Đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại hội nghị (Ảnh: QM)
Hội nghị nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi tham gia bảo vệ động, thực vật hoang dã của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan Đảng Trung ương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo chuyên đề "Bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm - Những vấn đề đặt ra" do đồng chí Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày. Báo cáo phân tích chi tiết và khoa học về vai trò của động, thực vật hoang dã trong cân bằng sinh thái; tìm hiểu thực trạng buôn bán động, thực vật hoang dã tại Việt Nam, khu vực và trên thế giới; tại sao phải bảo tồn động, thực vật hoang dã;...
Để bảo tồn đa dạng sinh học của đất nước, góp phần vào nỗ lực bảo tồn thiên nhiên của các nước trên thế giới, Việt Nam đã sớm tham gia nhiều công ước quốc tế có liên quan, như: Công ước về vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như nơi cư trú của loài chim nước RAMSAR, 1971; Công ước về buôn bán quốc tế những loài động vật thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES); Công ước về đa dạng sinh học, 1994; Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (Cop 21),…
PGS. TS Phạm Ngọc Linh trình bày báo cáo tại hội nghị
(Ảnh: QM)
Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. Nhưng trên thực tế, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của chúng ta tiếp tục bị suy thoái, các loài động, thực vật quý hiếm tiếp tục bị tuyệt chủng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng.
PGS. TS Phạm Ngọc Linh cho biết: Buôn bán động vật hoang dã là một món lợi khổng lồ, đang tiếp tục đẩy những loài sinh vật quý hiếm đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Trước thực trạng đó, cần thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Báo cáo tại Hội nghị chuyên đề "Truyền thông thay đổi hành vi trong công tác bảo vệ động vật hoang dã", bà Bùi Thúy Nga - cán bộ Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho biết quy mô khổng lồ của hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Đông Nam Á;... thực trạng và vấn đề đặt ra tại Việt Nam và hướng tới sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, thói quen tiêu thụ động, thực vật hoang dã và thái độ ứng xử đối với môi trường thiên nhiên.
Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu về các giải pháp để bảo vệ, bảo tồn và phát triển động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: QM)
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng các báo cáo tại hội nghị đã rất công phu, chi tiết; các ý kiến đóng góp của đại biểu cũng rất tâm huyết, Hội đồng khoa học Trung ương sẽ tiếp thu và đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị góp phần bổ sung hoàn thiện chủ trương bảo vệ, bảo tồn và phát triển động, thực vật hoang dã, quý, hiếm của Đảng và Nhà nước.
Bảo vệ, bảo tồn và phát triển động, thực vật hoang dã, quý, hiếm là đòi hỏi ngày càng cấp thiết, góp phần phát triển bền vững, làm đẹp đất nước và tăng thêm giá trị con người. Cần nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhất là cán bộ đảng viên, cần làm gương để nhân dân noi theo.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền: thiết thực, phong phú và thường xuyên hơn. Nâng cao vai trò của báo chí. Đối với báo chí, luôn cần mắt sáng, lòng trong, không chỉ truyền tin mà còn truyền cảm hứng đến độc giả để góp phần thay đổi nhận thức, hành vi thói quen tiêu thụ động, thực vật hoang dã và thái độ ứng xử đối với môi trường thiên nhiên. Cần có cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, ngoài tuyên truyền cần tham gia giám sát, thực hành dân chủ bảo đảm kỷ cương, theo pháp luật./.
Theo/Quang Minh/Tạp Chí Thông Tin Đối Ngoại