60 doanh nhân Việt ký cam kết không mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/11/2020 | 8:39:37 AM

Gần 60 doanh nhân tại Việt Nam đã ký cam kết không mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã trong khuôn khổ chiến dịch “Vật chủ" do tổ chức phi chính phủ CHANGE Việt Nam và WildAid thực hiện.


Năm 2015, tỉ phú Richard Branson, nhà sáng lập Virgin Group, đã đến Việt Nam kêu gọi các doanh nhân tham gia bảo vệ động vật hoang dã.

Một số đại diện doanh nghiệp đã ký cam kết có thể kể đến như ông Trần Hùng Huy (chủ tịch ngân hàng ACB), ông Trần Trọng Kiên (chủ tịch tập đoàn Thiên Minh), ông Chad Ovel (CEO Mekong Capital), bà Vưu Lệ Quyên (CEO Biti's), bà Nguyễn Thị Trà My (CEO PAN), ông Cosimo Jenks (trưởng đại diện Hongkong Land Vietnam)...

Các lãnh đạo doanh nghiệp đã ký kết cũng tham gia thành lập Liên minh Doanh nghiệp bảo vệ môi trường sống hoang dã (Business Coalition for Wildlife) và kêu gọi giới doanh nghiệp trên toàn quốc cùng hành động để chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, thông qua trang web https://pledge4wildlife.org/

  Các báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế nhìn nhận Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ động vật hoang dã hàng đầu, là điểm trung chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Những sự kiện có thể kể trong năm 2019 như Cục Hải quan Hải Phòng đã thu giữ hơn 2 tấn ngà voi và vảy tê tê có nguồn gốc từ châu Phi; hải quan Việt Nam tìm thấy 5,3 tấn vảy tê tê giấu trong container hạt điều vận chuyển từ Nigeria về cảng Cái Mép; nhà chức trách Singapore tịch thu 8,8 tấn ngà voi và 11,9 tấn vảy tê tê đang trên đường vận chuyển từ châu Phi tới Việt Nam.

Trao đổi qua email, ông Dominic Scriven - chủ tịch Dragon Capital nhấn mạnh tới sự cấp thiết phải quan tâm tới môi trường sinh thái. Những vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa, các loại ô nhiễm khác nhau đã được chú ý nhiều hơn trong những năm gần đây.

"Dịch bệnh Covid-19 là báo động đỏ về môi trường chung quanh chúng ta, nguyên nhân gốc rễ của dịch bệnh là do con người tác động quá sâu vào thiên nhiên mà chưa hiểu hết những rủi ro có thể gây nên,” Dominic nói.

Ông cũng cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực bảo vệ đời sống động vật hoang dã và tiên phong ký cam kết để khuyến khích mọi người suy nghĩ về trái đất, về vai trò, ảnh hưởng và trách nhiệm trong đời sống hằng ngày. "Môi trường sinh thái, theo tôi, không phải là trừu tượng, lý thuyết,  mà là việc then chốt để quản trị rủi ro của chúng ta,” ông nói.


Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy: "Một phần trách nhiệm của một công dân là có ý thức giữ gìn môi trường sống và bảo vệ xã hội của mình." 

Ngân hàng ACB nhiều năm qua cũng có nhiều chính sách để từng bước trở thành doanh nghiệp có trách nhiệm giữ gìn môi trường sống. "Chúng tôi tập trung mạnh vào giảm rác thải nhựa đồng thời nhận thức rằng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã là những hoạt động ACB có thể góp sức bằng các hoạt động thực tế, hoặc tài trợ cho các giải pháp phù hợp,” ông Trần Hùng Huy, chủ tịch ACB cho biết.

Còn theo bà Vưu Lệ Quyên, tổng giám đốc Biti’s: "Cần định vị loài người là một phần trong hệ sinh thái của trái đất chứ không phải là ông chủ, thông qua việc nhận thức đúng về định vị chúng ta mới có thể thay đổi hành vi và tôn trọng vạn vật xung quanh.”

Về lâu dài, bà Hoàng Thị Minh Hồng, CEO của CHANGE cho biết họ nhắm mục tiêu sát cánh cùng các doanh nhân đi đầu trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp với "Chính sách không khoan nhượng với vi phạm về động vật hoang dã”.

CHANGE và WildAid đang nhắm tới mục tiêu có 100 lãnh đạo đến từ 100 doanh nghiệp khác nhau ký cam kết "Không tiêu thụ - Không mua bán động vật hoang dã." Từ đó, sức cộng hưởng tích cực của tinh thần này sẽ lan tỏa ra xã hội, góp phần thay đổi hành vi tiêu thụ động vật hoang dã của giới kinh doanh và cộng đồng nói chung.

Theo Khổng Loan/Forbes Vietnam

Tags doanh nhân Việt Nam bảo vệ động vật hoang dã CHANGE Việt Nam WildAid chiến dịch "Vật chủ"

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục