Hội đồng Cumberland ở phía bắc nước Anh vừa ban hành quy định mới nhằm bảo vệ bãi biển khỏi tình trạng xói mòn nghiêm trọng.
Theo đó, những ai lấy sỏi từ bãi biển sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 1.000 bảng Anh (khoảng 32 triệu đồng). Quy định này đã gây ra không ít tranh cãi, khi nhiều người cho rằng việc mang vài viên sỏi từ biển về nhà là hành động vô hại.
Cát sỏi bờ biển đóng vai trò như con đê tự nhiên, bảo vệ nhà cửa và cơ sở hạ tầng khỏi sức mạnh của sóng biển. Ảnh: ITN
Thực tế, việc ngăn ngừa xói mòn ven biển là rất quan trọng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cát và sỏi không chỉ tạo nên vẻ đẹp tự nhiên của bãi biển mà còn cung cấp môi trường sống quan trọng cho nhiều loài sinh vật. Hơn nữa, chúng đóng vai trò như con đê tự nhiên, bảo vệ nhà cửa và cơ sở hạ tầng khỏi sức mạnh của sóng biển.
Trong nhiều năm qua, không ít du khách đã thu thập sỏi biển để làm kỷ niệm hoặc để trang trí vườn nhà. Tuy nhiên, những viên sỏi này phải trải qua hàng triệu năm và các quá trình địa chất phức tạp mới có mặt trên bãi biển. Sỏi có thể bắt nguồn từ các sông băng trong quá khứ hoặc từ các vách đá bị xói mòn gần đó.
Ít ai biết rằng việc lấy bất kỳ vật liệu nào khỏi bãi biển ở Anh là trái pháp luật, theo Đạo luật bảo vệ bờ biển năm 1949. Đạo luật này ra đời để hạn chế tổn thất hàng trăm nghìn tấn trầm tích từ các bãi biển do người dân tự ý khai thác cát để làm vật liệu xây dựng.
Các bãi biển dài đầy sỏi ở Anh được bảo vệ không chỉ vì giá trị cảnh quan mà còn vì chức năng quan trọng của chúng trong việc giảm xói mòn và lũ lụt ven biển. Số lượng đá sỏi trên bãi biển quyết định mức độ hiệu quả của việc giảm thiểu rủi ro từ sóng và lũ lụt. Càng nhiều sỏi và trầm tích trên bãi biển, bãi biển càng có khả năng hấp thụ năng lượng sóng tốt hơn, bảo vệ vùng đất liền khỏi sự xâm nhập của nước biển.
Một người lấy vài viên sỏi có thể không ảnh hưởng nhiều đến bãi biển, nhưng tác động tích lũy của nhiều người có thể tạo ra nguy cơ đáng kể. Việc bòn rút sỏi khỏi bờ biển có thể làm gián đoạn sự cân bằng tự nhiên của trầm tích và giảm khả năng bảo vệ của bãi biển. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khi các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và mạnh mẽ hơn.
Hiện tại, các nhà khoa học đang tiến hành nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về cách các bãi biển rải sỏi hoạt động dưới ảnh hưởng của sóng và bão. Các nghiên cứu này giúp đánh giá hiệu quả của việc rải sỏi nhân tạo để bảo vệ bờ biển. Bên cạnh đó, các kỹ thuật giám sát trầm tích dựa trên sự tham gia của cộng đồng đang được sử dụng để theo dõi quá trình xói mòn và bổ sung trầm tích.
Đã đến lúc mọi người cần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc không lấy sỏi từ bãi biển. Hành động nhỏ này không chỉ bảo vệ môi trường sống ven biển mà còn góp phần gia cố khả năng phòng thủ tự nhiên của bờ biển trước những thách thức của biến đổi khí hậu và bảo vệ bãi biển cho các thế hệ tương lai.
NGỌC HÀ