Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) đã giúp năm 2023 trở thành một năm đầy ắp những hình ảnh vũ trụ đáng kinh ngạc. Nhưng chiếc kính thiên văn đột phá này không phải là nguồn duy nhất mang lại những điều kỳ diệu về thị giác. Những bức ảnh từ các nhiệm vụ không gian khác cũng như những tấm ảnh chụp từ Trái đất cũng rất tuyệt vời. Dưới đây là 6 bức ảnh không gian tuyệt với nhất của năm do Newscientist lựa chọn.
1) Ngôi sao ở bức hình dưới đã được JWST chụp khi chuẩn bị nổ tung. Nó được gọi là WR 124, có khối lượng gấp khoảng 30 lần mặt trời. Khi những ngôi sao lớn hết hydro để đốt cháy trong lõi, chúng bắt đầu hợp nhất các nguyên tố nặng hơn. Sự hợp nhất này tạo ra những luồng năng lượng mạnh mẽ, thổi ra những cơn gió với vận tốc hàng triệu km/h. Khi những cơn gió mạnh đó cuốn đi các lớp bên ngoài của ngôi sao, nó sẽ trở thành ngôi sao được gọi là Wolf-Rayet.
Trong vòng vài triệu năm sau khi bị lột bỏ lớp vỏ bên ngoài, nó sẽ nổ tung thành một siêu tân tinh. Những đốm màu tía trong bức ảnh này là những đám mây bụi và khí - từng là lớp bên ngoài của WR 124 (nó đã mất đi khối lượng gấp khoảng 10 lần khối lượng mặt trời).
Hình ảnh ngôi sao Wolf-Rayet WR 124 do JWST chụp
2) Hình ảnh tiếp theo cho chúng ta thấy cơn lốc xoáy Mặt trời cao nhất từng được ghi nhận. Sự kiện này xảy ra vào ngày 14/3/2023, khi sự quay của từ trường Mặt trời làm khuấy động plasma gần cực bắc của nó. Đặc điểm này xuất hiện từ bề mặt Mặt trời cho đến khi ngọn lửa khổng lồ đạt tới độ cao 178.000 km - tức là gần gấp 14 lần đường kính Trái đất. Hình ảnh này là kết quả của sự hợp tác miệt mài giữa 2 nhà nhiếp ảnh thiên văn Jason Guenzel và Andrew McCarthy. Họ đã sử dụng máy ảnh tốc độ cao để ghi lại sự kiện và mất 5 ngày cùng 90.000 bức ảnh riêng lẻ để tạo ra bức ảnh này. Mặt trời nhìn có vẻ xù xì vì nó được bao phủ bởi hàng triệu mạch phun plasma đang hoạt động, mỗi mạch chỉ tồn tại vài phút.
Một cơn lốc xoáy Mặt trời nhìn từ Trái đất
3) Vụ nổ phát sáng này cho thấy những tia siêu thanh đáng kinh ngạc của một ngôi sao mới sinh. Những điều này khiến nó được gọi là vật thể Herbig-Haro (một vùng tinh vân được chiếu sáng bởi một ngôi sao mới sinh). Bản thân ngôi sao ẩn trong đám mây khí tối mà từ đó nó hình thành, nhưng khi các tia bắn ra ở hai bên vào khí và bụi xung quanh, tạo ra sóng xung kích lớn và sáng lên.
Vật thể đặc biệt này, được gọi là Herbig-Haro 211, cách Trái đất khoảng 1000 năm ánh sáng trong chòm sao Perseus. Điều đó khiến nó trở thành một trong những vật thể Herbig-Haro gần nhất mà chúng ta từng biết, đó cũng là lý do tại sao JWST có thể chụp được hình ảnh chi tiết nhất về vật thể này.
Ngôi sao mới sinh Herbig-Haro 211
4) Vào tháng 10/2023, tàu vũ trụ Juno của NASA đi qua bề mặt Io (một mặt trăng của sao Mộc) và chụp được bức ảnh tuyệt đẹp này. Đây là một trong những bức ảnh đẹp nhất về Io từng được chụp, đủ chi tiết để thể hiện bóng của một số ngọn núi lửa khổng lồ trên đó.
Mặc dù chỉ lớn hơn Mặt trăng của Trái đất một chút, Io được cho là có hơn 400 ngọn núi lửa đang hoạt động, khiến nó trở thành vật thể có hoạt động địa chất mạnh nhất trong hệ mặt trời. Dòng dung nham từ những ngọn núi lửa đó mang lại cho Io những màu sắc lốm đốm đặc biệt. Vào năm 2024, Juno sẽ tiến gần hơn đến bề mặt của mặt trăng nhỏ kỳ lạ này, cung cấp nhiều chi tiết hơn về địa chất luôn thay đổi của nó.
Mặt trăng Io của sao Mộc
5) Vào ngày 23/8/2023, sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã trở thành sứ mệnh đầu tiên hạ cánh gần cực nam của Mặt trăng. Bức ảnh tàu đổ bộ Vikram trên bề mặt Mặt trăng được chụp một tuần sau đó bởi tàu thám hiểm Pragyan. Nghiên cứu cực nam của Mặt trăng đặc biệt quan trọng vì ở đó có lượng băng lớn, có thể hữu ích cho các khám phá lâu dài và có thể là các căn cứ trên Mặt trăng của con người trong tương lai.
Tàu đổ bộ Vikram của Ấn Độ trên bề mặt Mặt trăng
6) Hai sao chổi xanh hiếm hoi xuất hiện ấn tượng trên bầu trời năm nay. Đầu tháng 2/2023, sao chổi C/2022 E3 đã bay gần Trái đất lần đầu tiên sau 50.000 năm. Sau đó, vào tháng 8, nhà thiên văn nghiệp dư Hideo Nishimura đã phát hiện ra một sao chổi xanh khác - hiện được đặt theo tên ông. Những sao chổi này có màu xanh lục vì khí xung quanh hạt nhân đá của chúng chứa carbon diatomic, một chất tương đối hiếm được tạo thành từ các cặp nguyên tử carbon liên kết.
Sao chổi Nishimura sẽ mất khoảng 437 năm để quay quanh Mặt trời nên phải đến thế kỷ 25 chúng mới có thể được nhìn thấy trở lại từ Trái đất.
Sao chổi Nishimura lướt qua bầu trời đêm, nhìn từ Trái đất
Theo vjst.vn