Theo bản cập nhật hôm 11/12 của sách đỏ toàn cầu về các loài nguy cấp được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công bố, 25% loài cá nước ngọt trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Số liệu này cảnh báo tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu do con người gây ra đối với các sinh vật trên hành tinh.
Trong đó, ít nhất 17% bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao chảy vào các con sông. Đánh giá trên được IUCN công bố tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP28 tổ chức tại UAE do Liên hợp quốc chủ trì. Trong đó, IUCN cũng phản ánh các mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với cá hồi Đại Tây Dương, rùa xanh và cây gỗ gụ.
Các loài cá nước ngọt cũng bị đe dọa bởi ô nhiễm, đánh bắt quá mức, các loài xâm lấn, bệnh tật, đập và khai thác nước. Ô nhiễm ảnh hưởng đến 57% loài cá nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo chuyên gia về cá nước ngọt của IUCN - bà Kathy Hughes, hơn một nửa số loài cá đã được biết đến trên thế giới sống ở môi trường nước ngọt (nồng độ muối dưới 1,05%) và không thể thiếu trong hệ sinh thái.
Đánh giá mới cho thấy 25% loài cá nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng và ít nhất 17% loài cá nước ngọt bị đe dọa đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ảnh: UICN
"Cá nước ngọt cần thiết cho hàng tỷ người sống dựa vào hệ sinh thái nước ngọt, cũng như hàng triệu người sống dựa vào nghề cá. Đảm bảo hệ sinh thái nước ngọt được quản lý tốt, duy trì dòng chảy tự do với đủ nước và chất lượng nước tốt... là cần thiết để ngăn chặn sự suy giảm loài và duy trì an ninh lương thực, sinh kế cũng như nền kinh tế", bà Kathy Hughes nhấn mạnh.
Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), có ít nhất 200 triệu người trên toàn cầu dựa vào cá nước ngọt làm nguồn protein chính.
Đánh giá của IUCN cũng cho thấy, quần thể cá hồi Đại Tây Dương được phân loại là gần bị đe dọa, đã giảm 23% trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2020, dù đây là loài sống ở cả nước ngọt và nước mặn.
IUCN xếp hạng nguy cơ tuyệt chủng của một loài theo 9 bậc dựa vào các tiêu chí như tốc độ suy thoái, kích thước quần thể, phạm vi phân bố và mức độ phân tách quần thể và khu phân bố.
9 bậc bao gồm: Tuyệt chủng, Tuyệt chủng trong tự nhiên, Cực kỳ nguy cấp, Nguy cấp, Sắp nguy cấp, Sắp bị đe dọa, Ít quan tâm, Thiếu dữ liệu, Không được đánh giá.
Tình trạng các loài sinh vật ngọt trên thế giới
Quần thể cá hồi Đại Tây Dương đã giảm 23% từ năm 2006 đến năm 2020, tăng từ bậc "ít quan tâm" đến "gần bị đe dọa".
Theo IUCN, sự nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng đến "tất cả các giai đoạn" trong vòng đời cá hồi Đại Tây Dương, làm giảm nguồn thức ăn sẵn có, cho phép các loài ngoại lai xâm lấn mở rộng phạm vi và làm tăng nguy cơ chết non của cá hồi mới sinh do ô nhiễm nguồn nước, chủ yếu từ khai thác gỗ và nông nghiệp.
Trong khi đó, rùa xanh ở trung nam Thái Bình Dương và đông Thái Bình Dương lần lượt được phân loại là "có nguy cơ tuyệt chủng" và "dễ bị tổn thương" trong bản cập nhật sách đỏ IUCN.
Theo đó, nhiệt độ nước biển tăng làm giảm tỷ lệ nở thành công và giảm nguồn thức ăn của rùa xanh (cỏ biển). Mực nước biển dâng cao đe dọa làm ngập tổ và chết đuối con non, trong khi rùa trưởng thành thường chết do bị đánh bắt với mục đích làm sản phẩm phụ của hoạt động đánh bắt công nghiệp.
Cây gỗ gụ lá lớn được phân loại lại từ "dễ bị tổn thương" thành "có nguy cơ tuyệt chủng" do việc khai thác gỗ không bền vững và sự xâm lấn nông nghiệp vào các khu rừng nhiệt đới nơi loại cây này phát triển.
Bản cập nhật Sách đỏ IUCN này nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học - những vấn đề cần phải được giải quyết đồng thời. Sự suy giảm số lượng loài là một minh chứng về sự tàn phá do biến đổi khí hậu gây ra mà chúng ta vốn có thể ngăn chặn bằng các hành động khẩn cấp và đầy tham vọng, nhằm kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức dưới 1,5 độ C.
AN ĐÔNG