Một nông dân Ấn Độ kiểm tra cánh đồng lúa mì bị hư hại do mưa lớn. Ảnh: AFP
Bà Kamal Sonavane biết rõ mình sẽ ngất đi nếu vẫn cố chấp nhai thuốc lá thêm một lần nữa. Hôm ấy là một buổi chiều tháng tư nóng nực vào giữa một đợt nắng cao điểm ở Ấn Độ, không có việc gì làm, người nữ nông này đã nhai thuốc lá tận năm lần trong một ngày. "Ngay cả một gã nghiện cũng không dám nhai nhiều như thế vào lúc trời nóng vì có thể bị ngất đột ngột”, bà thừa nhận.
Tuy vậy, bà Sonavane vẫn lặp lại thói quen đó: cho vôi tôi vào những lá thuốc, rồi cho hỗn hợp đó vào miệng. "Đằng nào tôi cũng sẽ ngã quỵ thôi, nếu không vì trận nắng nóng này thì cũng vì áp lực cuộc sống”, bà nói khi đang ngồi trong căn nhà gạch hai gian của mình ở làng Bhadole, Kolhapur, tỉnh Maharastra, Ấn Độ. Nỗi lo về tiền bạc, thất nghiệp, và cơn nắng nóng như thiêu như đốt tràn ngập trong tâm trí, bà tìm về với thuốc lá để quên đi.
Biến đổi khí hậu khiến cho công việc đồng áng ở Maharastra trở nên khó khăn hơn. Và điều này ảnh hưởng ngay lập tức đến những lao động công nhật, những người sẽ làm bất cứ việc gì mà họ được thuê. "Cứ độ vài tháng, người nông dân lại chia sẻ về những thiệt hại do trận nắng nóng và đợt lụt lội gây ra”, trích lời nhân viên y tế cộng đồng Shubhangi Patil, người phụ trách y tế ở Kolhapur, nơi bà Sonavane sống. "Khi mùa màng thất bát, nguồn thu nhập trở nên bấp bênh, và những người lao động tự do này lại tìm đến chất gây nghiện để quên đi những vấn đề của bản thân”, Patil nói.
Đây không phải là vấn đề của riêng Ấn Độ hay các quốc gia nơi đa số người dân có thu nhập thấp và trung bình. Nghiên cứu từ những khu vực khác cũng cho một kết quả tương tự: dưới sức ép của biến đổi khí hậu, lượng tiêu thụ rượu và các chất gây nghiện khác cũng gia tăng, dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến sức khỏe.
Là một nông dân ngoài 60 tuổi không có nổi tấc đất cắm dùi, bà Sonanvane đã lao động vất vả trên những cánh đồng ở Kolhapur hơn 25 năm qua. Một thập kỷ trước, Sonanvane khinh miệt thuốc lá, giờ thì bà không thể chịu được nếu trong vài giờ không một lần nhai chúng.
-----------------
Chừng nào các nhà khoa học chưa có đủ dữ liệu để thực hiện nghiên cứu, nâng cao khả năng dự đoán và ứng phó với biến đổi khí hậu, chừng đó tình trạng lạm dụng chất gây nghiện vẫn sẽ diễn ra.
---------------------
Thời tiết ở phía Tây Maharashtra bắt đầu khắc nghiệt hơn từ năm 2019, bà kể. "Vùng này đã trải qua hai trận lụt, những đợt nóng bức đến bỏng rát, những cơn mưa không ngớt, những trận mưa đá và một lần hạn hán” - tất cả xảy ra vỏn vẹn trong ba năm gần nhất. Người nông dân đối diện với những thiệt hại nặng nề: 36 triệu héc ta mía đường, hành, lúa, và các giống cây khác đã biến mất chỉ trong vòng năm năm qua, theo Sở Nông nghiệp Maharashtra. Những người nông dân giờ đây phải chật vật để có thể được thuê làm công tám ngày trong một tháng, bởi mùa màng thất bát đã khiến công việc trở nên ít ỏi.
Giữa nỗi đau đáu, căng thẳng vì không có việc làm, bà Sonavane đã sa chân vào thuốc lá nhai, thứ chỉ tốn của bà 10 Rupee (tương đương 0.12 USD) nhưng có thể giúp giảm thiểu lo lắng. Cũng như xì gà và thuốc lá điện tử, thuốc lá nhai chứa nicotine, một chất kích thích làm tăng cảm giác hưng phấn. Những người nghiện nicotine cho biết nó khiến tâm trạng của họ khá hơn, và giải tỏa cơn giận, sự căng thẳng, và những nỗi lo. "Nó xoa dịu nỗi buồn lẫn cảm giác tiêu cực trong phút chốc”, theo lời của Shalmali Ranmale Kakade, một chuyên gia tâm lý lâm sàng ở Kolhapur khi nhắc về thuốc lá cũng như những chất kích thích phổ biến khác như rượu bia.
Nhưng nicotine là một chất rất dễ gây nghiện, đặc biệt với những người dùng thuốc lá liều lớn, những hiệu ứng tưởng chừng tích cực trên chỉ đơn giản là hậu quả khiến cho ta khó cai nghiện hơn. Nhai thuốc lá lặp đi lặp lại cũng gây ra một số các bệnh ung thư, bao gồm ung thư ở vòm họng, thực quản, dạ dày, và bàng quang.
Bà Sibabvabe giờ đây dùng thuốc lá thường xuyên đến mức bà đã tự đặt ra một số thời điểm nhai thuốc nhất định trong ngày. Tuy nhiên, vào những ngày căng thẳng, bà sẽ nhai thuốc còn nhiều hơn bình tường. "Sau khi thử vài lần, mọi người sẽ bắt đầu lạm dụng đồ uống có cồn, thuốc lá và các chất kích thích khác như một cách giải tỏa, để rồi cuối cùng nó sẽ thành một thói quen”, Kakde nhận định. Nhân viên y tế Patil thì kể rằng cô đã chứng kiến tình trạng người dân sử dụng chất kích thích để làm giảm stress ở ít nhất 200 ngôi làng trong vùng mà cô công tác.
Nỗi lo về các hiện tượng trái mùa
Bằng nhiều cách khác nhau, khủng hoảng khí hậu đang đẩy người dân vào tình cảnh phải sử dụng chất kích thích để xoa dịu tinh thần. Một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Perspectives on Psychological Science (tạm dịch Các khía cạnh của nghiên cứu tâm lý) đã kết luận rằng người dân có xu hướng lo lắng về những hiện tượng thời tiết bất thường, xảy ra trái mùa, hoặc cảm thấy bất an về sự mất ổn định do những thay đổi này gây ra đến kinh tế và xã hội. Những thay đổi của khí hậu, ví dụ như, nhiều ngày nóng hơn trong năm, có thể ảnh hượng đến sức khỏe thể chất và tâm thần của con người, khiến họ tìm cách tự khuây khỏa với chất gây nghiện. Những thay đổi của khí hậu cũng có khả năng thiết lập các hành vi mới ở người dân, từ đó hình thành nên các thói quen mới không lành mạnh.
Và Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất ghi nhận xu hướng này. Vào năm 2019 và 2020, tại nước Úc, những đợt cháy rừng khủng khiếp thiêu đốt 19 triệu héc ta đất thuộc sở hữu của hơn 3.000 hộ dân, làm chết hơn 56.000 gia súc gia cầm. Trong một bài báo khoa học công bố vào đầu năm nay, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã tiến hành theo dõi sức khỏe tâm thần của 746 người dân Úc trong độ tuổi 16-25. Theo bài báo này, "triệu chứng của trầm cảm, lo lắng, căng thẳng, chứng rối loạn điều chỉnh, lạm dụng chất gây nghiện, và nỗi bất an do biến đổi khí hậu xuất hiện với tần suất cao hơn,”, những triệu chứng này được quan sát thấy kể cả ở những người không tiếp xúc trực tiếp với đám cháy.
Một nghiên cứu khoa học khác được xuất bản vào tháng tư trên Journal of Environment Management (tạm dịch tạp chí Quản lý môi trường) phát hiện ra mối liên hệ giữa những đợt nắng nóng, suy giảm sức khỏe tâm thần, và tiêu thụ rượu ở một bộ phận người dân Trung Quốc ở lứa tuổi 50 trở lên. Từ mối liên hệ trên, bài báo kết luận rằng nắng nóng cực đoan đã khiến mọi người uống rượu thường xuyên hơn, thậm chí người dân không còn duy trì những thói quen tích cực như tập thể dục. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu những nghiên cứu mang tính toàn cầu về mối liên hệ giữa thời tiết và tỉ lệ lạm dụng chất gây nghiên, số lượng nghiên cứu đã được thực hiện về tình trạng này vẫn còn khá ít ỏi.
Ngay cả khi thiên tai đã qua đi, đời sống của người dân không phải lúc nào cũng có thể về lại như trước. "Việc liên tục hứng chịu các hiện tượng khí hậu gây căng thẳng như bão lũ, lụt lội, cháy rừng và hạn hán - sẽ dẫn đến những tổn thương về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần kéo dài hàng tháng sau đó,”Francis Vergunt, phó giáo sư tâm lý học ở Đại học Oslo nhận định.
Phó giáo sư Vergunt cũng lưu ý rằng ở phần lớn các trường hợp, thói quen mới của người dân không trầm trọng như các triệu chứng chẩn đoán của chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Tuy nhiên, hành vi sử dụng chất gây nghiện vẫn để lại nhiều hậu quả đối với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thiếu dữ liệu
Ông Balaso là một cụ già ngoài 70 tuổi, sống ở làng Khochi, tỉnh Kolhapur, nơi đã hứng chịu lũ lụt thường xuyên những năm gần đây. Sau khi mất trắng ruộng rau có giá trị tương đương 350 USD vào trận lụt năm 2019 và 40 tấn mía đường có giá trị tương đương 1400 USD vào năm 2021, ông Thorwat đã tuyệt vọng tột độ, ông sa sút tinh thần đến nỗi không ngủ được vì những thiệt hại cứ dần tăng lên.
Ông Thorwat đã tới một phòng khám gần nhất trong làng, vị bác sĩ khi ấy chỉ đưa cho ông một lời khuyên đơn giản đó là "đừng lo lắng nữa là được”. Không có ai để giãi bày, thật dễ hiểu khi ông tìm tới rượu - cụ thể là một loại rượu đặc sản tự làm và được bán ven đường, thường được làm từ mật mía lên men, sau khi trải qua quá trình chưng cất. "Cứ khi nào cảm thấy áp lực là tôi lại uống rượu. Nhờ đó tôi mới có thể ngừng thao thức và đánh một giấc ngon lành,” ông Thorwat nói. Trước câu hỏi ông có thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng không, "Ngày nào chả vậy”, ông trả lời. Và đến khi rượu cũng không giúp được nữa, ông bắt đầu nhai thuốc lá.
"Ngay cả những người trẻ tuổi cũng bắt đầu lạm dụng chất gây nghiện”, theo Shubhangi Kamble, một nhân viên y tế tại Arjunwad, một ngôi làng của tỉnh Kolhapur thường xuyên bị ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt. Theo quan sát của cô, vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn vào ba năm trở lại đây. Sau khi nói chuyện với hơn một trăm người dân trong các ngôi làng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và hạn hán, Kamble đã tìm thấy một mẫu số chung. "Người dân căng thẳng là vì họ không thể hiểu tại sao thời tiết cứ thay đổi liên tục như vậy”
Trong chín tháng đầu năm 2022, cứ 10 ngày thì có đến chín ngày Ấn Độ trải qua các thảm họa khí hậu. Một nghiên cứu xuất bản vào tháng tư năm đó chỉ ra có đến hơn 90% dân số Ấn Độ (hơn 1 tỉ người) đang trong tình trạng dễ bị tổn thương do các hiệu ứng phụ của đợt nóng dài ngày. Trong bối cảnh các thảm họa khí hậu đang tác động lên đời sống của người dân, đẩy họ vào tình cảnh nghiện ngập, nhà nước hầu như không có động thái nào đủ để ngăn chặn hay giảm thiểu. Một báo cáo của chính phủ vào năm 2019 đã thừa nhận rằng "phạm vi tác động của các chương trình quốc gia về ứng phó với chứng lạm dụng chất gây nghiên còn ít ỏi.”
Ấn Độ cũng không có đủ các chuyên gia về sức khỏe tâm lý. Với 833 triệu người sống ở các vùng nông thôn, nhà nước chỉ có 1224 cơ sở y tế cấp phường, và 764 cơ sở y tế cấp quận. Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO), cứ mỗi một triệu người dân Ấn Độ thì chỉ có ba chuyên gia điều trị tâm lý, và có ít hơn một nhà tâm lý học. Khi bà Sonavane cảm thấy khốn khổ trong đợt nắng nóng vào tháng tư, bà đã không thể tìm được bất cứ sự trợ giúp, tư vấn nào. Và những người nông dân khác bị ảnh hưởng bởi cơn nắng nóng cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Nếu muốn phòng ngừa và điều trị chứng lạm dụng chất gây nghiện do biến đổi khí hậu hiệu quả, các nhà khoa học cần có đủ dữ liệu về sự tồn tại và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Ở Ấn Độ và những nơi khác, giới khoa học không có đủ dữ liệu để đưa ra kết luận về một mối liên quan trực tiếp giữa biến đổi khí hậu và lạm dụng chất gây nghiện. Tuy nhiên, họ vẫn có thể cải thiện được nhiều này. Theo phó giáo sư Vergunts, chúng ta có thể thu thập "dữ liệu số người nhập viện vì các vấn đề liên quan đến sử dụng chất gây nghiện vào trước, trong, và sau các thảm họa địa lý”. "Một lựa chọn khác là xem xét các dữ liệu về số lượng các chất gây nghiện được tiêu thụ có điểm gì tương đồng vào thời điểm diễn ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng hoặc lũ lụt hay không.”
Chừng nào các nhà khoa học chưa có đủ dữ liệu để thực hiện nghiên cứu, nâng cao khả năng dự đoán và ứng phó, chừng đó tình trạng lạm dụng chất gây nghiện do yếu tố thời tiết vẫn sẽ diễn ra dai dẳng.
Bà Sonavane và ông Thorwat thực chất vẫn hiểu rõ những hậu quả có thể xảy đến đối với sức khỏe nếu dùng quá liều các chất gây nghiện như rượu và thuốc lá; nhưng căng thẳng mà họ phải chịu đựng lớn hơn những nỗi lo này. "Tôi đã dành cả đời để canh tác trên những thửa ruộng, chỉ đến khi tìm được việc để làm trên những thửa ruộng này thì tôi mới thôi được nỗi lo trong lòng,” bà Sonanvane giãi bày.
Theo KH&PT