Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Lũ lụt ở miền Trung do biến đổi khí hậu, không phải do phá rừng

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/10/2020 | 9:05:01 AM

QLMT - Trước nhiều ý kiến dư luận cho rằng, lũ lụt ở miền Trung những ngày qua có một phần nguyên nhân là do phá rừng, PV Dân Việt đã phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT). Ông Trị cho rằng: Nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng.


Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp ở miền Trung gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đã có những ý kiến cho rằng, một phần nguyên nhân khiến mưa lũ, sạt lở ngày càng phức tạp hơn là do tình trạng phá rừng, độ che phủ rừng thấp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế, thời gian qua, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, mưa nhiều hơn với cường độ mạnh, hạn hán nhiều hơn. Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan. 

Còn biến đổi khí hậu có thể do tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và nhiều nguyên nhân khác. Chính biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lũ ở miền Trung là một ví dụ điển hình.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, phát triển bền vững rừng, phát triển ngành lâm  nghiệp theo tôi là con đường ngắn nhất chống lại và giảm thiểu những tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Bởi vì rừng hấp thụ các-bon rất tốt, giảm phát thải khí nhà kính.

Thực tế, mấy vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng ở Quảng Trị đều là những nơi phát triển rừng rất tốt, độ che phủ lớn. Tuy nhiên do mưa quá nhiều, địa hình dốc lớn nên mới gây vết sạt trượt.


Độ che phủ rừng ở các tỉnh miền Trung cao hơn bình quân chung cả nước. Trong ảnh: Phát triển rừng gỗ lớn ở Thừa Thiên - Huế. Ảnh: I.T

Chúng ta vẫn nói về "độ che phủ rừng", nhưng thực tế đã có nghiên cứu nào tính toán xem, chất lượng che phủ đó như thế nào, trữ lượng từng loại gỗ, chẳng hạn như có bao nhiêu gỗ tròn, bao nhiêu gỗ lớn chưa, thưa ông?

- Thực ra, đến nay chưa có nghiên cứu nào làm được như thế cả, chúng tôi không có đánh giá riêng về vấn đề này. Song phải khẳng định, độ che phủ rừng ở các tỉnh miền Trung rất tốt, cao hơn so với bình quân chung cả nước, bởi nếu không có rừng, lũ lụt sẽ còn nặng nề hơn nhiều.

Tôi lấy ví dụ, tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế diện tích rừng của vùng trên 3,1 triệu ha, tỷ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%. Tôi cho rằng, trồng rừng là con đường ngắn nhất để chống lại biến đổi khí hậu hiện nay.

Hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý thích dùng gỗ tự nhiên làm các đồ gia dụng, trong khi châu Âu người ta chỉ dùng gỗ chế biến, công nghiệp. Ông có khuyến cáo gì cho người dân để vừa sử dụng nguồn gỗ hợp pháp vừa hạn chế tình trạng chặt phá rừng trái phép?

- Hiện nay, trào lưu sử dụng gỗ rừng trồng ngày càng phổ biến, bởi gỗ rừng trồng không chỉ có giá thành phải chăng mà với công nghệ chế biến hiện đại của doanh nghiệp từ gỗ rừng trồng có thể tạo thành nhiều sản phẩm hiện đại, tiện dụng, thân thiện với môi trường. Điều quan trọng hơn là, sử dụng gỗ rừng trồng là nguồn gỗ hợp pháp. 

Chúng tôi rất mong các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền để người dân đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm do các doanh nghiệp Việt chế biến từ nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước. 

Có một thực tế hiện nay, đó là chính các nước nhập khẩu gỗ đòi hỏi chúng ta phải cung cấp nguồn gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng gỗ trong nước có vẻ vẫn còn "tự do", lực lượng kiểm lâm kiểm soát vấn đề này ra sao?

- Với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, việc đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp là một đòi hỏi tất yếu. Ngay cả với gỗ nhập khẩu phải tuân thủ theo quy định, có giấy tờ đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp mới được nhập.

Luật pháp đã quy định rất rõ, tổ chức, cá nhân nào nếu sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp sẽ bị xử lý nghiêm, trong khi sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng trong nước rất tốt, người dân nên thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm từ gỗ tự nhiên, thay vào đó là những sản phẩm từ gỗ rừng trồng, vừa có giá hợp lý, vừa giúp ngành lâm nghiệp phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

N.Lê- Anh Thơ (thực hiện)
Nguồn: Dân việt

Tags Tổng cục Lâm nghiệp Lũ lụt ở miền Trung biến đổi khí hậu

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục