Ứng dụng công nghệ vào xử lý rơm rạ làm phân bón

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/8/2024 | 11:52:14 AM

Sau mỗi mùa thu hoạch, phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ nếu biết tận dụng sẽ rất có giá trị. Trước thực tế đó, tỉnh Nam Định đã lựa chọn xã Yên Cường, huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) để thí điểm ứng dụng công nghệ làm phân bón hữu cơ từ rơm rạ.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay mỗi năm Việt Nam sản xuất ra khoảng 43 triệu tấn lúa, cùng với đó sẽ có khoảng 47 triệu tấn rơm, rạ. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 30% số rơm rạ được thu gom sử dụng cho các mục đích khác nhau, còn lại 70% (khoảng 32 - 33 triệu tấn/năm) đang bị lãng phí. Phần lớn nông dân có tập quán đốt bỏ rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa. Việc làm này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn gây ô nhiễm môi trường. 

Là một trong những tỉnh có diện tích nông nghiệp lớn, đặc biệt là trồng lúa, mỗi năm Nam Định có rất nhiều phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ phát sinh sau thu hoạch. Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Nam Định, trong vụ Xuân năm 2024, toàn tỉnh gieo trồng 70.256ha lúa. Trước thực tế dư thừa nguồn rơm rạ, để bảo vệ môi trường và không lãng phí tài nguyên, tỉnh Nam Định đã tăng cường ứng dụng công nghệ để xử lý rơm rạ.

Tỉnh Nam Định là 1 trong 3 tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng được Bộ NN&PTNT lựa chọn thực hiện Dự án Sử dụng phân bón đúng do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN& PTNT) là chủ đầu tư và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) là đơn vị thực hiện. Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức xây dựng mô hình thí điểm và nhân rộng kỹ thuật xử lý rơm, rạ làm phân bón hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa kết hợp sinh học tại địa phương.

Cụ thể, tỉnh Nam Định đã thí điểm công nghệ làm phân bón hữu cơ từ rơm rạ tại xã Yên Cường, huyện Ý Yên. Công nghệ này được ThS Nguyễn Văn Hiếu, Trường Đại học Tiền Giang, chuyên gia tư vấn của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) giới thiệu với bà con nông dân. Quá trình ủ rơm rạ thành phân hữu cơ được sử dụng như một chất bổ sung cho đất tương tự phân bón. Ngoài việc tạo giá trị cho rơm rạ, dùng rơm ủ phân hữu cơ còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Theo hướng dẫn từ chuyên gia của IRRI, một hỗn hợp ủ được xem là tối ưu khi có thành phần gồm 60% rơm, 30% phân bò và 10% đất. Khi phối trợn, IRRI khuyến nghị phun thêm men vi sinh với liều lượng 1 lít men vi sinh gốc pha kèm với 1kg mật rỉ đường, 18 lít nước, ủ trong 7 ngày thu được 20 lít men vi sinh thứ cấp. Tính trung bình, 4 lít men thứ cấp pha với 40 lít nước sẽ được phun cho khoảng 1 tấn nguyên liệu.


Người dân thực hành phối trộn phân hữu cơ từ rơm rạ. Ảnh: BT.

Nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình ủ là những yếu tố quan trọng nhất giúp đảm bảo thành phẩm đầu ra. Tốt nhất là trong khoảng 50-70 độ C và 50-60% độ ẩm. Sau 45 ngày tính từ lần đảo trộn đầu tiên, phân hữu cơ có thể sẵn sàng sử dụng. Một thành phẩm được xem là chất lượng nếu tỷ lệ C/N là 13 - 14,5; độ pH từ 6,8 - 7,2. Phân bón được trải đều lên sàn rộng hoặc phơi nắng để giảm độ ẩm trước khi đưa vào quá trình ép viên nén và bảo quản.

Để ủ một cách hiệu quả, người dân cần chuẩn bị luống ủ, đảo trộn, phun men vi sinh, đậy bạt, kiểm tra nhiệt độ, độ pH thường xuyên. Đồng thời, tiến hành đảo trộn lần 2 sau sau từ 10-15 ngày trước khi kiểm tra thành phẩm. Để hỗn hợp ủ rơm rạ đạt kết quả tốt nhất thì độ ẩm là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn, việc đầu tư máy đo độ ẩm là khó khăn và không khả thi. Do đó, chuyên gia tư vấn của IRRI đã giới thiệu 1 phương pháp đơn giản. Đó là, ngay sau khi phối trộn, người dân dùng tay bóp 1 nắm thành phẩm ở phần giữa luống. Nếu rơm rạ rỉ ra một chút nước là đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó nông dân còn được tiếp cận thông tin về công nghệ cơ giới hóa sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm, rạ; được hướng dẫn phương pháp xếp luống phân hữu cơ, vận hành máy đảo trộn phân hữu cơ tự hành, quy trình sản xuất phân hữu cơ...Chiếc máy thu gom và phối trộn rơm rạ giống 1 chiếc máy xúc cỡ nhỏ. Phía trước 2 hàng bánh xe có 2 chiếc gạt lớn bằng nhựa màu trắng, dùng để vun rơm rạ vào giữa đường chạy của máy.

Máy trộn tự hành do IRRI giới thiệu có năng suất khoảng 138-300m3 rơm rạ trong 1 giờ chạy liên tục, cao hơn nhiều lần so với máy trộn liên kết máy kéo truyền thống mà người dân thường dùng. Ngoài ra, phía trên vị trí lái còn có ô che nắng, đảm bảo hoạt động ngay cả lúc tiết trời nóng nực.

Chuyên gia IRRI cho biết, chiếc máy đã được kiểm chứng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Thuộc khuôn khổ Dự án "Sử dụng phân bón đúng", máy trộn tự hành đều đã phát huy hiệu quả tại cả 3 địa phương là Cần Thơ, Sóc Trăng và Đồng Tháp. Một trong những bộ phận chính của máy trộn tự hành là ống sắt cỡ lớn, hình giống lưỡi cưa, với các rãnh xếp tương đối thưa. Bộ phận này có tác dụng xới tung rơm rạ trên đường đi của máy, ở tốc độ hợp lý, phù hợp với chế độ mà người lái lựa chọn.

Việc xử lý rơm, rạ làm phân bón hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa kết hợp sinh học nhằm tận dụng, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất, góp phần giảm tình trạng đốt rơm, rạ, giảm chi phí đầu tư đầu vào, tăng giá trị thu nhập cho nông dân không chỉ với Nam Định mà còn có ý nghĩa với các địa phương khác. Xử lý rơm rạ để tạo ra phân bón tự nhiên, đã trở thành một giải pháp quan trọng trong việc quản lý và tận dụng tối đa tài nguyên nông nghiệp, từ đó bảo vệ môi trường tự nhiên an toàn, bền vững.

Thu Thảo/thiennhienmoitruong.vn

Tags phế phẩm nông nghiệp phân bón hữu cơ rơm rạ

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục