COVID-19 và những hệ lụy
Cuối năm 2019, những ca bệnh đầu tiên liên quan đến COVID-19 được ghi nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng bùng phát thành dịch bệnh với tốc độ lây lan nhanh chóng ra toàn thế giới.
Dù chưa có kết luận chính thức, nhưng các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy COVID-19 xuất phát từ động vật hoang dã (ĐVHD), được phát hiện đầu tiên từ chợ buôn bán ĐVHD tại Vũ Hán. Virus này lây sang người qua vật trung gian và tê tê - loài động vật có vú bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới - có thể là một trong những vật trung gian đó.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người hiện nay đều có nguồn gốc từ ĐVHD. Bằng chứng cụ thể nhất chính là một loạt bệnh truyền nhiễm mà con người liên tục phải đối mặt trong 50 năm qua, khiến hàng tỉ người mắc bệnh và hàng triệu người chết mỗi năm như dịch cúm gia cầm H5N1 bắt nguồn từ các loài chim hoang dã; virus SARS năm 2002 đã truyền từ dơi sang loài cầy hương; dịch MERS, một chủng virus corona bắt nguồn từ dơi….
Chuỗi cung ứng ĐVHD bất hợp pháp do trốn tránh các biện pháp kiểm soát vệ sinh dịch tễ để tránh bị phát hiện nên đã tạo ra điều kiện lý tưởng cho sự sinh sôi, phát tán và lây lan của các tác nhân lây truyền bệnh từ ĐVHD sang người.
Buôn bán ĐVHD trái phép không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, mà còn đe dọa an ninh và kinh tế của các quốc gia. Ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe toàn cầu với hơn 10 triệu ca nhiễm, hơn 500.000 ca tử vong tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến nay, dịch COVID-19 còn giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế thế giới.
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tổng sản lượng kinh tế thế giới sụt giảm trên 2,7 nghìn tỉ đô. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm tới 50%, đặc biệt một số khu vực sẽ có GDP tăng trưởng âm.
COVID-19 và nỗ lực ngăn chặn hoạt động buôn bán ĐVHD trên toàn cầu và tại Việt Nam:
Trước sự bùng phát của dịch bệnh, ngày 24-2-2020, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một lệnh cấm toàn diện việc mua bán, tiêu thụ ĐVHD nhằm xóa bỏ thói quen xấu tiêu thụ ĐVHD quá mức, đồng thời bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân một cách hiệu quả.
Còn tại Việt Nam, ngày 6-3-2020, Văn phòng Chính phủ đã ra công văn số 1744/VPCP-KGVX giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương soạn thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm vận chuyển, mua bán ĐVHD trái phép.
Hành động kịp thời và quyết đoán này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Đây cũng là một cơ hội để Chính phủ Việt Nam thể hiện vai trò đi đầu của mình trong khu vực trong cuộc chiến chống lại COVID-19, và trong việc ngăn chặn những dịch bệnh bắt nguồn từ động vật có thể bùng phát trong tương lai thông qua chấm dứt buôn bán ĐVHD bất hợp pháp.
Đến tháng 5-2020, hơn 217 chuyên gia tại 42 quốc gia trên thế giới đã kêu gọi chính phủ các nước phải thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn như đóng cửa các chợ buôn bán ĐVHD, tăng cường nỗ lực giảm cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ các loài ĐVHD để giảm thiểu nguy cơ bùng phát một đại dịch tương tự trong tương lai.
Đã đến lúc chúng ta cần hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn mua bán và sử dụng ĐVHD trái pháp luật, góp phần ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như phát triển kinh tế.
Theo quy định tại điều 244 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) các hành vi vi phạm về động vật hoang dã có thể phạt tù lên đến 15 năm hoặc 5 tỉ đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.
Theo T.D.V/ Tuổi Trẻ