Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 - Chuyên đề Quản lý chất thải rắn sinh hoạt vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, Hà Nội đang thực hiện thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo chủ trương đổi mới công nghệ, cơ giới hóa trên địa bàn, đặc biệt ở khu vực nội thành là nơi có đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế và ý thức cộng đồng phù hợp.
Với chủ trương này, thành phố Hà Nội đạt tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt là 89%, tỷ lệ đốt (không phát điện) là 11%. Tuy nhiên, công nghệ tái chế phân compost ứng dụng tại khu xử lý Cầu Diễn và Kiêu Kỵ không đạt hiệu quả do hạn chế đầu ra. Hiện cả hai cơ sở đều đã dừng hoạt động.
Một góc Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây, Hà Nội.
Từ quý I/2017, Hà Nội thực hiện chủ trương đấu thầu tập trung vệ sinh môi trường. Đến nay trên địa bàn thành phố có 20 đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Trong đó, Công ty môi trường đô thị Hà Nội trúng thầu vận hành xử lý chất thải rắn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn với công suất xử lý trung bình tương ứng là 5000 - 5.200 tấn/ngày và khu Xuân Sơn là 1.400 - 1.500 tấn/ngày.
Thống kê mới đây cho thấy, Hà Nội đã thực hiện đầu tư và vận hành các nhà máy xử lý đốt rác theo quy hoạch xử lý chất thải rắn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây do Công ty Cổ phần Thăng Long đầu tư với công suất 700 tấn/ngày đêm; Nhà máy xử lý chất thải tại Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) của Hợp tác xã Thành Công với công suất 150 tấn/ngày đêm; Nhà máy xử lý chất thải của Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Quang tại Phương Đình (huyện Đan Phượng) với công suất 200 tấn/ ngày đêm; Nhà máy xử lý chất thải của Công ty Cổ phần đầu tư Thành Quang tại Việt Hùng (huyện Đông Anh) theo công nghệ plasma với công suất 500 tấn/ngày đêm (chưa hoạt động).
Các nhà máy qua thời gian vận hành đã bộc lộ một số nhược điểm: Việc lựa chọn công nghệ chưa hợp lý, qua thời gian sử dụng bị xuống cấp, không đảm bảo công suất thiết kế, phải dừng thực hiện để bảo trì, sửa chữa nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu xử lý rác của thành phố.
"Hiện UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp một số nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ hiện đại (đốt hoặc khí hóa) thu hồi năng lượng để phát điện tại các khu xử lý chính tại Nam Sơn, Sóc Sơn và Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì; phấn đấu cuối 2020 có thể đưa vào vận hành thử nghiệm nhà máy đốt rác phát điện công suất 4.000 tấn/ngày tại Khu Liên hợp xử lý Nam Sơn ”- báo cáo cho hay.
Người dân chặn lối vào bãi rác Nam Sơn (Ảnh: Trần Thanh).
Đáng chú ý, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng dẫn chứng sự việc người dân chặn đường tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
"Sau hàng chục năm chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi thối, ô nhiễm từ khu xử lý chất thải Nam Sơn, người dân Nam Sơn đã 6 lần tổ chức chặn xe vận chuyển, khiến nội thành Hà Nội ngập rác. Sau mỗi lần chặn xe rác, nhiều quận nội thành bị ùn ứ, tồn đọng lượng rác lớn, chất thành đống ngổn ngang”- báo cáo nêu dẫn chứng.
Ô nhiễm mùi hôi quanh các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 cho biết khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng đáng kể ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao và du lịch như TPHCM (9.400 tấn/ngày), Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hoá (2.175 tấn/ngày), Hải Phòng (1.982 tấn/ngày), Bình Dương (2.661 tấn/ngày), Đồng Nai (1.885 tấn/ngày), Quảng Ninh (1.539 tấn/ngày), Đà Nẵng (1.080 tấn/ ngày) và Bình Thuận (1.486 tấn/ngày).
Ô nhiễm mùi hôi quanh các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại TPHCM, một số khu dân cư, khu đô thị thuộc khu vực phía Nam thành phố bị ảnh hưởng mùi từ khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước chủ yếu theo hướng gió Tây - Tây Nam trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10.
"Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, các bãi chôn lấp ở thủ đô Hà Nội (Sóc Sơn), thành phố Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vĩnh Long, Cần Thơ, Rạch Giá… đều gây ô nhiễm trên diện rộng do mùi và năm nào cũng xảy ra vào thời gian mùa mưa”- báo cáo nhận định.
Theo Thế Kha/ Dân Trí