IPCC nhận định biến đổi khí hậu (BĐKH) là hậu quả của hơn một thế kỷ con người gây phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sử dụng năng lượng không bền vững, sử dụng đất và thay đổi mục đích sử dụng đất cũng như các mô hình tiêu dùng và sản xuất.
Thế giới sẽ tiếp tục đà ấm lên đến 3,2°C vào năm 2100 nếu không tăng cường các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính
Giai đoạn 2010-2019, có mức tăng phát thải trung bình cao nhất trong lịch sử loài người, với 56 Gt CO2 tương đương/năm. Lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra đạt 59 Gt CO2 tương đương vào năm 2019, mức cao nhất kể từ năm 1990. Lượng phát thải đã tăng trên tất cả các lĩnh vực nhưng chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp. Khoảng 34% lượng phát thải của con người đến từ lĩnh vực cung cấp năng lượng, 24% từ công nghiệp, 22% từ nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, 15% từ giao thông và 6% từ các tòa nhà.
Cường độ phát thải CO2 của nền kinh tế toàn cầu đã giảm nhẹ, nhưng thay vào đó, lượng khí thải có xu hướng gia tăng từ các ngành công nghiệp, cung cấp năng lượng, giao thông, nông nghiệp và các tòa nhà.
Các nước phát thải cao chủ yếu là quốc gia giàu, điển hình là Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật Bản và New Zealand chiếm 22% dân số thế giới nhưng đã đóng góp 43% lượng khí thải CO2 tích lũy trong lịch sử từ năm 1850-2019. Tương ứng, Châu Phi và Nam Á có 61% dân số toàn cầu, nhưng chỉ đóng góp 11%.
Vào năm 2019, ước tính các quốc gia kém phát triển nhất chỉ phát thải 3,3% lượng phát thải KNK toàn cầu và các quốc gia đang phát triển ở đảo nhỏ (SIDS) chỉ phát thải 0,6%.
Theo IPCC, từ nay đến năm 2030, đầu tư hàng năm cho giảm thiểu cần lớn hơn từ 3 - 6 lần mức hiện tại trên tất cả các lĩnh vực để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C. Ngày càng có nhiều chính phủ và giới doanh nghiệp đưa ra cam kết phát thải ròng về 0, tuy nhiên, cần nhấn mạnh hơn vào hành động nhanh chóng, trong ngắn hạn để phù hợp với lộ trình giới hạn mức tăng nhiệt ở 1,5°C. Hiện, 56 quốc gia đã có đạo luật khí hậu tập trung vào giảm thiểu KNK, chiếm 53% lượng phát thải toàn cầu.
Từ sau khi Thỏa thuận Paris được ký kết tại Hội nghị COP21, biến đổi khí hậu đã trở thành chương trình nghị sự của các chính trị gia và giới truyền thông, nhưng vẫn chưa đạt được mức độ chú ý và hành động theo quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhóm công tác của IPCC nhận định, các bản Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC) được công bố trước Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là chưa đủ cho mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất chỉ tăng 1,5°C vào cuối thể kỉ này. Mức tăng có thể lên tới 2,8°C, thậm chí thế giới đang trên đà ấm lên 3,2°C vào năm 2100, trừ khi các chính sách được thực hiện vào cuối năm 2020 được tăng cường nhanh chóng.
Tùng Lâm