụng

Sau khi tiếp nhận thông tin của PV Báo NTNN/Dân Việt, được biết cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành kiểm tra thực địa. Ngày 6/11 PV làm việc với ông Dương Văn Xy, Phó Chi cục trưởng Chỉ cục Kiểm lâm Tuyên Quang về nội dung thông tin sau kiểm tra.

Ông Xy đã giao cho ông Phạm Hồng Nhật, cán bộ Chi cục gửi thông tin cho phóng viên vì "chiều thứ 6 các phòng ban đi công tác hết". Vậy nhưng, đến ngày 10/11 PV liên hệ lại với ông Nhật khất "chậm ít bữa vì bận đi công tác".

Đến ngày 18/11 PV tiếp tục liên hệ ông Nhật cho biết: "Hôm nay mới đi công tác về, chiều anh mới làm được". Và đến ngày 23/11 PV vẫn chưa nhận được thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang.

Qua điều tra công phu trên nhiều địa bàn của chúng tôi, qua tiết lộ của lâm tặc và người dẫn đường hôm đó, đặc biệt là qua cán bộ lãnh đạo các xã, cán bộ lãnh đạo kiểm lâm sở tại, ai cũng thừa nhận một sự thật: những kẻ phá rừng bây giờ rất tinh vi. 

Họ không phải bao giờ cũng lao vào đẵn gỗ, cho trâu bò kéo ra (vì ở đó không có đường xe cơ giới hay xe cải tiến đi được) bán như xưa. Mà họ đẵn gỗ lớn, bỏ nó trong rừng cho có vẻ rêu mốc, cũ kĩ, rồi vào rừng mang về theo kiểu: chả biết đứa nào đẵn đổ, ta mót lấy ít gỗ mục về nấu bánh chưng.

Tại Na Hang, theo điều tra của chúng tôi, kiểm lâm cũng xác nhận sự thật: lâm tặc dùng cưa máy có chức năng giảm thanh, bằng cách dẫn ống xả của cưa vào một chậu nước, xô nước hay dòng suối lẫm chẫm chảy. 

Tiếng cưa như bị bịt mồm bịt mũi, sùng sục một tí là đổ cây nghiến khổng lồ.

Họ xẻ lấy các thớ gỗ, khúc gỗ làm nhà, làm thớt được. Số còn lại, có khi đường kính cả một hai mét tròn xoe, chỉ vì tí rỗng ruột xiu xíu, họ bỏ lại tất cho rừng già. Ít lâu sau, kẻ mót gỗ đi qua lấy nốt, vài kẻ đào nốt gốc rễ của cụ nghiến mang đi. Kiểm lâm hay cán bộ cơ sở sợ mang tiếng, sợ bị quy trách nhiệm, họ đi qua và rấp cây lá che khuất cái hố, cái gốc đi là xong.

Có khi, như ở Na Hang, từng xảy ra tình trạng lâm tặc đốt nốt gốc nghiến. Phi tang 100% tất tần tật các dấu tích về một bảo tàng sinh thái nghìn năm tuổi từng có ở đó, từng bị giết chết và giờ thì biến mất đến cả miếng lá hay cọng rễ cuối cùng. Biến mất cả tro than của cụ.


Gỗ và dấu tích phá rừng nghiến và các loài cổ thụ quý hiếm khác vẫn còn tươi nguyên, nhiều nơi chưa có dấu hiệu của việc cơ quan chức năng đã đến "chứng kiến và ghi nhận". Ảnh do PV Dân Việt chụp cuối tháng 9 năm 2020.

Những người liên quan ai cũng có lợi, chẳng ai mất gì hay bị trách móc gì. Chỉ có rừng và lớp áo giáp bảo vệ sự sống của địa cầu chúng ta là thiệt hại nặng nề.

Giữa các gốc cây lớn và cành lá còn tươi nguyên, vết cưa xẻ còn sắc lẻm và thơm mùi nhựa nghiến cổ thụ, chúng tôi còn gặp cả các bãi chiến trường gỗ sắc lẻm với cơ man nào là mùn cưa mới cóng. 

Đặc biệt, người dẫn đường đắc chí vung tay ra phía trước: đây là một lối đi tắt khác xuống trung tâm xã Yên Hoa. Lối dốc này là đường vận chuyển gỗ, gỗ nghiến xuống một xưởng cưa lớn, xưởng mộc đầy tai tiếng. "Một cửa ngách" đưa gỗ rừng xuống xưởng cưa. "Nếu không tin, tối tôi đưa đi", người dẫn đường tự tin.

Xuống núi, đêm ấy, dù chân tay rã rời, lam nham bùn đất, chúng tôi vẫn rời nhà nghỉ, đi vài cây số trong đêm để đếm cái "điểm đến" của gỗ trái phép. Đúng như mô tả, tận mắt phóng viên thấy cái xe 9 chỗ tháo không còn cái ghế nào, lòng xe toàn bùn đất. Được giới thiệu là xe chở gỗ lậu.


Rất nhiều gỗ được kiểm lâm rừng đặc dụng huyện Na Hang thu giữ

Chúng tôi chưa tin, sáng hôm sau ra làm việc với Hạt trưởng Kiểm lâm Rừng đặc dụng Na Hang, anh Khổng Văn Quang. Trong lúc anh pha trà, chúng tôi ngó ra sân "tang vật", thì đúng 100% có cái xe y xì phóc như thế. Xe này chở gỗ lậu, lái xe đã chết trong một vụ việc khác.

Khi bị bắt quả tang, anh ta còn kịp dùng khóa khóa vô lăng xe lại, khiến cơ quan chức năng phải gọi xe cẩu mới mang được "tang vật vụ án" về. Nhốt ở hạt dăm bảy năm nay, mạng nhện giăng đầy. Tiếp tục vào vai người vừa mua được mấy mét khối gỗ nghiến nhờ cưa nhỏ ra làm thớt, nhờ đẽo làm lục bình, chúng tôi tiến sâu vào khu xưởng cưa bị tố là "nuốt chửng rừng tự nhiên".

Hết sức bất ngờ, cùng với sự xua đuổi của những người làm việc trong đó, chúng tôi thấy vô số các lục bình bằng gỗ (khả năng cao là gỗ nghiến) rất to đang được mài, đánh bóng hoàn thiện tại đây. 


Bên trong xưởng gỗ được cấp phép đặt tại thị trấn Na Hang nhưng chủ xưởng lại xây dựng tại xã Yên Hoa ngay gần bìa rừng. Ảnh cắt từ clip

Làm việc với ông Ma Thanh Khiết, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Na Hang, anh xác nhận: "Nghe thông tin từ PV Dân Việt, đã cho kiểm tra. Quả là xưởng cưa kia có giấy phép đặt ở ngoài thị trấn Na Hang, cách đó bốn năm chục cây số. Ai ngờ "gia chủ" di dời vào trong cửa rừng để hoạt động. Đây là khu vực tuyệt đối không bao giờ, không một ai dám cấp phép cho hoạt động của "các cỗ máy ăn gỗ" kể trên. Huyện Na Hang hứa sẽ xử lý dứt điểm".

Tuy nhiên, cũng theo chính quyền địa phương cung cấp: chủ cơ sở "cưa xẻ" vi phạm này là người đã từng trúng đấu giá bán gỗ tang vật các vụ ngăn chặn lâm tặc phá rừng nghiến trước đây, với số lượng gỗ khá lớn; và vừa rồi, anh ta lại trúng đấu giá tiếp. 

Vậy là, phải chăng nhân vật này có "nghề" mua gỗ tang vật rồi đem vào "cửa rừng" (vi phạm trắng trợn quy định) mở xưởng cưa xưởng mộc để lấy hóa đơn chứng từ của việc mua gỗ nghiến đấu giá kia nhằm làm bình phong cho liên tiếp các kho gỗ mới được phá trong rừng già mang về? Liệu có chuyện đó không? Có!


Kho gỗ tang vật mà kiểm lâm Na Hang đang lưu giữ ở thời điểm hiện tại (2020), đây là một bằng chứng quan trọng về việc rừng bị "chọc tiết" với tốc độ khủng khiếp ra sao. 


Ngoài gỗ dạng thớt còn có gỗ xẻ vuông và gỗ dạng tròn


Theo Lãng Quân - Hoàng/ Dân Việt

Tags rừng nghiến gỗ nghiến khai thác rừng trái phép chặt phá rừng lâm tặc

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục