Những điều cần lưu ý khi dọn dẹp nhà cửa sau lũ lụt

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/9/2024 | 9:52:40 AM

Lũ lụt luôn gây ra thiệt hại cho nhà cửa và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Có rất nhiều việc phải làm để khôi phục lại cuộc sống thường nhật.



Kiểm tra nhà cửa

Khi quay về sau lũ lụt, trước tiên hãy kiểm tra kỹ càng ngôi nhà của mình. Nếu thấy nước đọng bên cạnh các bức tường ngoài thì đừng vội vào trong. Lúc đó ta không biết được nhà có an toàn hay kết cấu còn chắc chắn hay không.

Ngoài ra ta cũng nên đi một vòng quanh nhà để xem có dây điện lỏng lẻo hay ga rò rỉ không. Mùi ga rất đặc trưng nên dễ nhận biết, nếu phát hiện rò rỉ hay dây điện có vấn đề thì cần gọi cho các đơn vị biết cách xử lý.

Tiếp theo cần kiểm tra móng xem có vết nứt hay hư hại nào khác không, kiểm tra phần mái để đảm bảo các điểm tựa vẫn vững chắc, cũng như tìm kiểm khoảng hở giữa các bậc thang. Nếu điểm tựa hay tường chịu lực bị sập, mặt đất sạt lở một phần thì nhà không an toàn.

Đi vào nhà cẩn thận

Cửa bị kẹt phía dưới có thể dùng sức mở. Nếu bị kẹt phía trên, dùng sức mở có thể khiến trần nhà sập xuống. Vì vậy đừng vội tiến vào mà sau khi mở hãy đứng bên ngoài khoảng 1 phút.

Nếu cửa ra vào không dễ mở thì hãy đi qua cửa sổ. Tuy nhiên cần xem xét kỹ trần nhà trước khi vào.

Lúc vào không được hút thuốc hay đốt lửa, trước hết phải làm thông thoáng toàn bộ nhà để tránh nguy cơ rò rỉ ga gây nổ. Nên bước cẩn thận vì nước cùng bùn làm sàn nhà trơn trượt. Ngoài ra cần chú ý hố và đinh trên sàn.

Đừng quên kiểm tra tủ và đồ nội thất cao có thể ngã đổ khác, tháo gương cùng tranh nặng khỏi tường.

Chú ý sức khỏe lúc dọn dẹp

Thiệt hại tài sản cùng công việc dọn dẹp trước mắt có thể ảnh hưởng đến cảm xúc. Vì vậy cảm thấy căng thẳng là chuyện bình thường.

Trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người có vấn đề sức khỏe nên tránh xa khu vực ngập lụt cho đến khi công việc dọn dẹp hoàn tất. Cần chú ý trẻ nhỏ vì trẻ thường thích cho mọi thứ vào miệng, phụ nữ mang thai cần tránh để bị thương hoặc tiếp xúc với bệnh tật.

Cơ thể vốn quen với sạch sẽ, nhưng lúc dọn dẹp ở khu vực ngập lụt ta phải tiếp xúc với hóa chất lẫn vi khuẩn nên dễ đổ bệnh. Do đó đừng quên rửa tay kỹ càng bằng xà phòng và nước thường xuyên, đặc biệt trước lúc nấu ăn, lúc ăn hay hút thuốc. Ngoài ra nên tránh cắn móng tay. Đảm bảo nước sạch và an toàn rồi mới uống hay rửa chén đĩa.

Vật dụng ướt sẽ nặng hơn bình thường. Đừng cố gắng di chuyển vật kích thước lớn vì làm vậy dễ dẫn đến chấn thương (đặc biệt là chấn thương lưng).

Sản phẩm vệ sinh, khử trùng, sửa chữa nhà cửa đều chứa một ít hóa chất độc hại. Cần sử dụng chúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và để xa tầm tay trẻ em.

Dọn dẹp kỹ lưỡng

Mọi ngóc ngách lẫn vật dụng trong nhà đều cầu được rửa sạch và khử trùng. Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng sản phẩm vệ sinh để dùng đúng liều lượng và đúng cách sẽ giúp công tác dọn dẹp hiệu quả hơn. Sau khi lau dọn thì đừng quên khử trùng cũng như loại bỏ nấm mốc nếu có.

Hãy xử lý từng phòng một. Dùng một xô đựng nước lau và một xô đựng chất tẩy rửa tiến hành dọn dẹp. Với tường, nên vệ sinh phần phía dưới hoặc phần hư hại nặng nhất. Nếu miếng dán tường khó lau sạch đừng ngần ngại thay mới.

Với đồ nội thất, đừng cố mở ngăn kéo hay cửa gỗ bị phồng mà hãy tháo mặt sau của chúng để thông khí và làm khô. Lúc khô, ngăn kéo và cửa sẽ dễ mở hơn. Đồ nội thất bằng gỗ nguyên khối thường dễ vệ sinh, còn gỗ ép dễ bị bong tách. Dùng bông gòn thấm methanol hay dầu thông lau có thể loại bỏ đốm mốc trên gỗ. Đồ nội thất bọc nệm dễ giữ lại chất ô nhiễm nên cần để người có chuyên môn xử lý.

Thiết bị điện như TV tiềm ẩn nguy cơ gây điện giật do một số bộ phận bên trong vẫn trữ điện dù phích cắm đã rút. Việc vệ sinh chúng nên để người có chuyên môn xử lý. Trước khi dùng lại nên kiểm tra xem lớp cách điện của dây điện có bị tước hay không, đảm bảo tất cả thiết bị đều được nối đất đúng cách.

Hãy cho máy giặt chạy qua một chu trình đầy đủ với nước nóng hoặc chất khử trùng. Giũ sạch bùn, dùng vòi xịt loại bỏ vết bẩn trên quần áo rồi mới tiến hành giặt. Nếu quần áo chỉ có thể giặt khô (chỉ dùng dung môi hoặc hóa chất thay vì nước giặt) hoặc đồ da thì hãy đem ra tiệm giặt.

Với đồ nhà bếp, hãy vứt vật dụng bằng nhựa mềm xốp có thể giữ lại chất ô nhiễm, vệ sinh chén đĩa bằng chất khử trùng rồi phơi khô chứ đừng dùng khăn lau. Thiết bị chứa thực phẩm cũng cần được vệ sinh và khử trùng kỹ lưỡng. Vứt thực phẩm kể cả thực phẩm đóng hộp từng bị ngâm trong nước lũ để tránh nguy cơ ngộ độc.

Đảm bảo nhà cửa không hư hại thêm

Hãy kiểm tra hệ thống ống nước nhằm phát hiện - xử lý trường hợp rò rỉ hoặc bị vỡ. Ngoài ra lỗ thoát nước trên sàn cũng có thể nghẽn do nhiều mảnh vụn. Nếu ống nước không bị gì, ta có thể dùng nước máy để dọn dẹp nhưng không dùng uống hoặc nấu ăn cho đến khi đảm bảo an toàn.

Nếu không có kinh nghiệm về xây dựng hay sửa điện, tốt nhất nên tìm đến đơn vị chuyên nghiệp.

Theo 1thegioi.vn

Tags dọn dẹp nhà cửa sau lũ lụt lũ lụt hư hại dọn dẹp

Các tin khác

Dữ liệu mô phỏng khí hậu cho thấy khoảng 70% dân số thế giới – tương đương 5,6 tỷ người – sẽ thường xuyên hứng chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt và hạn hán.

Trong các khu vực đô thị đông đúc, hệ thống thoát nước không đủ hoặc kém hiệu quả có thể gây ra lũ quét, ngập lụt và thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cũng như tính mạng con người.

Hiệu ứng nhà kính mà điển hình là hiện tượng nước biển ấm lên đang là nguyên nhân trực tiếp khiến biến đổi khí hậu, sinh ra nhiều hơn những cơn siêu bão như bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.

Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục