Nguồn gốc ý tưởng rửa tay ngăn ngừa lây nhiễm

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/7/2022 | 10:06:33 AM

Vào thế kỷ 19, bác sĩ Ignaz Semmelweis là người đầu tiên phát hiện lợi ích y tế của việc rửa tay nhằm ngăn ngừa lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp khi đó đã phủ nhận hoặc thậm chí chế giễu ý tưởng của ông.

Trong bối cảnh bùng phát đại dịch COVID-19, chúng ta có lẽ đã nghe lời khuyên này không biết bao nhiêu lần từ các cơ quan y tế: "Hãy rửa tay thường xuyên và chà xát kỹ bàn tay trong 20 giây với xà phòng và nước”. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Nguồn gốc ý tưởng rửa tay ngăn ngừa lây nhiễm - Ảnh 1
Ignaz Semmelweis (1818–1865). Ảnh: Klimik

Nguồn gốc ý tưởng rửa tay ngăn ngừa lây nhiễm - Ảnh 2
Ignaz Semmelweis rửa tay trong nước vôi đã khử trùng bằng clo trước khi phẫu thuật. Ảnh: npr.org

Mặc dù việc rửa tay là thực hành phổ biến ở thời điểm hiện tại, nhưng trong quá khứ không phải lúc nào cũng như vậy. Thậm chí người đầu tiên đề xuất ý tưởng này – bác sĩ sản khoa người Hungary Ignaz Semmelweis – đã phải hứng chịu những lời chỉ trích và tai tiếng từ mọi người xung quanh.

Ở châu Âu vào những năm 1840, nhiều sản phụ đã qua đời vì một căn bệnh gọi là sốt hậu sản – hiện nay được biết đến là do vi khuẩn Streptococcal gây ra. Ngay cả trong điều kiện được chăm sóc y tế tốt nhất, phụ nữ vẫn có thể đổ bệnh và tử vong ngay sau khi sinh con. Điều này đã thu hút sự chú ý của Semmelweis, và ông đã tiến hành các nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.

Semmelweis khi đó đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Vienna ở Áo, nơi có hai phòng sinh đẻ riêng biệt: một do các bác sĩ nam đảm nhiệm và một do các nữ hộ sinh phụ trách. Ông nhận thấy tỷ lệ tử vong của sản phụ [do sốt hậu sản] thấp hơn nhiều khi các nữ hộ sinh đỡ đẻ. Cụ thể hơn, các bà mẹ trong phòng sinh đẻ với sự chăm sóc của các bác sĩ có tỷ lệ tử vong cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ trong phòng sinh đẻ do các nữ hộ sinh phụ trách.

Một số người tin rằng sốt hậu sản bắt nguồn từ mầm bệnh trong không khí, tình trạng quá đông đúc hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh. Nhưng các điều kiện này đều giống nhau ở cả hai phòng sinh đẻ, vì vậy Semmelweis đã loại trừ những khả năng đó.

Một giả thuyết khác cho rằng căn bệnh này có liên quan đến tư thế sinh nở. Phụ nữ trong một phòng hộ sinh nằm ở tư thế nghiêng, trong khi ở phòng còn lại họ nằm với tư thế ngửa. Semmelweis đã yêu cầu các sản phụ ở hai phòng hộ sinh nằm cùng một tư thế, nhưng kết quả không tạo ra sự khác biệt.

Semmelweis đánh giá lại từng yếu tố và sau đó loại trừ chúng. Cuối cùng, ông đã tìm ra thủ phạm từ vụ tai nạn của một người bạn đồng nghiệp vào năm 1847. Vị bác sĩ này vô tình bị thương trong lúc sử dụng dao mổ để khám nghiệm tử thi và đã chết vì nhiễm trùng.

Vào buổi sáng tại bệnh viện, các bác sĩ thường quan sát và hỗ trợ sinh viên khám nghiệm tử thi như một phần trong công tác đào tạo y tế của họ. Sau đó vào buổi chiều, các bác sĩ đến làm việc tại khoa sản, khám bệnh và đỡ đẻ cho bệnh nhân. Các nữ hộ sinh không có lịch trình như vậy. Họ chỉ làm việc trong khu vực mà họ quản lý.

Semmelweis đề xuất giả thuyết rằng các hạt tử thi (cadaverous particles) di chuyển từ xác chết sang các thai phụ thông qua bàn tay của bác sĩ. Không giống như quy trình vệ sinh chặt chẽ ngày nay, các bác sĩ khi đó đã không rửa tay giữa các lần thăm khám và chữa bệnh cho bệnh nhân. Bất kỳ mầm bệnh nào họ tiếp xúc trong quá trình khám nghiệm tử thi đều được mang vào phòng hộ sinh.

Để kiểm tra giả thuyết, Semmelweis yêu cầu các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Vienna rửa tay sau khi khám nghiệm tử thi với dung dịch khử trùng chứa clo nhằm loại bỏ hoàn toàn mùi thối rữa bám trên tay. Họ cũng vệ sinh sạch sẽ cơ thể và các dụng cụ y tế. Cuối cùng, tỷ lệ tử vong của sản phụ tại phòng hộ sinh do các bác sĩ đảm nhiệm đã giảm xuống đáng kể, từ khoảng 18% vào tháng 4/1847 xuống dưới 2% vào tháng 7/1847.

Tại thời điểm đó, khoa học về vi khuẩn vẫn chưa được hiểu rõ. Lý thuyết vi trùng gây bệnh của Louis Pasteur chưa ra đời nên Semmelweiss gọi tác nhân gây bệnh là "vật chất hữu cơ phân hủy từ xác động vật”. Nhiều sản phụ nhiễm loại vật chất này đã chết vì sốt cao sau khi tiếp xúc với bàn tay nhiễm khuẩn của các bác sĩ.

Vào mùa xuân năm 1850, Semmelweis đã trình bày lợi ích của việc rửa tay trước các chuyên gia y tế tại Hiệp hội Y khoa Vienna danh tiếng. Ông đã xuất bản hai bài báo về vấn đề này vào các năm 1858 và 1860, cũng như một cuốn sách vào năm 1861. Lý thuyết của ông vượt xa các kiến thức y học đương thời nên bị cộng đồng y khoa bác bỏ, thậm chí Bệnh viện Vienna đã không chấp nhận quy định bắt buộc rửa tay đối với nhân viên y tế.

Nhiều đồng nghiệp đã xem xét lý thuyết của Semmelweis với thái độ hoài nghi, thậm chí chế giễu ý tưởng của ông vì thiếu cơ sở khoa học. Một số người còn có suy nghĩ thiển cận rằng các vết bẩn và máu bao phủ trên tay là dấu hiệu cho thấy sự siêng năng và chăm chỉ của các bác sĩ.

Vài năm sau, sức khỏe của Semmelweis bắt đầu xấu dần. Một số người tin rằng ông bị bệnh giang mai hoặc bệnh Alzheimer. Ông được đưa vào trại tâm thần và chết không lâu sau đó do nhiễm trùng huyết gây ra bởi vết thương trên tay.

Năm 1867, hai năm sau cái chết của Semmelweis, bác sĩ phẫu thuật người Scotland Joseph Lister đã phổ biến ý tưởng về việc vệ sinh tay và khử trùng dụng cụ phẫu thuật để ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm. Kể từ thập niên 1870, các bác sĩ đều rửa tay rất kỹ trước khi tiến hành các ca phẫu thuật.

Cộng đồng y khoa cũng bắt đầu nhận ra giá trị trong các nghiên cứu trước đó của Semmelweis. Đây là tiền đề để nhà hóa học người Pháp Louis Pasteur phát triển lý thuyết về vi trùng gây bệnh. Lý thuyết này đã thay đổi cách thức các bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, điều tra nguyên nhân cũng như tìm hiểu sự lây lan của dịch bệnh.

Mặc dù các bác sĩ phẫu thuật đã rửa tay thường xuyên hơn kể từ thập niên 1870, nhưng tầm quan trọng của việc rửa tay hằng ngày đối với công chúng đã không trở nên phổ biến cho đến hơn một thế kỷ sau. Mãi đến những năm 1980, các hướng dẫn vệ sinh tay mới được đưa vào tài liệu chăm sóc sức khỏe chính thức của Mỹ.

Hơn một thế kỷ sau khi lý thuyết của Semmelweis ra đời, Đại học Y Budapest đã đổi tên thành Đại học Semmelweis để vinh danh những đóng góp to lớn của ông trong việc nâng cao ý thức về vấn đề vệ sinh trong lĩnh vực y tế, cũng như cải thiện hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Theo KH&PT

Tags bác sĩ Ignaz Semmelweis ngăn ngừa lây nhiễm rửa tay

Các tin khác

Dữ liệu mô phỏng khí hậu cho thấy khoảng 70% dân số thế giới – tương đương 5,6 tỷ người – sẽ thường xuyên hứng chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt và hạn hán.

Trong các khu vực đô thị đông đúc, hệ thống thoát nước không đủ hoặc kém hiệu quả có thể gây ra lũ quét, ngập lụt và thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cũng như tính mạng con người.

Lũ lụt luôn gây ra thiệt hại cho nhà cửa và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Có rất nhiều việc phải làm để khôi phục lại cuộc sống thường nhật.

Hiệu ứng nhà kính mà điển hình là hiện tượng nước biển ấm lên đang là nguyên nhân trực tiếp khiến biến đổi khí hậu, sinh ra nhiều hơn những cơn siêu bão như bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục