Trong những năm gần đân, nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy canh tác lúa cả hai vụ và ba vụ ở tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung gặp nhiều khó khăn do diện tích canh tác lớn, dày vụ làm tiêu thụ lượng nước lớn, trong khi hệ thống đê giúp làm giảm và thay đổi dòng chảy của lũ cũng đồng thời hạn chế phù sa bồi bổ cho ruộng đồng, nông dân ngày càng gia tăng lượng phân bón và thuốc trừ sâu…
Nguồn ảnh: Báo Cần Thơ
Những khó khăn ngày càng nhiều lên khi lượng nước đổ về ngày càng ít, chẳng hạn trong giai đoạn 10 năm gần đây (từ năm 2011 đến năm 2022) mực nước đã thay đổi, lũ đỉnh điểm thấp hơn và thời gian của lũ theo mùa ngắn hơn.
Hai khảo sát gần đây của các nhà nghiên cứu ở Đại học An Giang1,2 cho thấy hầu hết các hộ gia đình được khảo sát đều cho biết họ nhận thấy tình trạng nguồn nước bị giảm ở vùng cao. Nhận thức về tình trạng các nguồn tài nguyên nước của các hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lựa chọn thích ứng của họ. Khi các hộ gia đình nhận thức được tình trạng suy giảm của các nguồn tài nguyên nước, họ có nhiều khả năng áp dụng các biện pháp thích ứng kịp thời. Ở một số xã được khảo sát, một số nông hộ đã dần thay đổi các mô hình canh tác và áp dụng các chiến lược khác nhau, bao gồm từ (1) lúa sang "lúa an toàn” (kỹ thuật canh tác mới, sử dụng ít nước, thuốc trừ sâu và phân bón hơn); (2) từ lúa sang trái cây; (3) từ lúa sang rau hoặc là (4) từ rau sang trái cây.
Lý do cho những chuyển đổi này là: nguồn nước canh tác bị giảm; chuyển đổi có thể mang lại lợi nhuận cao hơn và hộ nông dân có thể học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật từ các nông dân khác trong khu vực. Các hướng chuyển đổi này được kỳ vọng sẽ giúp sử dụng tốt hơn các nguồn nước sẵn có, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, và giảm chi phí sản xuất.
Các phân tích ở hai khảo sát cũng cho thấy các yếu tố ảnh hưởng tới chiến lược chuyển đổi của các nông hộ. Các lựa chọn sinh kế bị ảnh hưởng bởi các nguồn vốn của hộ gia đình: nguồn lực con người (nhân lực có thể tham gia sản xuất); nguồn lực tự nhiên (diện tích đất canh tác, khoảng cách từ nguồn nước đến diện tích đất canh tác); nguồn lực tài chính (thu nhập hộ gia đình); và vốn xã hội (mối quan hệ với bạn bè và người thân).
Các khảo sát cũng cho thấy, khi người nông dân có điều kiện tài chính tốt thì mới có nhiều khả năng đầu tư vốn vào các chiến lược sinh kế mới, các hoạt động canh tác mới. Nền tảng thu nhập của hộ gia đình trước khi chuyển đổi sinh kế có tác động tích cực đến các lựa chọn sinh kế của nông hộ, giúp họ dễ dàng đầu tư và vượt qua các hạn chế về tài chính để tạo ra một mô hình mới. Đồng thời mạng lưới xã hội, như mạng lưới bạn bè và người thân có tri thức, kinh nghiệm chuyển đổi cũng là chìa khóa quan trọng để người nông dân học hỏi, chuyển đổi sinh kế hiệu quả hơn, thích nghi với điều kiện thiếu nước canh tác.
Do đó, để tăng tính bền vững của các mô hình sinh kế hiện có, cần nâng cao năng lực của người nông dân thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật, thúc đẩy mạng lưới xã hội trong cộng đồng nông dân và cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính cho người nông dân. Cụ thể, diện tích canh tác ảnh hưởng đáng kể tới việc chuyển đổi: khi nông dân càng có nhiều đất thì càng khó chuyển đổi. Khoảng cách từ khu vực canh tác đến nguồn nước cũng ảnh hưởng: khi khoảng cách từ đất canh tác đến nguồn nước ngắn hơn thì lựa chọn chuyển sang trồng rau của người nông dân trồng lúa sẽ tăng lên.
Như vậy, dù nông dân có nhận thức rõ sự thay đổi điều kiện tự nhiên và có nhu cầu chuyển đổi nhưng các nền tảng sẵn có gồm tài sản, nguồn vốn tự nhiên, nguồn lực con người, tài chính và mạng lưới xã hội ảnh hưởng đáng kể đến sự lựa chọn thay đổi sinh kế. Vì thế các khảo sát này đều đề xuất, để hỗ trợ nông dân chuyển đổi sinh kế bền vững, cần có sự hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật canh tác, trao đổi kinh nghiệm canh tác cho đến các hỗ trợ tài chính giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn.
Chú thích:
(1) https://iopscience.iop.org/article/10.1088/1755-1315/1349/1/012036/pdf
(2) https://iopscience.iop.org/article/10.1088/1755-1315/1349/1/012037
Theo Tia sáng
Tags
cây trồng
thiếu nước
Đồng bằng sông Cửu Long
canh tác lúa